Kinh tế xã hội hôm nay

Miền Trung đối mặt với cơn bão mạnh nhất năm

Bão số 9 - Molave mang đặc điểm của một cơn bão nguy hiểm với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.

Chiều 26/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức cuộc họp thông tin về diễn biến của bão số 9 - Molave.

Lúc 13h, bão mạnh cấp 12, giật cấp 15 và đang tiếp tục mạnh lên trước khi di chuyển vào vùng biển các tỉnh từ quảng nam đến phú yên trong 24 giờ tới.

Nguy cơ cao ngập lụt diện rộng

Ông trần quang năng (trưởng phòng dự báo thời tiết, trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) nhận định molave mang đặc điểm của một cơn bão nguy hiểm với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.

"chúng ta đang đối mặt với cơn bão mạnh nhất từ đầu năm và có thể là mạnh nhất trong mùa bão năm nay", ông năng nói.

Ông năng nêu 3 đặc điểm từ cơn bão số 9 và nhấn mạnh cần phải đặc biệt lưu ý: thứ nhất, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển rất nhanh. thứ hai, cơn bão này có cường độ rất mạnh. thứ ba, phạm vi ảnh hưởng diện rộng trên biển đông, hầu khắp biển đông chịu tác động vừa trực tiếp từ cơn bão, vừa kết hợp với không khí lạnh, gây gió mạnh.

Theo ông Năng, bão số 9 di chuyển nhanh, khả năng ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi, vùng biển ven bờ từ rất sớm.

"Từ chiều 27/10 cảnh báo gió mạnh ở vùng biển ngoài khơi. Bắt đầu từ đêm 27/10, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ", ông Năng thông tin.

Bão có khả năng di chuyển vào đất liền các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ trong ngày 28/10 với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13. Ông Năng cho biết các kịch bản dự báo đang nghiêng về khả năng bão gây gió mạnh nhất trong đất liền các tỉnh Đà Nẵng đến Phú Yên từ sáng sớm đến đầu giờ chiều ngày 28/10.

Miền Trung đối mặt với cơn bão mạnh nhất năm - Ảnh 1.

Dự báo đường đi của bão số 9 trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS.

Chuyên gia chia khả năng ảnh hưởng bão đối với đất liền thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, bão đổ bộ trực tiếp gây mưa lớn diện rộng cho khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Mưa bắt đầu từ đêm 27/10 và kéo dài đến đêm 28/10, lượng phổ biến 200-400 mm.

Giai đoạn 2, hoàn lưu bão suy yếu trên đất liền kết hợp với không khí lạnh tăng cường ngày 28/10 khiến trọng tâm mưa dịch chuyển lên phía bắc. Mưa lớn tiếp diễn tại các tỉnh từ phía nam Nghệ An, trải dọc xuống Quảng Bình đến hết ngày 31/10. Tổng lượng mưa trong 4 ngày tại các tỉnh này lên đến 500-700 mm.

Do mưa lớn, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2 và báo động 3. Chuyên gia lo ngại nguy cơ ngập lụt diện rộng quay trở lại các tỉnh Trung Bộ.

Ngoài ra, vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét; cảnh báo các sự cố có thể xảy ra trên các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này.

Nước biển dâng 1-1,5 m

Nhận định thêm về hệ quả do bão số 9 gây ra, ông Nguyễn Bá Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão gây ra gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng.

Với cường độ rất mạnh nhất cấp 12-13, bão số 9 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10 m trên Biển Đông.

Khi bão đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng ít suy giảm bởi đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn và dốc. Những yếu tố này làm giảm cường độ ma sát, do đó sóng biển ít có khả năng giảm độ cao.

Thời điểm bão áp sát đất liền khoảng trưa 28/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có thể xuất hiện sóng cao 4-7 m. Vùng gần tâm bão từ Đà Nẵng tới Bình Định (bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm) sóng cao 6-8 m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11-12.

"Chúng tôi dự báo nhiều khả năng bão gây ra tình trạng nước biển dâng cao 0,5-1 m tại vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Kịch bản cực đoan hơn, nước biển có thể dâng tới 1,5 m", ông Thủy nói.

Với các kịch bản này, chuyên gia đánh giá khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có nguy cơ ngập úng cao.

Bão khó suy yếu nhanh

Trả lời câu hỏi của Zing về khả năng không khí lạnh tràn xuống trùng thời điểm bão áp sát đất liền có thể khiến bão suy yếu nhanh trước khi đổ bộ, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết khả năng này khó xảy ra.

Theo dự báo, không khí lạnh tăng cường trong ngày 27-28/10 nhưng chưa thể tiếp cận được khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong khi ở thời điểm này, bão số 9 đã tiệm cận đất liền.

Miền Trung đối mặt với cơn bão mạnh nhất năm - Ảnh 2.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Dương.

Do đó, chuyên gia nhận định bão Molave không có khả năng bị không khí lạnh gây suy yếu như bão số 8 và mạnh cấp 11, giật cấp 13 khi đổ bộ.

Nhận định thêm về mức độ ảnh hưởng, ông lâm cho biết cơn bão di chuyển nhanh nên may mắn là mưa do bão kết thúc nhanh ở khu vực nó trực tiếp đổ bộ.

Thời điểm có gió mạnh nhất trên đất liền có thể vào trưa và chiều ngày 28/10, sau đó giảm nhanh.

"đa phần các cơn bão vào việt nam đều tồn tại một khối mây phía trước gây nguy cơ gió giật. bão số 9 cũng không ngoại lệ. dù được dự báo ngày 28/10 mới đổ bộ đất liền, bão có thể gây gió giật và mưa lớn từ chiều 27/10", ông lâm nói.

Do đó, mọi công tác ứng phó với bão của các địa phương cần hoàn thành trong ngày 27/10. Nếu trong ngày bão đổ bộ, các địa phương mới thực hiện việc di dân, chằng chống nhà cửa thì sẽ muộn.

Ông Lâm lưu ý nguy cơ nước biển dâng cao có thể gây nguy hiểm cho các khu nuôi trồng hải sản ven bờ, người dân cần chủ động trong việc thu hoạch và bảo vệ lồng bè, thủy hải sản.

Theo Zing

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mien-trung-doi-mat-voi-con-bao-manh-nhat-nam-20201026201224505.htm)
Từ khóa: cơn bão

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY