Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Làm các món ngon từ việc tận dụng thực phẩm thừa sau Tết

Tết là dịp các gia đình thường bày biện nhiều món ăn ngon. Cũng chính vì suy nghĩ đó mà rất nhiều thực phẩm còn thừa lại sau mỗi bữa. Bạn hãy dùng mẹo tận dụng thực phẩm thừa sau Tết chế biến chúng thành những món thơm ngon mới nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng nhé.

Với 10 mẹo tận dụng thực phẩm thừa sau Tết, bạn không còn nỗi lo tủ lạnh quá đầy, thực phẩm bị bỏ đi lãng phí sau mỗi dịp Tết nữa:

1. Món chè từ xôi cứng

Xôi được nấu từ gạo nếp sau khi cúng xong mang xuống thưởng thức, xôi đã bị nguội và thường không thu hút mọi người. Nếu bạn để đến các ngày hôm sau thì chúng sẽ cứng lại, chẳng ai muốn ăn nữa và trở thành đồ thừa.

Món chè thơm ngon mùi gừng dùng kèm với trà nóng rất phù hợp

Sao bạn không gom hết xôi trong tủ lạnh đem đi nấu chè? Đặc biệt, xôi càng cứng thì khi nấu chè càng không bị nát. Thưởng thức món chè thơm thơm mùi gừng, uống thêm tách trà nóng nữa là rất thích hợp trong những ngày Tết giá rét.

2. Món giò kho từ giò cũ

Món giò đã quá quen thuộc ngày Tết. Giò cũ lại lạnh vì trữ tủ lạnh. Bạn có thể chế biến món giò cũ tồn bằng cách đem kho thì ngon tuyệt vời.

Giò kho có lớp da dai dai, gia vị đậm đà, ăn riêng hoặc ăn kèm với cơm đều rất hợp. Đối với món giò chay, bạn chú ý khi kho giò cho vào chảo không dính để không làm nát mất miếng giò.

3. Món gà xé phay từ gà luộc

Ngày Tết nhà nào cũng có con gà luộc thắp hương giao thừa. Gà luộc chấm ăn mãi cũng chán. Bạn có thể đem xé ra rồi bóp với rau răm và dưa chuột thành món gà xé phay. Món gà xé phay mang lại cảm giác mới lạ, không ngán như các món thịt ngày Tết, đảm bảo sẽ hết veo.

4. Món ruốc gà từ gà luộc

Món ruốc gà rất đơn giản, bạn xé thịt gà thành sợi, ướp với bột nêm và chút nước mắm cho thơm. Sau đó cho cả vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ, vừa đảo vừa nêm nếm thêm cho vừa miệng. Khi rang ruốc đến khi thịt săm, khô vào là được. Đem xay hoặc giã nhỏ rồi để dành ăn dần.

5. Món chuối xanh ốc đậu

Chuối mua thắp hương trên mâm ngũ quả thường là những quả xanh nhìn cho đẹp mắt và không bị dập nát, bảo quản được lâu. Bạn có thể đem phần chuối xanh nấu chuối ốc đậu để không bị lãng phí, đổi vị cho bữa cơm gia đình. Vị chua ngon dân dã của món chuối đậu ốc chắc chắn sẽ thu hút được các thành viên trong gia đình.

6. Rán bánh chưng ăn với dưa muối

Bánh chưng từ Tết để sau mấy ngày sẽ bị cứng lại không còn mềm nữa. Bánh chưng chỉ cần rán lên. Lớp vỏ giòn giòn, ăn thêm với dưa hành, củ kiệu còn trong mấy ngày Tết thì sẽ hết bay. Để tránh bị ngán dầu mỡ, rán xong bạn cần cho ráo hết dầu, giảm lượng chất béo.

Bánh chưng rán giòn tan ăn kèm dưa hành hay củ kiệu

7. Bia cho vào món bò hầm

Sau các bữa chúc Tết, bia thường bị thừa lại. Bạn cất chúng đi cho vào các món hầm sẽ rất ngon. Chúng sẽ tạo vị nồng và thơm hơn cho các món. Bạn thử với món bò hầm xem sao. Thay vì các bữa ăn truyền thống, sao không thử đổi một bữa kiểu tây với bò hầm và bánh mì bạn sẽ thấy món này tự nhiên mới lạ, ngon miệng vô cùng.

8. Trộn hoa quả thành món thạch mát rượi

Ngày Tết món gì cũng nhiều, món gì cũng có thể thừa vì mọi người đã đều ăn quá nhiều rồi. Khi đến nhà chơi, chỉ ăn thêm một chút. Bạn cảm thấy rất khó khăn khi hoa quả cứ thừa mỗi loại một ít như thế. Sao bạn không tham khảo ngay cách trộn hoa quả với thạch hạnh nhân? Kiểu này vừa trông vui mắt, lại có vị chua ngọt hoà quyện, ăn rất mát. Đây là món tráng miệng ngon cho các thành viên trong gia đình sau bữa ăn.

9. Các món từ dưa cải

Ngày Tết các gia đình thường muối chút dưa cải để ăn. Nhưng không phải nhà nào cũng ăn hết được. Bạn có thể dùng giò heo, xương còn lại trong tủ lạnh nấu với dưa cải thành món canh. Hoặc các món kho cũng ăn cùng với cơm đều rất tuyệt. Dưa còn có thể xào với các loại hải sản sau Tết ăn sẽ không bị ngán và rất ngon.

10. Bún thang

Nếu trong tủ lạnh của bạn sau Tết mỗi món đều còn một chút thì bún thang sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Nguyên liệu chủ yếu là xương (heo hoặc gà), thịt gà, chả, trứng, rau sống.

Món bún thang lạ miệng, chống ngấy sau dịp Tết

Để nấu món này, bạn dùng xương heo hoặc xương gà hầm nước dùng. Tiếp đến cho ít hành tím, chân nấm, tôm khô, râu mực, đường phèn cho ngọt nước. Cho thêm gà vào luộc chung với nước hầm, khi gà mềm thì vớt ra.

Bún thang ăn kèm với chả lụa, trứng tráng xắt sợi nhuyễn, gà luộc xé nhuyễn, rau răm hành lá xắt nhỏ. Khi ăn cho bún vào tô, xếp các nguyên liệu lên, cho nước dùng vào. Thưởng thức bún thang phải ăn với chút mắm tôm thì mới hợp.

Với những mẹo tận dụng thực phẩm thừa sau Tết, bạn không còn lo thực phẩm bị lãng phí mà còn có thêm lựa chọn cho thực đơn sau Tết giúp cả nhà luôn ngon miệng.

Nguyên Vũ

Theo chuyên đề Sức Khoẻ Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/lam-cac-mon-ngon-tu-viec-tan-dung-thuc-pham-thua-sau-tet-24960/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY