Thực phẩm của tương lai
Tên tiếng Anh của thực phẩm biến đổi gene là: Genetically Modified Food (GMF). Có thể hiểu đơn giản đó là thực phẩm mà con người đã can thiệp vào cấu trúc di truyền của chúng bằng cách lấy yếu tố di truyền được chọn lọc từ chủng một sinh vật này cấy vào tế bào của một sinh vật khác để cho ra đời những phẩm chất mong muốn như tăng khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất.
Theo dự đoán, đến giữa thế kỷ 21 cả thế giới sẽ có khoảng 8-10 tỷ người và nhu cầu cần phải có tổng lương thực, thực phẩm phải đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 40%, đó là điều khó thành hiện thực trong tình trạng sản xuất như hiện nay. Việc sử dụng thực phẩm biến đổi gene là tất yếu đối với loài người trong tương lai gần.
Thời gian gần đây thực phẩm biến đổi gene đã trở thành chủ đề nóng của các nhà khoa học thế giời cũng như tại Việt Nam. Một mặt, họ đặc biệt quan tâm nghiên cứu, thì mặt khác lại gặp phải sự phản ứng kịch liệt của các tổ chức bảo vệ môi trường vì cho rằng thực phẩm biến đổi gene có thể gây hại đối với con người và môi trường.
Ở các nước châu Âu, việc quản lý thực phẩm biến đổi gene rất chặt chẽ, do lo sợ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, Mỹ và nhiều quốc gia khác xem đây như một sản phẩm bình thường.
Lợi hại song hành
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm biến đổi gene có thể tạo ra thêm các dưỡng chất, chịu được lạnh, chịu được hạn hán, chống lại được nhiều loại sâu bệnh cỏ dại… Chính vì thế nó giúp tăng thêm sản lượng lương thực, giảm bớt chi phí sản xuất, tăng thêm nhiều giá trị dinh dưỡng cho cây trồng và nhất là có thể tạo ra các loại vaccine có trong thực phẩm giúp con người phòng ngừa bệnh tật.
Tuy thế, người ta cũng phải nhìn nhận: thực phẩm biến đổi gene cung cấp điều lợi bao nhiêu thì nó cũng ẩn chứa trong đó những nguy cơ tiềm ẩn - điều mà các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.
Mặc dù chưa thể khẳng định những ảnh hưởng mà thực phẩm biến đổi gene mang lại, nhưng đã tồn tại những hoài nghi về nguy cơ gây dị ứng, tạo ra độc tố, sự thay đổi các giá trị dinh dưỡng… của thực phẩm biến đổi gene. Như việc đưa các gene ngoài vào sinh vật sẽ gây ra dị ứng, gây rối loạn quá trình chuyển hóa tạo nên độc tố và tăng tính kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây hại.
Thêm vào đó, việc nghiên cứu và ứng dụng thực phẩm biến đổi gene là một quá trình lâu dài và tốn kém, nên khi một sản phẩm mới được lưu hành, giá thành của nó sẽ rất cao, không thích hợp với các nước nghèo, dẫn tới khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.
Vũ Vũ
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: