Càng béo bệnh càng nặng
Chị Nguyễn Thị Thu Hòa, nhân viên văn phòng ở Thanh Xuân, Hà Nội không khi nào dám ngủ trong giờ nghỉ trưa ở quan. Đó là vì chị xấu hổ bởi tật ngủ ngáy rất to. Ở nhà, vì tật này mà nhiều lúc vợ chồng chị xa cách. Ngày còn thanh niên, chị cũng ngáy nhưng tình trạng ngày càng nghiêm trọng khi cân nặng ngày càng tăng. Bác sỹ đã khuyên chị giảm cân để giảm bệnh nhưng cái miệng hại cái thân, chị không ăn kiêng được.
Trao đổi với phóng viên Sức khỏe gia đình về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Hữu Anh, nguyên bác sỹ chuyên khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, giải thích: “Ngủ ngáy là âm thanh của đường thở phát ra trong giấc ngủ. Khi ngủ, phần hàm ếch và lưỡi gà chùng xuống làm cản trở không khí lưu thông. Mỗi lần không khí đi qua làm cho hàm ếch và lưỡi gà rung lên phát ra tiếng ngáy”. Nguyên nhân của ngủ ngáy thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân do béo phì. Đó là do khi béo, cổ bạnh hoặc giáp trạng bị viêm sưng, các lớp mỡ dày cộm lên cuống họng làm thay đổi cấu trúc, thu hẹp và cản trở khí vào phổi tạo ra tiếng ngáy. Ngoài ra một số người do uống rượu, dùng chất kích thích làm lỏng lẻo cơ họng. Một số khác do sưng amidan…
Cẩn thận tử vong
Mắc chứng ngủ ngáy không chỉ gây ồn ào phiền toái cho người ngủ bên cạnh mà chúng là vấn đề đáng lo ngại thực sự về sức khỏe. Những người ngủ ngáy khi tỉnh dậy vào buổi sáng thường cảm thấy vẫn còn buồn ngủ, cơ thể mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, gây nguy hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông hay làm việc ở trên cao, làm việc ở những môi trường hay những công việc cần sự tập trung cao độ.
Bác sỹ Hữu Anh nhấn mạnh: “Nguy hiểm hơn, ngủ ngáy còn là biểu hiện của triệu chứng ngưng thở khi ngủ, làm gia tăng nguy cơ đột tử trong đêm”. Đây là một triệu chứng bệnh lý nguy hiểm, vì nó làm giảm đột ngột lượng ô xy trong não và phổi. Khi đó, huyết áp sẽ tăng lên và tạo ra gánh nặng cho tim, có thể gây ra các cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não) và suy tim.
Chứng ngưng thở khi ngủ làm cho người bệnh không thể ngủ ngon như người bình thường được, vì não bộ bị đánh thức lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm, dù chính người bệnh có khi không cảm nhận được. Đó là lý do vì sao họ không thấy mất ngủ nhưng sau khi tỉnh dậy, người sẽ có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, ban ngày sẽ bị ngủ gà và dễ bị kích thích, thậm chí làm giảm ham muốn tình dục.
Những cách giảm ngáy
Hiện nay, một số bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật cho người ngủ ngáy. Tuy nhiên với những người béo phì, dùng chất kích thích thì phẫu thuật cũng không cứu vãn được, chỉ trừ khi họ thay đổi lối sống. Vì thế để giảm ngáy, bạn cần:
- Với những người bị béo phì hoặc quá dư thừa cân nặng, cần có sự kết hợp giữa chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để được giảm cân.
- Tránh uống rượu, bia, sử dụng đồ uống có chất kích thích trước khi ngủ, tốt nhất là không nên uống trước khi ngủ ít nhất 4 giờ vì chúng sẽ làm giãn các cơ của cơ thể, trong đó có cơ của đường thở.
- Bỏ thuốc lá.
- Hãy ngủ với tư thế nằm nghiêng để hạn chế chứng ngủ ngáy.
- Ngoài ra, còn một số biện pháp như tăng độ ẩm cho phòng ngủ, dùng sản phẩm làm thông đường thở (thuốc thông mũi, thuốc dị ứng), luyện tập cơ vùng hầu họng…
Một cuộc khảo sát được các nhà nghiên cứu của hãng dược phẩm thương hiệu Nytol (MỸ) tiến hành trên 1.134 người ngủ ngáy và các đối tác của họ. Kết quả cho thấy 27 % số người thường xuyên ở trong trạng thái cáu kỉnh, 21% liên tục cảm thấy mệt mỏi, và 16% là làm việc kém hiệu quả. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế cộng đồng Wisconsin (Mỹ), những người mắc chứng ngủ ngáy mức độ nhẹ có nguy cơ tử vong vì ung thư chỉ cao hơn 0,1 lần, trong khi những người mắc chứng ngủ ngáy mức trung bình có nguy cơ chết vì bệnh ung thư cao gấp 2 lần và người ngủ ngáy kinh niên có nguy cơ tử vong do bệnh ung thư cao gấp 4,8 lần. |
Lam Lê
Chủ đề liên quan: