Hiện nay, tại một số siêu thị trên địa bàn TPHCM, ở quầy hàng nước mắm, có rất nhiều sản phẩm nước mắm Thanh Hà, Phú Quốc, nước mắm Liên Thành, tất cả đều là nước mắm truyền thống.
Thị trường nước mắm truyền thống đang dần hồi sinh |
Bà Bùi Thị Sách, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản và Thương mại Thanh Phát, chủ sở hữu thương hiệu nước mắm Nam Phan của làng nghề truyền thống Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm-Ninh Thuận) chia sẻ, sau 5 năm gây dựng lại cơ sở của gia đình, nếm trải đủ thất bại, khó khăn, bà đã nhìn thấy những dấu hiệu hồi sinh của nước mắm truyền thống.
LoadingSản phẩm nước mắm truyền thống tuy lượng tiêu thụ chưa lớn nhưng đã có mặt ở gần hết các siêu thị trong hệ thống Co.opmart, Big C, Aeon-Citimart...và đặc biệt, “bạn bè, khách hàng đã ăn thì không ăn sản phẩm khác”.
Bà Lê Nguyễn Huyền Trân, Phó giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Hạnh Phúc, doanh nghiệp có bằng độc quyền sáng chế với sản phẩm nước mắm 60 độ đạm, cho biết trong khoảng ba năm gần đây, lượng tiêu thụ nước mắm Hạnh Phúc tăng trưởng ổn định, đặc biệt tại thị trường TPHCM, Hà Nội và một số đô thị lớn khác.
Theo nhìn nhận của ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc tiếp thị của Saigon Co.op - chủ sở hữu hệ thống Co.op mart và Co.op Foods cho đến thời điểm này, các sản phẩm nước mắm truyền thống vẫn chưa thể là đối thủ và có thể cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm đang nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường là Chin-su, Nam Ngư của Masan, nhưng cũng đã có sự tăng trưởng nhất định.
Xu hướng của người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập khá, là chuộng các sản phẩm truyền thống.
Tuy nhiên, vì chênh lệch giá bán quá lớn, gấp hai đến năm, bảy lần, nên nước mắm truyền thống vẫn thua xa về lượng tiêu thụ so với nước mắm công nghiệp.
Đó là chưa nói đến những thua kém về hệ thống phân phối, chính sách bán hàng, hậu mãi cũng như các chương trình tiếp thị, quảng bá.
Ông Hoàng Anh nhận định, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo, không có những đoạn quảng cáo đẹp, thông điệp rõ ràng trên truyền hình và ngay cả nhãn mác, bao bì và bộ nhận diện thương hiệu cũng còn rất yếu. Nguyên nhân dễ thấy là họ thiếu cả nhân lực và vật lực để làm chuyện này.
“Nói tóm lại, họ không đủ sức cạnh tranh, có làm được gì cũng như muối bỏ biển. Do vậy, họ cần đi theo thị trường ngách, tập trung vào đối tượng khách hàng chính là những người có thu nhập khá rồi tạo vết dầu loang", ông Anh khẳng định.
Điều đặc biệt khác, theo quy chuẩn Việt Nam hiện hành, sản phẩm được gọi là nước mắm là sản phẩm thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối, trong thùng có nắp đậy và trong thời gian thông thường là 6 tháng.
Thế nhưng, theo ông Đặng Văn Chính, chánh thanh tra Bộ Y tế, rất băn khoăn về cách đặt tên nước mắm hiện nay.
Theo ông Chính, sản phẩm không được sản xuất từ cá và muối theo quy trình truyền thống, mà thành phần chỉ được pha chế từ hương liệu và các hóa chất tạo vị với nước thì chỉ nên đặt tên là nước chấm.
"Nước mắm, nước chấm và xốt các loại là sản phẩm ngày nào cũng được sử dụng ở các gia đình, là loại thực phẩm quan trọng nhưng hơn 10 năm nay chưa có cuộc thanh tra chuyên đề nào với nhóm sản phẩm này. Chúng tôi đang ấp ủ một cuộc thanh tra như vậy ", ông Chính nói.
Chị Trần Lan Hương, giảng viên của nhiều khóa học dinh dưỡng và thường được gọi là "Dr Rau", cũng chia sẻ rằng thực phẩm tốt với sức khỏe là thực phẩm thật, "từ đất lên đĩa" chứ không nên chứa quá nhiều chất tạo màu, mùi, vị công nghiệp.
Trong một diễn biến liên quan, theo một thống kê gần đây cho biết mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm, 75% trong đó là hàng công nghiệp.
Thậm chí, năm 2014, lực lượng công an từng phát hiện được 30 thùng carton chứa hàng trăm chai nước mắm, nước chấm các loại do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam./.