Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nắng nóng xen lẫn mưa bất chợt, cần đề phòng mối nguy viêm phổi do phế cầu khuẩn gây ra

Vào mùa hè, giữa thời tiết nắng nóng gay gắt xen lẫn những cơn mưa bất chợt chính là tác nhân gây ra các căn bệnh hô hấp nguy hiểm. Đặc biệt mới đây, nhiều bệnh viện ghi nhận các ca viêm phổi do phế cầu khuẩn đang gia tăng ngày một nhiều, lưu ý người dân không chủ quan.

Cụ thể, theo thống kê từ khoa Nội hô hấp tại các bệnh viên cho thấy: bệnh nhân nhập viện vì các bệnh hô hấp, trong đó có viêm tiểu phế quản, viêm phế quản và viêm phổi tăng lên đến 20% so với những tháng trước khi vào hè, và cao hơn so với trung bình trong 5 năm qua, đối tượng mắc phải chủ yếu vẫn là trẻ em và người cao tuổi.

Thời tiết nắng mưa thất thường là điều kiện giúp các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hoặc hô hấp như virus, vi khuẩn và nấm sinh sôi - phát triển mạnh mẽ (Ảnh: Internet)

Nguy hiểm tiềm tàng với nhiều biến chứng nặng nề từ viêm phổi do phế cầu

Viêm phổi khởi phát khi cơ thể bị nhiễm trùng tại phổi, khiến các túi khí ở một bên hoặc hai bên phổi bị tổn thương và gây ra viêm. Các bác sĩ cho biết, tác nhân chính gây ra bệnh viêm phổi này sẽ bao gồm cả virus lẫn vi khuẩn. Nếu là viêm phổi do vi khuẩn thì vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae và vi khuẩn Hib là 2 tác nhân phổ biến nhất, còn nếu là viêm phổi do virus thì virus cúm là nguyên nhân chủ yếu.

Ngoài ra, bệnh cũng có tốc độ lây lan rất nhanh, thông qua các hoạt động như giao tiếp, nói chuyện, ho, hắt hơi,... khiến cho nước bọt có chứa vi khuẩn văng ra từ cơ thể người bệnh bám vào các vật dụng xung quanh hoặc các cá thể khác.

Bệnh có diễn tiến nhanh, dễ biến chứng nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời (Ảnh: Internet)

Trong đó, vi khuẩn phế cầu là loại vi khuẩn có nguy cơ đe doạ nhất, vì chúng có thể sống ký sinh ở vùng hầu họng của mọi người. Khi sức đề kháng của vật chủ giảm - kết hợp với những tổn thương ở đường dẫn khí do viêm họng, viêm mũi, viêm xoang…, phế cầu khuẩn dễ dàng di chuyển xuống phổi, xâm nhập vào các phế nang và gây nên tình trạng viêm phổi.

Các bác sĩ lưu ý, những đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi do nhiễm khuẩn phế cầu nhất chính là:

- Trẻ em và người già trên 60 tuổi

- Người có hệ miễn dịch yếu

- Người có bệnh nền mãn tính như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp,...

Vì sao bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn lại nguy hiểm? Vì nó có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho sức khoẻ. Theo chia sẻ của BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, các vi khuẩn phế cầu có thể ký sinh trong hầu họng của mỗi người. Và khi sức đề kháng của những đối tượng có nguy cơ như trẻ em hoặc người gia bị suy giảm thì những vi khuẩn này sẽ dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi và dẫn đến viêm phổi nặng, khiến bệnh nhân bị suy hô hấp.

Trong thể nhẹ, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như đau đầu, ho liên tục, đau ngực, sốt cao,... còn nếu diễn tiến nặng thì sẽ phải thở máy, nguy cơ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi, tụ mủ trong phổi, sau đó là tử vong.

Những trường hợp sống sót thì phải gánh chịu nhiều di chứng lâu dài như: đoạn chi do nhiễm trùng huyết; bị điếc, mù loà hay chậm phát triển tâm thần do tổn thương não; nhiễm trùng tai; viêm xoang...

Các số liệu có liên quan đến bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn:

Theo thống kê từ WHO, viêm phổi khiến hơn 740.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2019 và khiến 25% số người trên 65 tuổi tử vong.

Theo thống kê từ CDC, viêm phổi kết hợp với cúm đứng thứ 9 trong danh sách nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia có 75% gánh nặng về viêm phổi - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Trung bình cứ 20 giây sẽ có 1 trẻ em tử vong bởi viêm phổi do phế cầu. Con số bệnh nhân ở Việt Nam hàng năm là 2,9 triệu ca, trong đó số ca tử vong ở trẻ nhỏ là 4,000 em.

Cần đề phòng bệnh viêm phổi do nhiễm khuẩn phế cầu như thế nào?

Trên thực tế, rất khó để ta có thể loại bỏ hoàn toàn mọi nguy cơ nhiễm khuẩn như không tiếp xúc với người bệnh hoặc sống trong một môi trường được tiệt trùng tuyệt đối. Chính vì vậy, để hạn chế việc mắc bệnh, chúng ta nên tuân theo những biện pháp bảo vệ sau đây:

- Tiêm phòng vaccine đầy đủ: Một trong những biện pháp bảo vệ phổi khỏi vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Hib và virus cúm đó là tiêm phòng vaccine ngừa bệnh.

Theo WHO, phòng bệnh bằng vaccine là một điều cần thiết, nhằm giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong, đồng thời cũng giảm chi phí và thời gian chữa bệnh (Ảnh: Internet)

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Trước và sau khi ăn, hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng, đều cần rửa tay sạch bằng xà phòng. Tránh tiếp xúc với những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về hô hấp và đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nâng cao sức đề kháng: nên ăn những loại thực phẩm giàu xơ (rau xanh, trái cây, các loại hạt dinh dưỡng,...), protein (thịt, cá, trứng,...), axit béo omega-3 (cá béo, dầu cá, hạt dinh dưỡng,...), thực phẩm nhiều vitamin C và folate (các loại quả có màu sáng như cam, quýt, mâm xôi, rau cải xanh, rau bina, rau chân vịt,...) vì có thể hỗ trợ nâng cao đề kháng, đặc biệt là sức khoẻ của phổi.

- Vận động thường xuyên để cơ thể luôn khoẻ mạnh, tăng cường hệ miễn dịch: thực hiện các bài tập có cường độ cao như bơi lội, đạp xe, chạy bộ sẽ thúc đẩy việc hít thở nhiều hơn, từ đó giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức khoẻ của phổi

Viêm phổi do phế cầu khuẩn gây ra mang đến rất nhiều biến chứng cho sức khoẻ nhưng lại rất dễ mắc bệnh. Vì vậy, tất cả mọi người cần thưởng xuyên lưu ý, đặc biệt là những gia đình có các đối tượng nguy cơ thì càng phải cảnh giác hơn để hạn chế mọi nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm: Dù rau có tốt đến mấy, bạn vẫn phải kiêng nếu đang ở trong 6 thời điểm này

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nang-nong-xen-lan-mua-bat-chot-can-de-phong-moi-nguy-viem-phoi-do-phe-cau-khuan-gay-ra-35060/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY