Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Lupus ban đỏ, căn bệnh nguy hiểm chết người nhưng ít được biết đến

Lupus ban đỏ là căn bệnh tự miễn mãn tính đặc biệt nguy hiểm, bởi nó khiến hệ miễn dịch chống lại chính cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh lupus ban đỏ là gì?

Lupus ban đỏ hay bệnh lupus ban đỏ hệ thống được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1845. Đây là một căn bệnh tự miễn mãn tính, hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác gây nên bệnh này.

Khi mắc lupus ban đỏ, hệ miễn dịch mất đi khả năng phân biệt lạ - quen, không giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại xâm nhập, ngược lại nó còn sản sinh ra các kháng thể chống lại tế bào của hầu hết các cơ quan của cơ thể.

Lupus ban đỏ là căn bệnh tự miễn mãn tính khiến cơ thể tự hủy hoại mình

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh…

Có thể hiểu đơn giản, lupus ban đỏ là căn bệnh khiến cơ thể tự hủy hoại chính mình.

Hiện nay, lupus ban đỏ hệ thống đang trở thành vấn đề toàn cầu với số người mắc bệnh gia tăng mỗi năm, nhưng trong xã hội vẫn còn ít người biết đến căn bệnh này.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Tổn thương ở thận: Bệnh lupus ban đỏ gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở thận. Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể tử vong do suy thận. Biến chứng ở thận do lupus ban đỏ gây ra có thể biểu hiện bởi các triệu chứng ngứa toàn thân, đau ngực, buồn nôn, ói mửa và sưng chân.

Các bệnh tim mạch: Lupus ban đỏ cũng gây ra những biến chứng liên quan đến tim và động mạch. Những dấu hiệu phổ biến có thể nhận thấy khi gặp biến chứng liên quan đến tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân lupus ban đỏ có nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch cao gấp 8-10 lần so với người bình thường. Bởi căn bệnh này có thể gây nên tình trạng viêm ở tim và động mạch.

Vấn đề ở xương: Người mắc bệnh lupus ban đỏ cũng phải đối mặt với nguy cơ gãy xương, vỡ xương do nguồn máu cung cấp đến xương thiếu hụt. Trong đó, khớp hông và khớp gối thường chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi căn bệnh này.

Vấn đề ở phổi: Bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra tình trạng viêm niêm mạc màng phổi hoặc tích tụ dịch lỏng trong phổi, gây ho và khó thở. Các dấu hiệu nhận biết vấn đề về phổi có thể kể đến như sốt, đau ngực, ho dữ dội. Ở một số bệnh nhân, khi gặp biến chứng về phổi, khả năng cung cấp ôxy vào máu giảm sút gây ra nguy hiểm cho sức khỏe và có thể dẫn tới bệnh cao huyết áp.

Tổn thương não: Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh lupus ban đỏ là tổn thương não. Tình trạng viêm trong não có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ảo giác, co giật hay thậm chí là đột quỵ. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân lupus ban đỏ còn gặp phải vấn đề về trí nhớ và khó kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình.

Gây nguy hiểm cho thai kỳ: Bệnh lupus ban đỏ không gây ra bất cứ trở ngại nào trong việc thụ thai, nhưng nó lại khiến thai kỳ có thể gặp phải một số nguy hiểm. Khi mắc lupus ban đỏ, bà bầu rất dễ sinh non do cao huyết áp và tăng nguy cơ bị sảy thai. Do đó các chuyên gia khuyên phụ nữ nên trì hoãn việc mang thai cho đến khi khỏi bệnh hoặc thực sự kiểm soát được căn bệnh này.

Thiếu máu: Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ có thể gặp phải những rối loạn trong việc lưu chuyển máu, gây ra các vấn đề về máu như thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu hay rối loạn đông máu. Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể gây ra viêm tại các mạch máu.

Ung thư: Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ có nguy cơ biến chứng dẫn tới ung thư hạch, ung thư phổi, ung thư gan hay bệnh bạch cầu. Mặc dù nguy cơ này không quá cao, nhưng nó vẫn có thể xảy ra nếu tình trạng viêm tại các cơ quan này tăng lên.

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn chưa được xác định.

Cơ chế của bệnh là một quá trình phức tạp gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có một số yếu tố đặc biệt quan trọng như:

- Di truyền: Anh chị em ruột của các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường.

- Môi trường: Do nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hoá chất, ánh nắng mặt trời…

- Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới). Sau khi mãn kinh, cả tỷ lệ mắc và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh lupus ban đỏ

Phát ban trên mặt: Dấu hiệu đặc trưng rõ ràng nhất của bệnh lupus ban đỏ là tình trạng phát ban giống hình con bướm ở khu vực mũi và gò má. Có khoảng 30% bệnh lupus ban đỏ xuất hiện triệu chứng này khi phát bệnh.

Phát ban trên mặt hình bướm là dấu hiệu đặc trưng của bệnh lupus

Sốt kéo dài: Bệnh nhân lupus ban đỏ cũng có biểu hiện sốt khi cơ thể bị viêm. Ngoài ra sốt cũng có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác. Vì thế, nếu có tình trạng sốt kéo dài hoặc tái phát liên tục thì bạn nên đi khám để sớm tìm ra nguyên nhân.

Da phát ban sau khi đi ngoài trời: Làn da của bệnh nhân lupus ban đỏ rất nhạy cảm với tia UV. Vì thế khi phải ra ngoài trời, họ rất dễ bị phát ban hoặc xuất hiện vết lở loét ở những vùng da ít được che chắn như mặt, cổ, cánh tay.

Đau khớp: Bệnh nhân lupus ban đỏ cũng thường có triệu chứng đau khớp, cứng khớp đặc biệt là ở các vị trí như bàn tay, cổ tay, mắt cá chân... Vì thế bệnh cũng hay bị nhầm với viêm khớp.

Sưng: Sưng hạch bạch huyết hoặc vùng da quanh mắt có thể là dấu hiệu của lupus. Một số bệnh nhân còn bị sưng bắp chân.

Rụng tóc: Lupus gây rụng tóc, để lại những mảnh hói nhỏ trên đầu và đôi khi đi kèm phát ban.

Ngón tay, ngón chân tê và đổi màu: Có khoảng hơn 30% bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ gặp phải hội chứng Raynaud khiến cho các mạch máu cung cấp máu đến da thu nhỏ lại, khiến ngón tay, ngón chân bị tê và chuyển màu trắng hay tím.

Kiệt sức: Bệnh nhân lupus cũng thường phàn nàn về tình trạng kiệt sức. Họ sẽ có cảm giác mệt mỏi, uể oải hơn sau khi vận động hoặc chơi thể thao. Đôi khi sự mệt mỏi có thể lên tới mức họ không thể hoạt động được.

Đau ngực: Khi bệnh lupus xuất hiện biến chứng ảnh hưởng tới phổi, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau ngực, ho nhiều hoặc thở sâu. Ngoài ra, những biểu hiện này cũng có thể do bệnh lupus đang gây viêm màng tim, khiến bạn đau ngực nhiều hơn.

Chấm đỏ trên da: Lupus có thể tấn công tiểu cầu, loại tế bào giúp con người cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại. Khi lượng tiểu cầu xuống thấp, da sẽ nổi nhiều chấm đỏ do mạch máu bị rò rỉ. Một số trường hợp còn chảy máu mũi hoặc nướu (khi đánh răng).

Đau đầu: Có khoảng một nửa bệnh nhân lupus ban đỏ bị ản hưởng trí nhớ, giảm khả năng tập trung và nhận thức do bệnh tác động đến não bộ và hệ thần kinh. Kèm với đó là chứng đau nửa đầu tăng lên, bệnh nhân có thể cảm giác tế, ngứa ran ở các dây thần kinh vận động, cảm giác.

Điều trị bệnh lupus ban đỏ

Căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống rất khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu được điều trị sớm và đúng cách, bệnh vẫn có thể được kiểm soát tốt.

Mục đích chính của việc điều trị là nhằm giảm thiểu các triệu chứng và hạn chế tối đa các tổn thương mà bệnh có thể gây ra cho các cơ quan nội tạng khác.

Tùy theo mức độ của bệnh và tác động của chúng tới các hệ cơ quan mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp.

Với bệnh nhân có triệu chứng ở cơ và khớp, cần sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid (NSAIDs) như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Nimesulide.

Tuy nhiên các thuốc này có thể gây tác dụng phụ khiến bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng. Do đó thuốc nên uống trong bữa ăn để giảm tác dụng phụ.

Một số loại thuốc chống viêm khác có tác dụng mạnh hơn nhóm NSAIDs như corticosteroid như prednisolone, methylprednisolone (Solu-medrol, Medrol), prednisone (Cortancyl), betamethasone (Celeston).

Tuy nhiên, tác dụng phụ của các loại thuốc này cũng nhiều hơn, vì thế thường chỉ sử dụng khi bệnh nhân có tổn thương tạng nặng.

Nhóm thuốc chống viêm liều cao này có thể gây những tác dụng phụ như viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đường máu, loãng xương, rạn da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận. Thuốc được khuyến cáo nên uống 1 lần sau bữa ăn sáng.

Trong trường hợp bệnh nặng và không đáp ứng với corticosteroid đơn thuần, có thể sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như azathioprin (Imuran), cyclophosphamide (Endoxan), cyclosporin (Sandimmun).

Tuy nhiên, thuốc này cũng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên cần thận trọng khi sử dụng.

Bên cạnh đó các thuốc chống sốt rét như Hydroxychloroquine, Chloroquine có hiệu quả khá tốt với các tổn thương ở da và khớp.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/lupus-ban-do-can-benh-nguy-hiem-chet-nguoi-nhung-it-duoc-biet-den-25840/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY