Hầu như thuốc bổ, thuốc tăng cường trí nhớ được tiêu thụ nhiều nhất vào mùa thi. Việc các bà mẹ tùy tiện cho con dùng thuốc bổ thần kinh vô tội vạ, không theo đơn bác sĩ dễ có tác dụng ngược, tổn thương đến não bộ không ngờ.
Nguy cơ rối loạn thần kinh
Việc tùy tiện cho con dùng thuốc bổ thần kinh vô tội vạ, không theo đơn bác sĩ dễ có tác dụng phụ như: nhanh quên, buồn ngủ, lâu dài có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể suy kiệt... Dùng lâu dài có thể gây hội chứng tâm thần rối loạn tập trung đặc biệt là khi mua phải những loại thuốc kích thích thần kinh đang bị cấm.
Theo BS. Đan Nhi, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Trực tuyến (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ chủ yếu điều trị cho người già, sa sút trí tuệ hoặc các di chứng bệnh... được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nếu tự uống và lạm dụng thuốc lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe, dễ thành thói quen ỷ lại vào thuốc, sinh hoang tưởng.
Mùa thi các mẹ thường hay mua thuốc bổ não cho con nhiều hơn. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, TS. Ngô Thanh Hồi, Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, thời điểm ôn thi năm nào cũng tiếp nhận nhiều học sinh bị rối loạn thần kinh do uống thuốc bổ não, bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ không có đơn của bác sĩ.
Có thể teo não nếu dùng quá lâu
Bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, hàng ngày ông gặp rất nhiều ý kiến hỏi về việc có nên dùng thuốc bổ cho con để tăng cường trí nhớ vào mùa thi hay không. Bác sĩ Nghĩa khẳng định chưa có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng trí nhớ hay tăng khả năng học tập mà các loại thuốc này chủ yếu dành cho người già, người bị đột quỵ, chấn thương sọ não, Alzheimer... Do vậy, các gia đình cũng cần tỉnh táo cân nhắc trước những quảng cáo thổi phồng của sản phẩm có chức năng bổ não, tăng cường trí nhớ.
Dùng nhiều thuốc bổ não sẽ làm tổn hại hệ thần kinh, thậm chí là teo não. |
Ông nhấn mạnh: "Đã là thuốc sẽ có nhiều tác dụng không mong muốn tùy từng loại. Với những loại thuốc thần kinh, nhất là các loại quảng cáo thuốc bổ não, an thần hay tăng cường tuần hoàn não, lúc đầu thuốc sẽ người dùng có đầu óc tỉnh táo, tập trung cao độ trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nguyên tắc của các loại thuốc kích thần là sau giai đoạn kích thích sẽ là sự ức chế, mệt mỏi. Đôi khi có thể gây nghiện không có nó sẽ thiếu. Do vậy, nếu lạm dụng quá sẽ dẫn đến ảnh hưởng về tâm thần, gây chán ăn, mệt mỏi. Nếu sử dụng lâu dài không theo tư vấn của bác sĩ có thể gây teo não. Chính vì thế, tuyệt đối không tự mua về dùng, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ".
Tê liệt các chi
Các chuyên gia cũng lưu ý, bản thân vitamin, acid folic mà bố mẹ hay mua cho con để bồi bổ trước các kỳ thi cũng không phải là hoàn toàn vô hại. Đơn cử, loại hoạt chất glutaminol B6 rất quan trọng trong việc hình thành tế bào mới. Sự thiếu hụt hoạt chất này sẽ gây ra bệnh thiếu máu và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương tế bào thần kinh. Nhưng chất này hiện chỉ mới được ghi nhận có tác dụng điều trị suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi.
Các mẹ không nên cho con uống thuốc bổ não mà thay vào đó là nên bổ sung các chất dinh dưỡng bằng thực phẩm hàng ngày cho con. (Ảnh minh họa) |
Do đó, các chuyên gia lưu ý, khi dùng axit folic để cải thiện năng lực trí tuệ, phụ huynh cần phải cân nhắc đến nguy cơ có thể có từ chất này, bởi vì sự tăng cao của axit folic trong cơ thể đôi khi gây ra sự thiếu hụt vitamin B12 lại có tác dụng ngược lên não bộ, gây nguy cơ tổn hại thần kinh, dẫn đến tê bàn chân, bàn tay gây mất cảm giác hoặc thậm chí bị co giật.
Ngân Trần (T/H)
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: