Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nguyên nhân và cách điều trị bệnh đau mỏi vai gáy

Đau mỏi vai gáy là căn bệnh nhiều người gặp phải. Cơn đau thường xuất hiện nhiều vào buổi sáng, đặc biệt khi vừa tỉnh giấc. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng khiến người bệnh vô cùng khó chịu và gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Bệnh đau mỏi vai gáy là gì?

Đau mỏi vai gáy thực chất là một dạng rối loạn thần kinh cơ. Bệnh xuất hiện do sự co cứng cục bộ và đột ngột khi chức năng thần kinh bị rối loạn.

Bệnh đau mỏi vai gáy thường xuất hiện vào buổi sáng, sau khi tỉnh dậy, thực chất là nhóm các bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy.

Ảnh minh họa

Đây là chứng bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ. Cơn đau mỏi vai gáy thường tăng lên khi vận động và giảm bớt khi người bệnh nghỉ ngơi.

Thông thường bệnh không gây nguy hiểm, nhưng gây ra nhiều lo lắng, khó chịu và mệt mỏi cho người bệnh, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy

Nguyên nhân thường gặp nhất gây nên chứng đau mỏi vai gáy là do kê đầu cao khi ngủ, kê đầu trên vật cứng trong thời gian dài vài tiếng, do tư thế ngủ không tốt, nằm ngủ trên ghế, nằm xem tivi...

Bệnh thường gặp ở người trung tuổi khi hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai và sự đàn hồi.

Ngoài ra, đau mỏi vai gáy còn có thể do sự tổn thương của các mặt khớp ở cột sống cổ như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, chấn thương vùng cổ...

Những người do tính chất công việc hàng ngày thường xuyên phải cúi hoặc ngẩng đầu như người làm việc với máy tính, lái xe, sơn trần... cũng có nguy cơ cao bị đau mỏi vai gáy.

Bên cạnh đó một số yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cục bộ vùng vai, gáy như thói quen ngồi lâu trước quạt, trước máy điều hoà nhiệt đô (máy lạnh), ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy... cũng gây ra tình trạng này.

Đôi khi hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có một nguyên nhân rõ ràng, cụ thể nào.

Biểu hiện của bệnh đau mỏi vai gáy

Biểu hiện thường gặp nhất là các cơn đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng cổ và vai gáy, gây ra cảm giác nhức nhối, khó chịu cho người bệnh. Bên cạnh đó, cơn đau có thể lan ra mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai và cánh tay.

Khi mới mắc bệnh cơn đau chỉ nhẹ và gây chút khó khăn khi vận động cổ, quay đầu không thoải mái như lúc trước. Một số trường hợp đau vai gáy còn gây mỏi ở vùng tay, tê tay và cảm giác nặng ở tay.

Khi bệnh nặng hơn thì các triệu chứng đều tăng lên về mức độ. Bệnh cảm giác đau nhiều hơn ở vùng vai gáy, chỉ cần ấn hoặc lướt nhẹ cũng thấy đau rõ ràng.

Nhiều người còn cảm giác cơn đau lan xuống bả vai cánh tay, khó khăn khi quay đầu, không thể quay đầu ra phía sau.

Cơn đau do bệnh gây ra có thể xuất hiện bất cứ lúc nào hoặc xuất hiện sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh.

Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi quá lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ và cơn đau sẽ giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Khi thời tiết thay đổi đột ngột cũng làm ảnh hưởng đến vùng vai gáy và khiến cơn đau tăng lên.

Có hai loại đau mỏi vai gáy sau:

Đau mỏi vai gáy cấp tính

Tình trạng đau cấp tính xảy ra với các triệu chứng như cơ cổ co cứng, khi cúi đầu hoặc nghiêng sang một bên đầu gặp khó khăn.

Vận động ở vùng cổ bị hạn chế, người bệnh không thể xoay tròn cổ một cách dễ dàng. Muốn nhìn ra sau thì buộc phải xoay toàn thân, nếu cố gắng xoay cổ sẽ đau dữ dội. Cơn đau càng nặng hơn khi gặp phải gió lạnh.

Ảnh minh họa

Đau mỏi vai gáy mãn tính

Người bệnh thường xuyên cảm thấy cơn đau ở vùng vai và sau gáy, kèm theo đau đầu. Cơn đau có thể lan xuống dưới bả vai gây cảm giác mỏi, tê dại ở hai cánh tay, cẳng tay hoặc đau cả bàn tay.

Cách chữa đau mỏi vai gáy

Nếu bệnh ở thể nhẹ và cơn đau mỏi không kéo dài thì người bệnh có thể tự giảm đau tại nhà bằng cách sử dụng cao dán, dùng tay xoa bóp vùng vai gáy và cổ nhiều lần.

Ngoài ra, có thể đến một số cơ sở hoặc phòng khám Đông y để xoa bóp, bấm huyệt hay châm cứu cũng giúp làm giảm cơn đau hiệu quả.

Trường hợp đau vai gáy thường xuyên và cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thuốc để điều trị. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B.

Tùy vào từng nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy và triệu chứng đau ở từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có các phác đồ điều trị khác nhau.

Khi đã loại trừ được nguyên nhân gây chèn ép, tổn thương dẫn tới đau mỏi vai gáy thì chủ yếu chỉ dùng thuốc giảm đau thông thường có thể là thuốc uống hoặc cao dán.

Bên cạnh đó cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để hỗ trợ việc điều trị đau mỏi vai gáy hiệu quả hơn:

- Không sử dụng gối đầu quá cao và cứng. Chỉ dùng gối cao khoảng 10 cm, phù hợp với độ cong sinh lý của vùng sau gáy. Phần trên của vai phải đặt ở trên gối để tránh cột sống cổ và các cơ bắp bị kéo giãn.

- Khi xem tivi cần tựa lưng vào đệm hoặc gối mềm, cổ tựa vào điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.

- Khi nghe điện thoại nên dùng tai nghe hoặc cầm điện thoại ở tay. Không kẹp điện thoại ở vai để nghe.

- Với những người làm công việc thường xuyên phải cúi hoặc ngẩng đầu cần có bài tập riêng hàng ngày để duy trì sự dẻo dai của vai, cổ và hồi phục chức năng của các dây thần kinh ở vai, gáy.

- Người bệnh nên thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao với các bài tập nhẹ nhàng.

- Có chế độ nghỉ ngơi phù hợp, không nên ngồi quá lâu, thi thoảng cần đứng lên vận động nhẹ nhàng, thay đổi tư thế.

- Khi đau cổ, vai, gáy không xoay, vặn mạnh vì dễ gây tổn thương nặng các dây thần kinh.

Điều trị đau mỏi vai gáy bằng vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp đặc biệt hiệu quả trong điều trị bệnh đau mỏi vai gáy. Một số phương pháp nhiệt có hiệu quả giảm đau nhanh chóng, chống co cứng cơ giãn mạch, tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như hồng ngoại, chườm ngải cứu, đắp Paraphin, tắm ngâm suối bùn nóng.

Phương pháp trị liệu điện

- Sóng ngắn: Tạo ra nhiệt nóng ở sâu bên trong, giúp tăng cường chuyển hóa, chống phù nề, chồng viêm và giảm cơn đau nhức hiệu quả.

- Dòng xung điện: Có khả năng kích thích thần kinh cơ, giảm đau, tăng cường chuyển hóa.

- Dòng Gavanic và Faradic làm tăng cường quá trình khử cực và dẫn truyền thần kinh đưa thuốc giảm đau vào vùng tổn thương.

Phương pháp laser: có tác dụng làm mềm, giảm đau, chống viêm và tái tạo tổ chức.

Kéo giãn cột sống bằng hệ thống kéo giãn kỹ thuật số:

Đây là phương pháp điều trị bệnh sinh thoát vị đĩa đệm/thoái hóa đĩa đệm/thoái hóa cột sống căn bản nhất vì mục đích của phương pháp là tạo ra áp lực âm ngay trong lòng đĩa đệm nhằm giải nén, tạo điều kiện cho nhân nhầy đĩa đệm chuyển dịch hướng tâm trở về vị trí ban đầu, tăng cường các chất chuyển hóa và dinh dưỡng vào trong đĩa đệm để tái tạo tổ chức.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-benh-dau-moi-vai-gay-25739/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY