“Điếc không sợ súng”?
Thay đổi thời tiết, môi trường khói bụi, ngồi điều hòa nhiều... là nguyên nhân làm gia tăng tình các bệnh về mũi ở Việt Nam. Khi mắc bệnh này, đã số mọi người đều tự mua thuốc về sử dụng mà không cần đến sự thăm khám của bác sĩ.
Ảnh minh họa |
Qua khảo sát của PV, tại một hiệu thuốc tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, số lượng thuốc nhỏ mũi các loại bán ra hàng ngày không dưới 10 lọ. Khi được hỏi về tác dụng phụ mà loại thuốc này có thể gây ra cho người sử dụng, chủ cửa hàng khẳng định: “Tôi bán thuốc đã cả chục năm mà chưa từng thấy ai bị biến chứng vì sử dụng thuốc nhỏ mũi. Ở đây, toàn là thuốc phổ thông, lành tính. Có người cứ hắt hơi, sổ mũi là lại ra lấy thuốc về dùng, chả thấy kêu ca gì”.
Cũng ngay tại hiệu thuốc này, khi hỏi một người mua hàng về những tác dụng phụ mà chị đã từng gặp phải khi sử dụng thuốc nhỏ mũi, PV nhận được câu trả lời: “Mình cũng hay sử dụng thuốc nhỏ mũi mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng cũng chưa thấy sức khỏe bị ảnh hưởng gì. Thường thì mình hay mua thuốc theo tư vấn của người bán thuốc, nếu 5-7 ngày sau không thấy khỏi thì lại chuyển thuốc khác nặng hơn. Riêng với em bé thì mình thường đưa đi khám để lấy đơn thuốc. Nếu sau này, bé bị tình trạng tương tự thì đem đơn cũ ra mua thuốc”.
Không chỉ có người bán thuốc hay vị khách hàng này mới cho rằng thuốc nhỏ mũi là an toàn mà khi khảo sát tại một cửa hàng thuốc khác trên đường Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời với thái độ tương tự khi hỏi về những tác dụng phụ có thể gặp phải của thuốc nhỏ mũi. Cũng có một vài ý kiến cho rằng, lạm dụng thuốc nhỏ mũi có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, lần sau sẽ phải sử dụng với liều cao hơn.
Qua khảo sát nhỏ mà PV SKGĐ thực hiện, có thể nhận thấy, dù là được bày bán phổ biến tại các cửa hàng thuốc, thế nhưng, những tác hại mà thuốc nhỏ mũi gây ra vẫn là một ẩn số với người dùng. Hầu hết, mọi người đều không nghĩ rằng, dùng thuốc nhỏ mũi không đúng cách chính là nguyên nhân dẫn đến các tình trạng như: thủng vách ngăn mũi, viêm teo mũi, hay mất khả năng cảm nhận mùi...
“Lợn lành hóa lợn què”
Theo Ths, bác sĩ Lê Đình Hưng, (Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện E, Hà Nội): Với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, viêm mũi, viêm xoang... là các bệnh phổ biến ở Việt Nam. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc nhỏ mũi khác nhau, nhưng về cơ bản, chúng chỉ chứa một trong 3 thành phần là thuốc co mạch, corticoid và nước muối.
Ảnh minh họa |
Thuốc co mạch có trong thành phần của hầu hết các loại thuốc nhỏ mũi. Những thuốc này sẽ giúp mũi thông, tuy nhiên, nếu chúng ta dùng nhiều, thuốc co mạch đó sẽ làm thay đổi niêm mạc mũi, dẫn đến quá phát cuống mũi do thuốc. Lúc mới đầu sử dụng, loại thuốc này có hiệu quả từ 6-10 giờ, sau đó, nếu bị lạm dụng, cơ chế nhờn thuốc sẽ xuất hiện khiến người bệnh có xu hướng tăng liều hoặc sử dụng loại mạnh hơn. Điều tai hại là, khi đã ở trong tình trạng này, càng dùng thuốc, tình trạng nghẹt mũi lại càng nặng hơn do hiện tượng cương tụ niêm mạc mũi. Nếu cứ tiếp tục sử dụng trong thời gian dài, người bệnh có thể bị viêm teo mũi, thủng vách ngăn hay mất khả năng nhận biết mùi...
Thành phần thứ hai có trong thuốc là corticoid. Thuốc này có thể dùng ở dạng đơn thuần hoặc phối hợp với các thuốc co mạch khác để chống dị ứng, chống viêm, ngạt mũi. Nếu thuốc này dùng ở dạng đơn thuần để điều trị viêm mũi dị ứng thì sẽ không có tác dụng chữa ngạt mũi ngay lập tức mà phải sau 3-5 ngày và thông thường phải dùng kéo dài mới giúp tình trạng bệnh ổn định. Dạng thuốc này tuy chỉ có khoảng 2% hấp thu vào máu nhưng nếu lạm dụng cũng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em như: rối loạn quá trình tạo xương, loãng xương, teo cơ, giảm kali máu, rối loạn cân bằng muối - nước...
Thành phần thứ 3 là thuốc nhỏ mũi đơn thuần dùng nước muối, có thể là nước muối sinh lý hoặc nước muối biển. Các chế phẩm này chỉ có tác dụng làm sạch mũi, nhưng lại giúp bệnh suy giảm do các niêm mạc mũi được làm sạch một cách tự nhiên. Nước muối này dùng rất an toàn và hầu như không gây tác dụng phụ nào.
Vẫn theo bác sĩ Hưng, thuốc nhỏ mũi chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, không phải là thuốc trị bệnh, thế nên sau 3-5 ngày sử dụng mà không có kết quả, cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, tuyệt đối không sử dụng thuốc thường xuyên, kéo dài, trừ khi có chỉ định của người có chuyên môn.
An Nhiên
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: