Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nguy cơ gây nổ bình gas bạn không nên xem thường

Tai nạn cháy nổ gas không phải là trường hợp hiếm khi xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, mà nguyên nhân gây ra xuất phát từ những lỗi cơ bản mà nhiều người vẫn mắc phải.

Do đó, mỗi gia đình cần trang bị kiến thức an toàn khi sử dụng bình gas cho mình để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ảnh minh họa

Đầu tiên bạn cần hiểu là bản chất khí gas không gây cháy nổ. Nhưng khi khí gas bị rò rỉ ra ngoài kết hợp với ôxy trong không khí sẽ tạo thành hỗn hợp cháy. Chỉ cần gặp nhiệt độ cao phù hợp hoặc có tia lửa phát ra như quạt, điện thoại, giày cao gót có kim loại tiếp với mặt sàn hay thậm chí là khi bật công tắc bật đèn... thì nguy cơ cháy nổ lớn cũng rất dễ xảy ra.

Bạn nên tham khảo những nguyên nhân có thể gây ra tai nạn gas ngay sau đây để tránh mắc phải:

- Dây dẫn nối bình gas với bếp bị rò rỉ sau một thời gian dài sử dụng hoặc do bị gập xoắn, chuột cắn... được xem là nguyên nhân dễ gây ra cháy nổ gas nhất. Vì thế, để đảm bảo an toàn, nên mua dây dẫn chính hãng và thường xuyên kiểm tra dây.

- Van bị hỏng, lỏng; các mối nối giữa dây dẫn với bình gas và bếp lỏng lẻo cũng là nguyên nhân gây rò rỉ gas. Hãy thay ngay van mới nếu nó đã cũ, hỏng và đảm bảo đã xiết chặt các mối nối.

- Không khóa gas sau khi đun nấu hoặc khóa sai quy trình. Nhiều người có thói quen tắt bếp rồi mới khóa van bình gas, khiến cho gas vẫn còn trong đường ống dẫn mà không hề hay biết. Hay có trường hợp chỉ khóa bình gas mà bỏ qua bước tắt bếp, nếu không khóa kỹ sẽ dẫn đến gas bị rò rỉ ra ngoài.

Lưu ý, quy trình đúng là khóa van bình lại, chờ lửa đốt hết phần gas còn trong ống dẫn rồi tắt bếp về đúng vị trí.

Có trường hợp không chú ý đến bếp khi đun nấu để dẫn đến nồi bị cháy khét, để gió tạt hoặc nước trào xuống bếp gây tắt lửa, trong khi gas vẫn bơm ra liên tục mà không được đốt cháy cũng gây nguy hiểm.

Sau đây là những an toàn cần biết khi sử dụng bếp gas:

Nên đặt bình gas cách bếp tối thiểu 1-1.5m, ở chỗ thoáng để dễ ngửi được mùi khi có rò rỉ.

Không dùng bình gas, bếp gas cũ, kém chất lượng dễ dẫn đến rò rỉ gas, gây nguy hiểm. Nên mua bình gas, bếp gas mới của các thương hiệu. Thường xuyên vệ sinh bếp gas sạch sẽ giúp tiết kiệm gas và phát hiện các trục trặc nếu có.

Cách kiểm tra gas bị rò rỉ nên thực hiện thường xuyên: Dùng bọt xà phòng giặt hay rửa bát, phủ kín toàn bộ thân van gas, dây gas và quan sát xem có hiện tượng sủi bọt bong bóng hay không, nếu có tức là van gas hoặc dây gas đã bị rò rỉ. Nên thử ở hai trường hợp đóng và mở van gas.

Khi đun nấu tránh gió thổi trực tiếp vào bếp. Đồng thời, không để giấy hay giẻ bắc nồi cạnh bếp để tránh bị bắt lửa. Tuyệt đối không để thuốc diệt côn trùng gần ngọn lửa, không được xịt thuốc dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy.

Cách xử lý thông minh khi gặp sự cố bình gas:

Nếu ngửi thấy mùi gas, trước tiên cần bình tĩnh khóa van bình gas lại, sau đó nhanh chóng mở cửa cho khí gas thoát đi và hạ nhiệt độ phòng. Dùng các phương pháp thủ công như quạt để quạt bớt mùi gas, còn nếu quạt máy đang mở thì vẫn cứ để nguyên.

Tuyệt đối không được bật, tắt các thiết bị điện như bóng điện, quạt máy, không nghe điện thoại, đi giày cao gót có đế kim loại, nổ xe máy, đánh bật lửa, diêm.... bởi chúng sẽ sinh ra tia lửa điện gây nổ.

Trong trường hợp không xử lý được mùi gas, không khóa được van gas hoặc có đám cháy thì phải nhanh chóng chạy khỏi hiện trường và gọi cho nhà cung cấp gas hoặc 114.

Hằng Ni

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nguy-co-gay-no-binh-gas-ban-khong-nen-xem-thuong-19728/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY