Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Lasik- cứu cánh cho người cận thị

Phẫu thuật mắt bằng laser (lasik) cho người bị cận thị đang chứng tỏ nhiều tính ưu việt mới nhưng không phải ai cũng có đủ thông tin về phương pháp này. Đó là lý do Sức khỏe Gia đình trò chuyện với bác sĩ Đặng Văn Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội.

Xin bác sĩ cho biết về kỹ thuật phẫu thuật khúc xạ mắt (lasik) chữa cận thị?

Lasik là từ viết tắt của thuật ngữ Laser assisted in situ keratomileusis, có nghĩa là tạo hình giác mạc bằng laser. Bệnh nhân có tật khúc xạ như cận thị khi có chỉ định phẫu thuật sẽ được khám khúc xạ đặc hiệu cho từng mắt, đo chiều dày giác mạc… Các thông số điều trị sẽ được xử lý trên phần mềm điều trị rồi truyền dữ liệu đến máy laser để tiến hành phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật gồm bốn bước:

- Đầu tiên là tạo vạt giác mạc bằng thiết bị tạo vạt giá mạc tự động (chỉ cần nhỏ thuốc tê).

- Tiếp đó là lật vạt giác mạc lên. Sau đó đến việc chiếu tia laser excimer đã được lập trình.

- Cuối cùng là đậy lại vạt giác mạc, tra thuốc kháng sinh và nước mắt nhân tạo.

Thời gian phẫu thuật cho cả hai mắt trung bình là từ 7-10 phút, sau 30 phút bệnh nhân có thể ra viện.

Mổ cận bằng Lasik. (Ảnh minh họa)

Tính ưu việt của phương pháp này là gì, thưa bác sĩ?

Trên thế giới bắt đầu tiến hành phương pháp phẫu thuật lasik chữa cận thị từ những năm 90. Trong những ngày đầu kết quả đạt được khoảng 80-90%, càng về sau nhờ cải tiến của máy móc, sự tính toán chính xác hơn nên gần như tỷ lệ thành công là 100%. Không gây đau hậu phẫu lâu dài vì mắt đã được phủ bởi giác mạc. Người bệnh chỉ thấy xốn giống như có bụi trong mắt và chảy nước mắt trong vòng 1-2 ngày. Thị lực phục hồi nhanh có thể làm việc trở lại sau 2 hoặc 4 ngày.

Những ai có thể áp dụng phương pháp này?

Những người bị cận thị muốn tiến hành phẫu thuật lasik phải từ 18 tuổi trở lên, khúc xạ ổn định trong sáu tháng, bị cận thị từ > 0,5D đến dưới 16D, không hoặc có độ loạn thị từ > 0,5D đến dưới 6D.

Bên cạnh đó, người muốn mổ mắt phải có sự chỉ định của bác sĩ và đáp ứng các điều kiện như: sức khỏe tốt, không mắc các bệnh lý về mắt khác hay các bệnh toàn thân nặng ảnh hưởng đến việc lành vết thương như bệnh tạo keo, bệnh ngoài da nặng. Những người đang mang thai cũng được khuyến cáo không nên tiến hành phẫu thuật mắt trong thời kỳ này.

Trước khi tiến hành phẫu thuật cần chuẩn bị những gì?

Ngưng đeo kính sát tròng mềm trước một tuần và kính sát tròng cứng trước hai tuần, thay bằng kính gọng. Tiến hành đo khám để các bác sĩ đánh giá đúng bệnh trạng trước khi phẫu thuật.

Chi phí trung bình cho việc phẫu thuật cận thị hiện nay ở Việt Nam?

Chi phí mổ cận thị trung bình hiện nay khoảng 10 triệu đồng/ mắt, tức là khoảng 20 triệu nếu cận cả hai mắt. Nếu bệnh nhân nào có bảo hiểm y tế (chuyển đúng tuyến) mà độ chênh lệch của 2 mắt dưới 3D sẽ được miễn phí toàn bộ khi phẫu thuật.

Phẫu thuật chữa cận thị một lần liệu có đảm bảo khỏi cận vĩnh viễn không?

Phẫu thuật nhằm thay thế cho việc đeo kính hay nói một cách khác, là chỉnh sửa bằng laser để có đôi kính lý tưởng mà không cần đeo kính. Kết quả là ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp (dù chỉ khoảng 1%) không được như ý muốn, bởi làm bất cứ việc gì cũng có xác suất của nó. Đồng thời, trong quá trình sống và làm việc nếu sau phẫu thuật người ta không biết giữ gìn cho đôi mắt thì có thể bị cận lại.

Sau phẫu thuật người bệnh cần chuẩn bị những gì?

Sau khi mổ xong thì nhỏ thuốc từ 1-3 ngày đầu sau ca mổ, cần đeo kính bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Bên cạnh đó hạn chế sử dụng vi tính, đọc sách ở chỗ tối, bỏ thuốc lá, không để nước vào mắt trong tuần đầu sau khi mổ (nhất là khi gội đầu, đi bơi, tắm biển), cũng như không chơi các môn thể thao mạnh trong khoảng từ một đến ba tháng đầu.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bạn nên biết

Có ba phương pháp trong phẫu thuật chữa cận thị. Mổ bằng dao kim cương (dùng dao kim cương kẻ những đường rạch trên giác mạc có hình nan hoa bánh xe, khi lành sẹo và dưới tác dụng áp suất ở mắt, các đường rạch này làm giác mạc phẳng hơn ở trung tâm, giảm độ cong giác mạc và hết cận thị); mổ bằng chùm tia lasẻ để làm phẳng giác mạc (phương pháp PRK) và Lasik.

Mỗi phương pháp đều có ưu và khuyết điểm cũng như có chỉ định riêng. Vì thế, tất cả tùy thuộc vào ý muốn và cơ địa của người bệnh, cũng như tùy thuộc vào nghề nghiệp và điều kiện tài chính của người bệnh.

Chẳng hạn như với người cận thị nặng 10 độ có chiều dày giác mạc tốt thì nên mổ phương pháp Lasik. Nhưng cũng với người cận thị có chiều dày giác mạc mỏng thì mổ phương pháp PRK. Còn với độ cận 3 độ mà tài chính ít có thể mổ phương pháp cổ điển rạch bằng dao kim cương.

Việc quyết định mổ theo phương pháp nào nên thảo luận kỹ với bác sĩ để được giải thích cặn kẽ, phân tích ưu, khuyết điểm của từng phương pháp sao cho phù hợp nhất.

Thu Dịu

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/lasik-cuu-canh-cho-nguoi-can-thi-26403/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY