Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nằm lòng 5 yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao cân nặng bé gái giúp con tăng trưởng vượt trội

Chiều cao cân nặng của bé gái không chỉ do yếu tố bẩm sinh, di truyền mà còn chịu sự chi phối của dinh dưỡng, chế độ luyện tập… Để giúp con có được cân nặng chuẩn, chiều cao lý tưởng thì việc nắm rõ những yếu tố ảnh hưởng theo từng giai đoạn là điều vô cùng quan trọng.

Nếu con bạn đang ở độ tuổi phát triển và bạn mong muốn con sẽ có vóc dáng lý tưởng, đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

1. Top 5 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao – cân nặng của trẻ

1.1. Yếu tố gen di truyền

Nhiều người cho rằng gen di truyền chỉ ảnh hưởng tới chiều cao. Tuy nhiên trên thực tế, yếu tố này có thể ảnh hưởng tới cân nặng của một người.

Đối với chiều cao, tính di truyền quyết định tới khoảng 23% khả năng chiều cao của mỗi người. Một đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có bố, mẹ, ông, bà với chiều cao vượt trội thì sẽ có cơ hội cao lớn vượt trội ở tuổi trưởng thành. Ngược lại, nếu gia đình có bố, mẹ lùn thì việc có được chiều cao tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng.

Về cân nặng, mặc dù không rõ ràng như chiều cao song cũng gây tác động thế hệ ở mức nhất định.

Tính đến hiện tại, các nhà khoa học đã xác định được hơn 400 gen khác nhau có liên quan tới thừa cân, béo phì. Những gen gây ảnh hưởng tới cân nặng tác động theo những cách khác nhau như ảnh hưởng đến khẩu vị, cảm giác no, quá trình chuyển hoá, cảm giác thèm ăn, sự phân phối tỷ lệ mỡ trong cơ thể…

Cũng thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy có khoảng 20% người thừa cân có yếu tố di truyền.

1.2. Dinh dưỡng và môi trường sống

Dinh dưỡng và môi trường sống được xem là yếu tố quan trọng nhất, yếu tố quyết định tới chiều cao, cân nặng của một người. Đây là lý do giải thích cho việc nếu bạn không được sinh ra trong gia đình với bố mẹ có vóc dáng lý tưởng thì bạn vẫn hoàn toàn đạt được thể hình như mong muốn.

Dinh dưỡng và môi trường sống ảnh hưởng tới chiều cao, cân nặng của bé gái ngay từ khi còn là bào thai. Do vậy, người mẹ khi mang thai cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo đầy đủ các vi chất cần thiết để giúp thai nhi đạt chuẩn chiều cao, cân nặng theo tháng tuổi.

Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu tiên. Sau đó tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung phù hợp.

Ở giai đoạn dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất về chiều cao và cân nặng. Do đó, cha mẹ cần tận dụng tốt giai đoạn vàng này để giúp các bé gái có được vóc dáng chuẩn khi đến tuổi trưởng thành.

1.3. Các bệnh lý mãn tính

Nếu mắc phải một trong các bệnh lý mãn tính, sức khỏe của các bé gái sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng đồng nghĩa với chiều cao, cân nặng của trẻ có thể hạn chế hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Cụ thể, những căn bệnh phổ biến được xem là ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng của các bé gái như:

Béo phì: Trẻ béo phì là những trẻ có trọng lượng cơ thể vượt quá 30% so với chỉ số chuẩn. Khi béo phì thừa cân, khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực cho xương, cản trở xương phát triển.

Đau xương khớp: Xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau song lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chiều cao. Việc đau xương khớp liên tục cũng sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, tinh thần xuống dốc, từ đó ảnh hưởng tới việc hấp thu dinh dưỡng, tăng trưởng cơ thể.

Viêm khớp vô căn vị thành niên: Đây là căn bệnh có tên tiếng Anh là Juvenile Idiopathic Arthritis – JIA. Viêm khớp vô căn là bệnh lý viêm khớp khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. JIA gây nên tình trạng đau và viêm khớp ở bàn tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay, ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.

Khi bị viêm khớp vô căn, trẻ sẽ có xu hướng phát triển chiều cao chậm, việc tăng cân nặng cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Cong vẹo cột sống, biến dạng cột sống: Có thể do bẩm sinh hoặc do tư thế sinh hoạt không phù hợp trong thời gian dài. Khi cột sống phát triển cong vẹo, hai bên vai không có sự cân bằng, việc tăng trưởng chiều cao sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, các trường hợp có đạt được chiều cao như mong muốn nhưng cột sống không thẳng thì vẫn có thể khiến vóc dáng không cân đối, tăng trưởng cân nặng bị hạn chế.

Khiếm khuyết ở tuyến yên: Tuyến yên là vùng chịu trách nhiệm sản xuất hormone tăng trưởng cho cơ thể. Khi tuyến yên bị khiếm khuyết hoặc có các bệnh lý thì việc sản sinh ra hormone cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy, trẻ có các bệnh lý về tuyến yên sẽ khó có thể đạt được chiều cao như mong muốn.

Hội chứng Turner: Hội chứng này còn được gọi là hội chứng OX, chỉ xảy ra ở nữ giới. Bé gái bình thường sẽ có 2 nhiễm sắc thể giới tính X. Khi mắc hội chứng Turner, bé gái chỉ có 1 nhiễm sắc thể X hoặc trường hợp 1 nhiễm sắc thể X bình thường, nhiễm sắc thể còn lại bị thay đổi cấu trúc.

Đây là yếu tố khiến không chỉ chiều cao, cân nặng mà các vấn đề khác liên quan tới sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng.

1.4. Sự chăm sóc, gần gũi của bố mẹ

Sự chăm sóc, gần gũi, quan tâm của cha mẹ cũng là một trong những yếu tố tác động tới sự phát triển của trẻ.

Một đứa trẻ được sống trong tình yêu thương, sự hạnh phúc, nuôi dưỡng bằng những tiếng cười sẽ có xu hướng phát triển toàn diện, cân bằng hơn. Vì vậy, cha mẹ cần xây dựng môi trường sống tốt cho con ngay từ khi còn là giai đoạn thai nhi.

1.5. Vận động tích cực, ngủ đủ giấc

Trong những yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao cân nặng chuẩn của bé gái thì vận động chỉ xếp sau dinh dưỡng và di truyền.

Vận động tác động tới quá trình tăng trưởng ngay từ khi còn nhỏ, mọi giai đoạn. Bởi vậy tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ nên cùng con lựa chọn các hình thức vận động thích hợp. Các bé gái nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày đúng cách, khoa học để duy trì sức khỏe, cải thiện vóc dáng.

Những bộ môn thể dục, thể thao thích hợp cho các bé phát triển có thể kể đến gồm: bơi lội, yoga, nhảy dây, bóng rổ, đạp xe…

Bên cạnh việc vận động thì ngủ đủ giấc cũng là yếu tố quan trọng mà cha mẹ cần chú tâm thực hiện đúng. Trẻ trong độ tuổi phát triển cần ngủ từ 9 - 10 tiếng mỗi ngày và có tối đa số giờ ngủ sâu.

Do đó mà cha mẹ nên cho con đi ngủ sớm trước 21h để cơ thể đạt được độ sâu của giấc ngủ vào khoảng 23h. Thời gian từ 23h - 3h sáng hôm sau là thời gian vàng mà cơ thể tiết ra nhiều hormone tăng trưởng nhất.

2. Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé gái theo tuổi

Để biết con bạn có đang đạt mức chiều cao, cân nặng chuẩn theo lứa tuổi hay không, bạn có thể dựa vào bảng tiêu chuẩn đã được WHO công bố. Căn cứ theo bảng, bố mẹ có thể nhận biết tình trạng của con để từ đó có những biện pháp cải thiện cho phù hợp.

Cách đọc các chỉ số theo bảng chiều cao, cân nặng chuẩn như sau:

+ TB: Trung bình chiều cao hoặc cân nặng của trẻ phát triển ở mức bình thường theo WHO.

+ Giới hạn dưới -2SD: Suy dinh dưỡng, hụt cân.

+ Giới hạn trên +2SD: Thừa cân, béo phì hoặc chiều cao quá mức bình thường

2.1. Chiều cao cân nặng chuẩn của bé gái từ 0 - 5 tuổi

Ở giai đoạn đầu đời này, việc xác định chỉ số tiêu chuẩn sẽ căn cứ theo bảng đề xuất của WHO. Cụ thể, cách đọc, cách tính chỉ số này là:

Chỉ số cân nặng tính theo độ tuổi: Nếu kết quả cân nặng của trẻ nhỏ hơn -2SD nghĩa là trẻ chỉ đạt khoảng 80% so với mức chuẩn cân nặng bình thường. Điều này cho biết trẻ đang bị suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ cân.

Chỉ số chiều cao trung bình theo độ tuổi: Nếu đo chiều cao của bé dưới -2SD so với mức chuẩn thì trẻ đang bị suy dinh dưỡng ở mức thấp còi.

Chỉ số cân nặng tính theo chiều cao: Nếu bạn đo được chỉ số cân nặng của bé dưới -2SD so với mức phát triển bình thường thì sẽ có nguy cơ trẻ đang bị thấp còi, thiếu dinh dưỡng.

2.2. Chiều cao cân nặng chuẩn của bé từ 5 - 18 tuổi

Ở giai đoạn này, bạn có thể căn cứ theo bảng tiêu chuẩn của WHO và tính thêm chỉ số khối của cơ thể - BMI. Chỉ số BMI sẽ giúp xác định được sự cân đối của vóc dáng.

BMI = (cân nặng )/(chiều cao x 2)

Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg

Nếu chỉ số BMI của bạn từ 30,0 trở lên tức là bạn đang được xếp loại là thừa cân, béo phì.

Nếu chỉ số BMI theo độ tuổi được tính ra kết quả < 16.0: Dấu hiệu trẻ đang bị nhẹ cân và cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng.

3. Tổng hợp 4 yếu tố giúp đánh giá sự phát triển của bé giá

Chiều cao, cân nặng chuẩn của bé gái là hai tiêu chí dễ nhận thấy nhất để đánh giá sự phát triển. Tuy nhiên, một đứa trẻ phát triển bình thường không chỉ có chiều cao hay cân nặng mà còn bao gồm những yếu tố khác nữa.

Cụ thể, 4 yếu tố đánh giá sự phát triển toàn diện của bé gái có thể kể đến gồm:

Sự phát triển về thể chất

Sự phát triển thể chất của một đứa trẻ thể hiện qua các yếu tố như khả năng đi - đứng; sự điều chỉnh tốc độ đi nhanh hoặc chậm theo suy nghĩ; khả năng ngắm trúng đích, mục tiêu…

Sự thay đổi về mặt nhận thức

Nhận thức là quá trình phát triển của não bộ và tư duy. Để xác định trẻ có tiến bộ về nhận thức theo tuổi hay không, phụ huynh có thể quan sát qua các yếu tố như sự phân biệt mọi vật xung quanh; làm quen với số lượng và phân biệt; nhận biết các hiện tượng xung quanh…

Khả năng ngôn ngữ

Sự phát triển về mặt ngôn ngữ của trẻ sẽ được thể hiện qua việc học nói từng ngày; khả năng giao tiếp và truyền tải thông tin; khả năng hiểu được những người xung quanh nói gì và biểu lộ cảm xúc qua nét mặt…

Phát triển về tình cảm

Một đứa trẻ có sự phát triển về mặt tình cảm sẽ được thể hiện qua việc quan tâm đến mọi người xung quanh và thể hiện cảm xúc khác nhau; Thực hiện và hoàn thành các công việc được giao; tuân thủ nguyên tắc…

Trên đây là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới chiều cao cân nặng bé gái cũng như những tiêu chí đánh giá sự phát triển toàn diện của con. Hy vọng với những chia sẻ này, ba mẹ đã có thêm cơ sở để xây dựng chế độ dinh dưỡng, luyện tập, sinh hoạt khoa học, cùng con phát triển toàn diện.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/nam-long-5-yeu-to-anh-huong-toi-chieu-cao-can-nang-be-gai-giup-con-tang-truong-vuot-troi-33568/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY