Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Mẹo đối phó với chuột rút (vọp bẻ)

Không trừ đối tượng nào, chuột rút gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt và thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Dấu hiệu bạn bị chuột rút

Những cơn đau bất thường ở bắp chân, cánh tay, cơ bụng và lưng khiến bạn tê liệt mọi hoạt động, mồ hôi toát ra. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu nó đến vào lúc bạn đang leo trèo, bơi lội, tắm song, tắm biển và đặc biệt là người bị bệnh tim.

Khoa học lý giải rất nhiều nguyên nhân gây nên chứng chuột rút. Trong đó, điển hình nhất là hiện tượng mất nước, mất chất điện giải khi vận động quá sức. Khi đó, hàm lượng muối trong cơ thể quá thấp vì muối bị thải ra ngoài qua mồ hôi.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, chuột rút còn do thiếu hụt canxi, kali, natri, magiê máu trong một khoảng thời gian ngắn mà cơ thể chưa điều chỉnh kịp. Hiện tượng này cũng thường xuất hiện khi cơ thể đột ngột bị lạnh kết hợp với vận động mạnh; khi đứng lên ngồi xuống đột ngột hoặc mang vác vật nặng sai tư thế.

Thêm vào đó, một số “thủ phạm” cũng được liệt kê như: Khi mang thai, người bị tiểu đường, đau dạ dày; rối loạn chức năng thần kinh thực vật; bệnh lý thuộc tĩnh mạch (điển hình là giãn tĩnh mạch chân) hay do tác dụng phụ của một số thuốc (như: thuốc albuterol, niacin, thuốc lợi tiểu, thuốc trị chứng tâm thần…).

Tại sao bà bầu hay bị chuột rút?

Không ai có thể giải thích rõ lý do vì sao bà bầu bị chuột rút ở chân nhiều hơn. Có thể do đôi chân mệt mỏi khi phải mang theo một trọng lượng lớn trên cơ thể. Hoặc cũng có thể do áp lực của tử cung mở rộng, chèn lên các mạch máu dẫn xuống chân bạn, chặn các dây thần kinh dẫn từ thân đến chân…

Bà bầu bị chuột rút nhiều hơn ở tháng thứ 6 và xuất hiện ngày càng nhiều khi thai nhi lớn dần lên. Thỉnh thoảng hiện tượng này xảy ra vào ban ngày, nhưng hầu hết các bà bầu thấy nó xuất hiện vào ban đêm khiến họ giật mình tỉnh giấc.

Cách khắc phục:

Cách 1: Nhanh chóng ngồi bệt, từ từ duỗi thẳng bắp chân. Hai tay chống ở phía sau làm điểm tựa và nhờ chồng nhẹ nhàng bẻ cong các ngón chân, hướng theo chiều đầu gối, kết hợp với việc xoa bóp cơ chân trong ít phút.

Cách 2: Giảm cơn đau bằng cách massage chân với một chai nhựa đựng đầy nước ấm hoặc nước mát (dùng chai nhựa lăn qua lăn lại ở vùng chân bị đau). Tiếp đến, đứng lên đi dạo trong ít phút.

Lưu ý: Nếu đã thực hiện các cách trên mà bạn vẫn thấy đau hoặc cơn đau kéo dài hơn, xuất hiện các vết sưng hoặc đau ở chân thì rất có thể đó là dấu hiệu của chứng tụ máu. Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.

Loại bỏ chuột rút

Giải pháp tình thế

Khi bị chuột rút, nhất thiết bạn phải tỉnh táo, cố gắng chịu đau và làm các thao tác sau:

+ Nếu đang bơi, hãy lật nằm ngửa, đẩy thẳng hai chân dang mạnh ra, uốn 10 ngón chân ngược lên phía mặt, đập mạnh 2 gót xuống nước.

+ Nếu đang ngồi nên đứng bật dậy, chân trái xoải thẳng ra phía sau, lật ngược 5 ngón chân ép chặt đất. Chân phải co gối, úp mạnh lòng bàn chân lên mặt đất, sau 2 phút đổi động tác 2 chân.

+ Khi hết đau, xoa bóp nhẹ nhàng lên chỗ bị đau, chườm nóng để tăng tuần hoàn máu khiến cơ đàn hồi hơn.

Lưu ý: Không vận động trong một vài giờ sau khi khi bị chuột rút, vì nếu tiếp tục bị chuột rút một vài lần nữa sẽ có thể bị kiệt sức do nhiệt, hay bị đột quỵ.

Đề phòng

- Uống nhiều nước: Hầu hết các trường hợp vọp bẻ là do thiếu nước, chất điện giải khi đang lao động, vận động quá sức vì vậy các đối tượng lao động nặng nhọc, vận động viên cần uống đủ nước, ăn đủ lượng muối cần thiết. Ngoài ra nếu có điều kiện nên mang theo nước uống khi đang lao động, tập luyện.

- Mang giầy, dép thoải mái: Các vấn đề về chân và các bộ phận khác của cơ thể làm cho 1 số người dễ bị chuột rút ở bắp chân. Giầy dép phù hợp là một trong những phương pháp phòng ngừa hữu hiệu.

- Duỗi thẳng chân: Trước khi ngủ thì duỗi thẳng chân có tác dụng ngăn ngừa chuột rút. Hoặc có thể đặt phần trước chân lên trên bậc cầu thang, sau đó ấn gót chân xuống làm cho vị trí gót chân thấp hơn bậc thang.

- Chế độ ăn: Cần bổ sung thực phẩm chứa nhiều canxi (như: tôm, các loại sữa, rau xanh, rong biển, tương vừng, canh xương) và kali (như chuối, cam…).

- Tránh để lạnh chân hoặc vận động mạnh lâu hay đột ngột. Thường xuyên vận động và đón nhiều ánh nắng mặt trời đều tốt cho sự sinh trưởng và chắc khoẻ của xương khớp.

Bạn nên biết

- Nếu bạn bị chuột rút liên tục hãy đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân, trên cơ sở đó sẽ có chỉ định điều trị một cách thích hợp (ví dụ thiếu nước và chất điện giải thì bù nước, bù chất điện giải bằng cách uống hoặc truyền dịch).

- Để phòng chuột rút, bạn nên ăn mỗi ngày 1-2 quả lựu, anh đào hoặc lê. Nếu có thể, ép lấy nước trộn với ca cao hoặc sôcôla làm thức uống.

- Những người có bệnh tim hoặc ăn ít muối cần được các bác sĩ chăm sóc khi bị chuột rút.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/meo-doi-pho-voi-chuot-rut-vop-be-15624/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY