Nhân tướng học hôm nay

Nhân tướng học

May mắn hiểu được nghiệp

Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Gặp được Phật pháp là một phước duyên của đời người. Vì nhờ gặp được Phật pháp mà ta có cơ hội học được những điều hay lẽ phải giúp ta sống tốt hơn. Một trong những điều hay lẽ phải đó là giáo lý về Nghiệp. Có thể nói, nhờ hiểu được giáo lý về Nghiệp mà ta sống có ý thức hơn và cuộc đời ta nhờ đó mà cũng có ý nghĩa hơn, giá trị hơn.

Nhờ hiểu được nghiệp mà tôi biết rằng cuộc sống của mình không chỉ có đời này mà còn có đời trước và đời sau. Tôi không oán trách với những bất hạnh mà mình đang chịu đựng cũng như không ganh tỵ với thành công của người khác; vì tôi biết rằng đó đều là kết quả của những gì đã gieo từ trước. Việc mà tôi cần làm bây giờ là làm tốt công việc ở hiện tại một cách tích cực nhất và không quên hướng đến điều tốt đẹp ở tương lai. Vì biết rằng mình còn kiếp sau cho nên mình không thể hành xử chỉ để đạt mục tiêu hiện tại. Tôi có thể bằng cách này hay cách khác lường gạt người để thu lợi cho mình, hoặc ăn miếng trả miếng để không bị coi là yếu hèn hay ngu dại. Nhưng tôi không làm như vậy, vì tôi biết rằng đó chỉ là kết quả trước mắt. Thỏa mãn với lợi ích trước mắt hay cảm giác nhất thời có khi lại là nguyên nhân của đau khổ sau này. Vì suy nghĩ như thế nên tôi đã bình thản đi qua những khó khăn trong cuộc đời với đôi mắt luôn hướng về tương lai tươi sáng.

Tôi cũng hiểu rằng trong các loài chúng sinh thì chỉ có loài người là có khả năng nhận thức và chuyển hóa nghiệp hiệu quả nhất. Chúng sinh ở địa ngục, ngạ quỷ và bàng sinh thì không biết đến Phật pháp và giáo lý Nghiệp. Mà nếu có biết thì họ cũng không thể tu tập được do khổ triền miên hoặc quá ngu si ám muội. A-tu-la thì tối ngày đánh nhau nên cũng không thể tu. Còn chư thiên thì có thể biết đến Phật pháp và có thể tu nhưng thường thì họ ít chuyên tâm vào việc tu mà chỉ thích hưởng thụ dục lạc thù thắng ở của cõi trời. Những chúng sinh trong các cõi đó, hoặc quá đau khổ, hoặc quá sung sướng, hoặc không biết đến Phật pháp cho nên họ không thể tu hành và do đó không thể chuyển nghiệp. Họ chỉ có thể hưởng phước hoặc trả quả cho đến khi nào hết nghiệp thì thôi, chứ không hoặc ít khi nào khởi lên ý nghĩ muốn thay đổi tình trạng hiện tại của họ. Đó là chưa kể trong khi trả quả, như loài bàng sinh chẳng hạn, chúng có thể tạo thêm nghiệp bất thiện mới, như ăn nuốt lẫn nhau (nghiệp sát sinh) và do đó lại tiếp tục nhận thọ quả báo bàng sinh. Cứ như thế chúng làm bàng sinh kiếp này qua kiếp khác, có khi đến hàng trăm hàng ngàn kiếp không hề thay đổi.

Ngay cả loài người, nếu không biết đến Phật pháp thì người đó cũng không thể tu hành và chuyển nghiệp. Họ sống và hoạt động theo những điều kiện, hoàn cảnh hay môi trường bao quanh họ, dù phạm vi nhỏ như trong xóm làng hay rộng lớn như quốc gia, thế giới. Hãy nhìn cuộc sống của một người bình thường chưa biết đến Phật pháp, tầm nhìn của họ chỉ giới hạn trong một đời này, cho nên cuộc sống hay việc làm của họ cũng chỉ là sự tương tác trong các mối quan hệ hiện tại.

Nói cách khác, mục đích của họ là làm sao để thành đạt trong cuộc đời này mà thôi. Còn cuộc sống sau khi ch*t như thế nào họ không nghĩ tới. Có thể họ cho rằng họ thực tế, nhưng những bậc giác ngộ nhìn thấy con đường đi của họ mà thương xót. Còn đối với tôi, khi đã hiểu được nghiệp rồi thì mục tiêu không chỉ là những thành đạt trong hiện tại, mà còn phải đảm bảo cho sự an toàn trong tương lai, ở kiếp sau. Cũng như cố gắng tu tập để chuyển nghiệp càng nhiều càng tốt.

Tôi cảm thấy rằng mình thật may phước được làm người, càng may phước hơn được gặp Phật pháp, được học về Nghiệp. Hiểu biết về Nghiệp là hiểu biết về con đường đi của mình trong hiện tại và tương lai. Trong các loài hữu tình thì loài người được coi là thù thắng hơn cả. Con người có đủ phẩm chất và điều kiện để tu tập, để chuyển nghiệp mà các chúng sinh khác không có được. Nên nhớ rằng, thân người khó được, Phật pháp khó nghe, một khi đã mất thân người, vạn kiếp khó có thể khôi phục. Cho nên hãy tinh tấn tu tập chuyển nghiệp, đừng uống phí một kiếp người.

Hữu Huệ theo Báo giác ngộ

Nghiệp (Phật giáo)

Pháp luân nghĩa là bánh xe pháp.

Nhân Quả (Nghiệp (Phật giáo) (zh. 業, sa. karma, pi. kamma, ja. ), là thuật ngữ được dịch từ chữ karma tiếng Phạn. Karmađược dịch ý là Nghiệp và cũng được phiên âm là Yết-ma, và đặc biệt có sự phân biệt giữa cách dùng (xem Yết-ma 羯磨). Nghiệp là nguyên nhân đưa tới Quả báo, cả hai tạo thành Luật Nhân-Quả tuần hoàn không dứt suốt cõi Luân hồi.

Nghiệp mang những ý sau:

  1. Hành vi, hành động, hoạt động, cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân;
  2. Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng - nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác;
  3. Hành vi xấu ác, tai hại, mê muội;
  4. Hạnh thanh tịnh (sa. anubhāva);
  5. Nỗ lực, tinh tiến, phấn đấu (sa. vyāyama).

Khái niệm nghiệp rất quan trọng trong đạo Phật, dùng chỉ quy luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả. Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp) - dưới một điều kiện nhất định - sẽ tạo thành một quả (sa. phala). Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại chúng sinh tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp phải là tốt (thiện, sa. kuśala) hay xấu (bất thiện, sa. akuśala) và là một hành động cố ý. Vì sự cố ý đó, một nghiệp để lại một dấu vết nơi tâm thức của chúng sinh tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo những sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm loài hữu tình, trong đó có con người, cứ lưu mãi trong Luân hồi (sa. saṃsāra).

Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi chúng sinh có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, chúng sinh phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệpnghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh).

Nghiệp tạo ra quả báo trong tương lai. Quả báo khi đủ nhân duyên sẽ làm chúng sinh tái sinh vào một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, một điều kiện sống cụ thể, nhưng hành động của chúng sinh trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do và dựa theo nhận thức của chúng sinh đó. Hành động do chúng sinh lựa chọn thực hiện sẽ tạo ra nghiệp mới và quả báo mới. Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được."

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/news/may-man-hieu-duoc-nghiep)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY