Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Mùi hơi thở sẽ giúp bạn chẩn đoán nhanh tình trạng sức khoẻ của mình

Tình trạng hơi thở có mùi xảy ra, phần lớn là do chúng ta vệ sinh răng miệng không kĩ, khiến thức ăn còn bám trong kẽ răng bị phân hủy tạo ra mùi. Tuy nhiên, không phải lúc nào tình trạng này xảy ra cũng bắt nguồn từ nguyên nhân đó.

Nếu hơi thở của bạn có một số mùi đặc trưng như dưới đây, rất có thể sức khoẻ của bạn đang gặp bất ổn vì một số nguyên nhân khác. Thậm chí, nó còn là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm đang âm thầm diễn ra. Do đó, hãy lưu ý đến mùi hơi thở để chẩn đoán nhanh tình trạng sức khoẻ của mình.

1. Hơi thở có mùi trái cây hoặc axeton

Nếu bạn cảm giác hơi thở của mình có mùi giống trái cây hoặc axeton (một chất tẩy rửa sơn móng tay) thì hãy kiểm tra ngay tình trạng đường huyết của mình, vì rất có thể bạn đang bị tiểu đường. Nguyên nhân là vì cơ thể bạn không sản xuất được đủ lượng insulin cần thiết, dẫn đến việc cơ thể sẽ phải đốt cháy chất béo gây ra tình trạng nhiễm axit ceton. Tình trạng này có thể dẫn đến sự gia tăng chất ceton trong máu mà cơ thể không kịp đào thải gây ra sự tích tụ và tạo ra mùi này.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng tiểu đường của bạn không được kiểm soát chặt chẽ cũng có thể gây ra các bệnh về nướu và bị khô miệng. Khi lượng đường trong máu không ổn định, cơ thể không đủ sức chống lại các vi khuẩn gây hại cho nướu dẫn đến viêm nhiễm tại nướu, tạo ra mùi trái cây đang bị thối rữa (Ảnh: Internet)

2. Hơi thở có mùi tanh

Nếu hơi thở của bạn có mùi tanh của amoniac giống như vừa ăn hải sản xong, và tình trạng này kéo dài liên tục dù bạn đã vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng thì hãy cẩn thận, nguy cơ bạn đang mắc bệnh suy thận rất cao.

Suy thận có thể làm hư thận và khiến cho chức năng loại bỏ các hóa chất độc hại trong máu bằng cách tạo ra nước tiểu của thận bị suy giảm nghiêm trọng.

Điều này sẽ làm các độc tố nguy hiểm và các chất thải không được thải ra cũng như tích tụ trong cơ thể, gây ảnh hưởng gần như tất cả các bộ phận của cơ thể. Hơi thở có mùi tanh có thể xuất hiện khi bệnh suy thận làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp và gây ra các vấn đề khó thở (tình trạng mùi càng nồng nặc chứng tỏ suy thận đã đến giai đoạn cuối).

3. Hơi thở có mùi chua

Nếu hơi thở của bạn có mùi chua khó chịu (giống với mùi của sữa bị hỏng) thì đó có thể là do tình trạng trào ngược dạ dày thực quản gây ra.

Nó có thể làm trì hoãn hoặc ngăn chặn quá trình tiêu hóa thức ăn hiệu quả trong dạ dày. Khi thức ăn không di chuyển qua ống tiêu hóa, nó sẽ bắt đầu phân hủy và trào ngược lên thực quản, gây ra tình trạng ợ nóng và hơi thở có mùi chua. Các nha sĩ cũng phát hiện những bệnh nhân bị đỏ, sưng tấy họng và xói mòn axit ở răng đều bị mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Tuy nhiên, không chỉ là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề tiêu hóa duy nhất có thể ảnh hưởng đến hơi thở. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn H. pylori gây loét dạ dày cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này (Ảnh: Internet)

4. Hơi thở có mùi hôi đặc trưng

Nếu hơi thở của bạn có mùi hôi đặc trưng giống như hôi miệng thông thường, dù bạn đã cố gắng giữ gìn vệ sinh răng miệng nhưng tình trạng không được cải thiện, thì có 3 nguyên nhân gây ra hiện tượng này:

- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Với những ai mắc căn bệnh này thường sẽ vô thức mở miệng trong khi ngủ nhằm thở bằng đường miệng. Điều này sẽ khiến quá trình sản xuất nước bọt bị gián đoạn tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây mùi có điều kiện phát triển, gây khô miệng và dẫn đến hôi miệng.

- Nhiễm trùng đường hô hấp: Cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang,... là những dạng nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến cũng được xem là yếu tố gây ra tình trạng hôi miệng. Vì những chứng bệnh này có thể phá vỡ hoặc làm viêm các mô trong hệ thống hô hấp, kích hoạt sản xuất các tế bào nuôi vi khuẩn và chất nhầy. Những chất nhầy này sẽ gây tắc nghẽn mũi, buộc ta phải thở bằng miệng. Điều này dẫn đến mùi hôi miệng đặc trưng, giống với triệu chứng ngưng thở khi ngủ gây ra.

- Sâu răng: Khi lớp men răng bị xói mòn, các hạt thức ăn có thể kẹt vào những lỗ nhỏ trên răng, gọi là sâu răng. Bởi vì việc đánh răng không thể loại bỏ các phần thức ăn lắng đọng này, lâu dần chúng sẽ tăng sinh vi khuẩn, từ đó tạo ra mùi hôi.

Dẫu cho nguyên nhân thường thấy nhất cho tình trạng hơi thở có mùi là các vấn đề về răng miệng, tuy nhiên, nếu như bạn đã thật sự cố gắng giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt mà tình trạng khó chịu này không thay đổi thì có thể bạn đã mắc phải một số loại bệnh kể trên. Lúc này, bạn nên đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Có 4 biểu hiện khi ăn báo hiệu ung thư dạ dày sau 40 tuổi, nên nội soi dạ dày không chậm trễ

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/mui-hoi-tho-se-giup-ban-chan-doan-nhanh-tinh-trang-suc-khoe-cua-minh-35374/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY