Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nếu gặp phải các vấn đề răng miệng sau đây, nguy cơ cao bạn đang mắc bệnh tiểu đường

Chăm sóc sai cách thường là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về răng miệng như: sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,... Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chăm sóc bộ phận này rất kỹ mà các vấn đề ấy vẫn xảy ra, hãy cẩn thận vì nguy cơ cao bạn đang mắc bệnh tiểu đường.

Vì sao bệnh tiểu đường có thể gây ra các vấn đề về răng miệng?

Người mắc bệnh tiểu đường sẽ có chỉ số đường huyết cao hơn mức bình thường, làm suy yếu các tế bào bạch cầu trong cơ thể khiến việc tấn công các vi khuẩn gây kém hơn. Từ đó gây ra tình trạng nhiễm trùng, cụ thể ở đây là bộ phận răng miệng dẫn đến các vấn đề răng miệng xảy ra. 

Ngoài ra, tiểu đường cũng đồng thời khiến cho hàm lượng đường ở trong nước bọt cao hơn - tạo cơ hội và môi trường lý tưởng để các vi khuẩn có trong khoang miệng được phát triển thuận lợi. Nếu kết hợp cùng thức ăn sẽ tạo thành các mảng bám trên răng, gây ra hiện tượng sâu răng, viêm lợi hay hôi miệng thường thấy. 

Biến chứng răng miệng ở người mắc bệnh tiểu đường rất nguy hiểm, nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến khả năng bị mất răng, rụng răng sớm hoặc tụt lợi, thậm chí áp xe răng gây nhiễm khuẩn huyết (Ảnh: Internet)

Những vấn đề răng miệng có thể xảy ra khi mắc bệnh tiểu đường?

Mắc bệnh tiểu đường mà không biết, hoặc khi biết mà không kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể sẽ dẫn đến nhiều biến chứng răng miệng. Phổ biến nhất sẽ là:

1. Khô miệng gây sâu răng

Lượng đường có trong nước bọt quá cao lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nước bọt trong khoang miệng, từ đó gây ra tình trạng khô miệng. Trong khi đó, nước bọt có chức năng giúp trung hoà axit của vi khuẩn, hạn chế vi khuẩn phát triển và rửa đi các mẩu thức ăn. Thiếu hụt lượng nước bọt trong khoang miệng sẽ khiến ta dễ bị sâu răng hơn vì các mảng bám trên răng không được làm sạch triệt để.

Người tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh sâu răng cao hơn, do lượng đường trong nước bọt tăng cao dễ gây ra tình trạng khô miệng (Ảnh: Internet)

2. Viêm nướu, viêm nha chu

Các mảng bám trên răng  khi không được loại bỏ sạch sẽ có thể gây kích ứng nướu, chảy máu chân răng và chảy máu nướu. Trong khi đó, người mắc bệnh tiểu đường sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, đe doạ đến chức năng của các tế bào bạch cầu trong việc chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng bên trong cơ thể. Từ đó gây ra tình trạng viêm nướu.

Khi viêm nướu không được điều trị đúng cách, có thể tiến triển thành viêm nha chu, gây ảnh hưởng đến mô và các xương bên dưới. Đây là một dạng viêm nghiêm trọng, có thể gây lung lay và mất răng.

Một số nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn gây viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu thông qua các mô nướu, gây ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể (Ảnh: Internet)

3. Nấm miệng

Hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh tiểu đường khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Một bệnh nhiễm trùng nấm men được gọi là nấm miệng rất thường xuyên xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường (bệnh nấm Candida). Nấm men phát triển khi hàm lượng đường trong nước bọt cao, xuất hiện dưới dạng một lớp trắng trên lưỡi và bên trong má. Những người đeo răng giả dễ bị tình trạng này hơn, có thể để lại mùi vị kinh khủng trong miệng.

Người bệnh tiểu đường nên làm gì để tránh các vấn đề răng miệng?

Để hạn chế các biến chứng răng miệng có thể xảy ra, người bệnh tiểu đường nên cố gắng tuân theo các điều sau đây:

1. Hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều đường và tinh bột.

2. Hạn chế tối đa thói quen hút thuốc lá vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm nha chu và bệnh tưa miệng.

3. Kiểm soát tốt đường huyết bằng cách theo dõi, kiểm tra đường huyết thường xuyên, tuân thủ đúng các chỉ dẫn của bác sĩ để giữ đường huyết luôn được ổn định. Nếu phát hiện các thuốc điều trị tiểu đường gây hiện tượng khô miệng cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xử lý sớm.

4. Làm sạch răng ít nhất 2 lần 1 ngày. Khi đánh răng, tránh chà xát mạnh, nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm và kem đánh răng có chứa thành phần Flo, điều này giúp người bệnh tiểu đường phòng tránh được các bệnh răng miệng.

5. Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng và loại bỏ các mảng bám trong kẽ răng. Hạn chế sử dụng tăm vì có thể gây chảy máu

6. Sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng sau mỗi bữa ăn. 

7. Đến các bệnh viện, nha khoa uy tín để làm sạch vôi răng định kỳ.

Khi xuất hiện các dấu hiệu trên dù đã vệ sinh răng miệng thật kỹ, người mắc cần nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám một cách chính xác nhất, xác nhận rõ nguyên nhân vì sao. Nếu là do bệnh tiểu đường gây ra các vấn đề răng miệng, bệnh nhân cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ, kiểm soát tốt lượng đường huyết để các biến chứng không trở nặnng hơn, tránh gây ảnh hưởng đến chân răng.

Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/neu-gap-phai-cac-van-de-rang-mieng-sau-day-nguy-co-cao-ban-dang-mac-benh-tieu-duong-35806/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY