Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Mách bạn xử lý NHỌT MƯNG MỦ đúng cách, tránh nhiễm trùng huyết

Mụn nhọt thường lành tính nhưng không thể tùy tiện xử lý như việc nặn nhọt. Nhiều người không cẩn thận, nhầm lẫn giữa mụn trứng cá và nhọt, hệ quả tự nặn nhọt dễ dẫn tới nhiễm trùng và lây lan.

Tại sao chúng ta bị mụn nhọt?

Theo y học, mụn nhọt xuất hiện do loại vi khuẩn Staphylococcus xâm nhập qua một chỗ trầy trên da, tấn công vào một chân lông, chân tóc, hoặc một tuyến dầu dưới da.

Để ứng phó với sự tấn công này, hệ miễn dịch của cơ thể đưa các bạch cầu đến chỗ bị tổn thương nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Trận chiến giữa bạch cầu với vi khuẩn tạo nên sự sưng phồng trên vùng da chỗ đó. Đây là triệu chứng mở đầu của mụn nhọt. Vùng da tổn thương bị cứng, sưng đỏ lên, gây cảm giác nhức nhối. Đôi lúc, vết sưng đỏ này chỉ hiện lên một chút rồi xẹp xuống. Trong một số trường hợp khác, vết đỏ không xẹp mà từ từ hình thành một đầu trắng. Đầu trắng này kéo dài trong nhiều ngày, có thể gây những biến chứng như nóng sốt... Sau đó, nó sẽ vỡ, tống cùi nhọt bên trong ra, rồi dần dần lành lại.

Mụn nhọt không chỉ gây đau nhức mà còn có thể để lại sẹo hoặc đưa đến những biến chứng nguy hiểm. Dù sao, trong hầu hết những trường hợp bị mụn nhọt, với một chút kiến thức căn bản về y học, bạn vẫn có thể tự chữa lành trong thời gian ngắn nhất mà không cần tốn tiền bác sĩ.

Phân biệt giữa nhọt và mụn

Mụn và nhọt là hai bệnh lý khác nhau nhưng nhiều người vẫn không phân biệt được.

Nhọt là những khối viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có khối trắng ở giữa (mủ). Nhọt có thể gặp ở bất cứ người nào, song vẫn hay gặp nhất ở trẻ em, người già, người có cơ địa nhạy cảm và một số bệnh nhân tiểu đường.

Mụn thường là mụn trứng cá với kích thước nhỏ, thường mọc ở mặt, lưng và ngực ở độ tuổi dậy thì hoặc do thay đổi nội tiết tố.

Nguyên nhân dẫn đến nhọt

Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra nhọt.

Biểu hiện khi bị mọc nhọt

Nhọt lúc đầu cứng, dần dần mềm do hình thành mủ vài ngày sau đó, ở giữa sâu bên dưới sẽ có ngòi - đó là sợi chân lông.

Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt.

Kích thước của nhọt thường bằng hạt ngô, hạt đỗ, quả mận, và có khi còn bằng quả trứng gà, trong có nhiều mủ. Vị trí nhọt ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông.

Một số vùng đặc biệt khi bị nhọt rất nguy hiểm như vùng mặt quanh mũi miệng thường gọi là đinh râu. Đó là nhiễm tụ cầu ác tính vùng mặt, có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Khi nặn nhọt không thận rất dễ dẫn tới nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng với các biểu hiện thường thấy như mất ý thức, hôn mê, sốt cao, nói sảng…

Cách xử lý an toàn khi bị nhọt

Theo bác sĩ Rodney, chúng ta chỉ nên nặn mụn nhọt khi nó không có dấu hiệu sưng phồng lớn, mụn đã có đầu trắng cưng cứng với cùi nhọt bên trong.

Khi nặn, hãy dùng một cây kim hơ lửa hoặc nhúng cồn sát trùng, chích vào đầu trắng cho mủ chảy ra và nặn hết cùi trắng. Khi nặn cùi, nên nhẹ tay, nếu mạnh quá có thể làm vỡ các hạch dưới da, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Không được trực tiếp sờ, xoa, nhất là tự ý nặn nhọt do tay có thể bẩn và làm nhiễm trùng vết nhọt. Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào nhọt, nhất là khi nhọt bị vỡ ra.

Bệnh nhân chỉ được bôi thuốc sát trùng như Betadine, cồn lode 3%, hoặc nước muối rồi băng lại bằng một miếng gạc vô trùng bên ngoài kèm theo uống thuốc kháng sinh đủ liều, đúng liều, uống sớm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Khi nhọt có mủ và chuẩn bị vỡ, cách tốt nhất nên đến các cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế sát trùng các dụng cụ chích nhọt, sau đó điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhọt mới có thể khỏi.

Một số trường hợp bệnh nhân bị nhọt mạn tính, có thể liên quan đến các bệnh như ghẻ, chấy rận hay bệnh eczema nên cần đi khám bác sĩ. Những người bệnh tiểu đường cũng dễ bị nhọt do đường huyết cao.

Cần làm gì để phòng tránh mọc nhọt?

Bạn đã biết mụn nhọt tạo nên do sự xâm nhập của vi khuẩn qua các vết trầy trên da. Để tránh sự xâm nhập này, hãy cẩn thận với các vết trầy trên da. Nên sát trùng và dán băng keo trên vết trầy (đừng làm da bị trầy khi nặn mụn) và những vết đỏ, vết phồng trên da.

Tránh xa đồ ăn dầu mỡ, chất đường ngọt bởi nhọt hay gặp ở những người có đường huyết cao. Nên kiêng bia rượu và các chất kích thích khác.

Tránh mặc quần áo chật, cọ xát vào da khiến da bí bức, sinh nhiệt, rát đỏ dễ gây nhọt.

Giữ vệ sinh thân thể như giặt quần áo, thường xuyên tắm rửa, tẩy da chết.

Tắm gội thường xuyên bằng xà phòng sát trùng (thường có các chữ như antiseptic, antibacteria, hoặc kill germ... trên nhãn hiệu).

Thu Hương

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/mach-ban-xu-ly-nhot-mung-mu-dung-cach-tranh-nhiem-trung-huyet-26726/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY