Khoai môn là loại thực phẩm vô cùng quen thuộc với người Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nó đã trở thành món ăn gắn bó với bữa cơm gia đình của người Việt Nam mặc dù khiến chị em căng thẳng nhất mỗi khi sơ chế. Nếu không cẩn thận và sở hữu làn da quá nhạy cảm, bạn sẽ dễ bị ngứa ngáy sau khi gọt. Nhẹ thì trên tay, nặng thì ngứa khắp người.
Tuy vậy, khoai môn lại có hương thơm, vị ngon ngọt, béo ngậy và rất giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nên nó vẫn luôn được nhiều bà nội trợ lựa chọn.
Theo Diana Rodriguez, chuyên gia dinh dưỡng tại New York, mọi người trồng cây khoai môn, hay còn gọi là Xanthosoma sagittifolium, để lấy củ, tức phần ăn được. Chúng mọc dưới đất và có kết cấu tương tự như khoai tây. Dù vậy, khoai môn có vị béo hơn và không khô như khoai tây.
Hơn nữa, loại thực phẩm này còn rất giàu chất dinh dưỡng. Khoai môn chứa ít chất béo, đường và nhiều chất xơ. Mọi người có thể dễ dàng nhận ra loại củ này sở hữu nhiều màu khác nhau, từ trắng, vàng cho đến màu tím nhạt.
Khoai môn có tính linh hoạt cao. Một số người thích kết hợp chúng với món hầm ăn trong mùa lạnh hoặc nghiền ra để dùng kèm với món khác.
Dưới đây là những lý do các chuyên gia khuyên mọi người nên đưa loại thực phẩm này vào chế độ ăn hàng ngày:
Khoai môn giàu chất dinh dưỡng, ít chất béo và chứa nhiều chất xơ.
Khoai môn là lựa chọn hàng đầu nếu bạn đang tìm cách bổ sung chất xơ vào chế độ ăn. Một bát chứa khoảng 7g chất xơ.
Hầu hết mọi người đều biết một chế độ ăn giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe, giúp giảm cholesterol, tránh nguy cơ mắc bệnh tim và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ 2020–2025, người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 25-33g chất xơ mỗi ngày, con số này dao động tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
Không những không cần lo sợ đường huyết trong máu tăng cao, bạn còn cảm thấy no lâu hơn khi tiêu thụ khoai môn. Nhiều người đã lựa chọn loại thực phẩm này như một cách thay thế khoai tây và các loại rau củ chứa nhiều đường khác. Chuyên gia Diana cho biết, những người mắc bệnh tiểu đường hoặc sở hữu hàm lượng trong máu cao nên đưa khoai môn vào chế độ ăn hàng ngày.
Do khoai môn sở hữu hàm lượng chất xơ cao nên loại củ này cũng chứa ít đường.
Khoai môn chứa một số vitamin B, bao gồm cả folate và riboflavin (B2). Những chất này giúp tăng cường năng lượng, hỗ trợ chức năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe da, tóc, móng và thậm chí ngăn ngừa bệnh về mắt, tim mạch.
Thiếu hụt vitamin B có thể gây ra một loạt các triệu chứng như thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, trầm cảm, tê, ngứa ran ở tay chân, chuột rút, nhiễm trùng đường hô hấp và rụng tóc.
Nhiều người tránh xa carb vì cho rằng chúng ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Dù vậy, chất này lại không kém phần quan trọng. Cơ thể cần carb để tạo ra glucose, từ đó duy trì năng lượng hoạt động. Khoai môn cung cấp một lượng lớn carb phức tạp, nguồn năng lượng ổn định thay vì nhất thời như carb đơn giản. Mỗi bát khoai môn bổ sung tới 44g carb.
Khoai môn rất linh hoạt nên bạn có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Không nhiều người biết tới việc tiêu thụ khoai môn có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Loại thực phẩm này chứa vitamin C và beta-carotene, các chất chống oxy hóa có thể chuyển hóa thành vitamin A. Theo chuyên gia Diana, chất chống oxy hóa rất cần thiết để giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do.
Khoai môn có hàm lượng kali đáng kể, đây là một trong những khoáng chất thiết yếu cần thiết để chúng ta duy trì sức khỏe và hoạt động hàng ngày. Kali không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển chất lỏng giữa các màng và các mô trong cơ thể mà còn giúp giảm căng thẳng, áp lực lên các mạch máu, động mạch. Bằng cách thư giãn các tĩnh mạch và mạch máu, kali giúp giảm huyết áp và căng thẳng cho hệ tim mạch.
Khoai môn là loại thực phẩm có thể dễ dàng tiêu thụ sau khi được nấu chín. Tuy nhiên, những người bị tăng kali máu có thể gặp phải những triệu chứng như loạn nhịp tim, yếu cơ, mệt mỏi sau khi ăn. Do đó, nếu nằm trong nhóm người này, bạn nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ khoai môn. Nhìn chung, một chế độ ăn uống lành mạnh luôn đi kèm với hai từ "điều độ" nên mọi người đừng ăn loại củ này quá nhiều.
Như đã đề cập, khoai môn cực kỳ linh hoạt nên mọi người có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau từ nướng, chiên, nghiền, hầm hoặc cho vào món súp.
(Nguồn: Women'shealth)
Chủ đề liên quan:
Lợi ích sức khỏe của khoai môn