Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nguyên nhân và triệu chứng của căn bệnh chết người mang tên: Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng vô cùng nghiêm trọng, có thể gây tử vong cho trẻ em và cả người lớn nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Vì vậy, chỉ khi hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng của sốc phản vệ thì chúng ta mới có thể cấp cứu thật nhanh và chính xác cho người bệnh.

1. Nguyên nhân gây sốc phản vệ

Còn sốc phản vệ là một trong những dạng sốc xảy ra do sự tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể (chủ yếu là lớp kháng thể IgE) dẫn đến xuất hiện trong cơ thể một lượng lớn các yếu tố gây giãn mạch nội sinh làm hạ huyết áp. Ví dụ kinh điển nhất của sốc phản vệ là sốc do tiêm kháng sinh penixilin.

Sốc phản vệ chỉ xảy ra ở những cơ thể có “cơ địa dị ứng” (nghĩa là phản ứng bất thường xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác). "Cơ địa” là đặc tính cơ thể của từng người, mà người thầy thuốc (trong điều trị) khó tránh khỏi gặp "tai nạn" này.

Thuốc

Thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây sốc phản vệ. Việc đưa thuốc vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da... đều có thể gây sốc phản vệ. Trong đó, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.

Phản ứng thuốc thường là nguyên nhân sốc phản vệ thường gặp nhất

Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ cho người bệnh, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, gây tê, gây mê. Triệu chứng sốc phản vệ đôi khi gây ra bởi Aspirin, các kháng viêm không steroid như ibuprofen (Advil, Motrin, những loại khác) và naproxen sodium (Aleve, Midol) và cản quang tĩnh mạch được sử dụng trong một số hình ảnh X-quang. Mặc dù tương tự như sốc phản vệ do dị ứng, loại phản ứng này không được kích hoạt bởi các kháng thể dị ứng.

Thực phẩm

Những loại thức ăn có nguồn gốc động thực vật có thể gây sốc phản vệ như: cá thu, cá ngừ, tôm, tép, ốc, nhộng, trứng, sữa, dứa, khoai tây, lạc, đậu nành, các loại hạt và các chất phụ gia.… đều có thể khiến cơ thể bị sốc phản vệ.

Nọc độc của côn trùng

Ảnh minh họa

Khi bị các loại côn trùng như ong đốt; rắn, rết, bọ cạp, nhện… cắn thì lượng độc tố trong nọc côn trùng tiết ra sẽ gây nên sốc phản vệ cho nạn nhân.

Những người có tiền sử bị sốc phản vệ

Nếu đã phản ứng phản vệ trải nghiệm một lần, nguy cơ có phản ứng nghiêm trọng này sẽ càng tăng lên, thậm chí phản ứng trong tương lai có thể nghiêm trọng hơn so với lần đầu tiên.

Di truyền

Nếu trong gia đình bạn đã từng có người bị sốc phản vệ thì bạn có nguy cơ mắc bệnh sốc phản vệ cao hơn những người khác.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như Latex, tập thể dục, dị ứng hoặc hen suyễn với phấn hoa, nhựa cây…

2. Người bị sốc phản vệ biểu hiện như thể nào?

Triệu chứng lâm sàng của sốc phản vệ do thuốc hay các nguyên nhân khác về cơ bản giống nhau và xảy ra ở tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Hệ hô hấp

Vì sốc phản vệ gây phù dây thanh, phù khí quản, co thắt phế quản, có trường hợp phù phổi nên bệnh nhân thấy khó thở, ngạt, tím tái, suy hô hấp cấp khi phế quản bị co thắt.

Hệ thần kinh

Bệnh nhân bị đau đầu, chóng mặt, chân tay run, nhận thức mơ hồ, nói lảm nhảm, co giật toàn thân và có thể ngất xỉu hay hôn mê.

Hệ tim mạch

Sốc phản vệ làm giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp, trụy tim mạch thường xuất hiện sớm do hậu quả của các chất hóa học đưa vào cơ thể. Thiếu ôxy trong máu, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến toan máu và giảm co bóp cơ tim là giai đoạn nặng của sốc phản vệ.

Sốc phản vệ do hậu quả tác dụng của các chất trung gian hoá học, giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch nhanh dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn (thể tích máu toàn phần và thể tích huyết tương đều giảm rõ rệt) khiến nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp, áp lực động mạch giảm do giảm thể tích tống máu.

Hệ tiêu hóa

Nếu bị sốc phản vệ do thực phẩm hay thuốc qua đường uống gây nên, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, ỉa chảy không kiểm soát, thậm chí chảy máu tiêu hóa.

Da

Ảnh minh họa

Da của người bị sốc phản vệ bị mẩn ngứa, nổi mề đay, phù Quincke (là tình trạng sưng nề xuất hiện nhanh và đột ngột ở cả vùng dưới và trên bề mặt của da và niêm mạc, chủ yếu xuất hiện ở lưỡi, môi, mắt, quanh miệng, bàn tay, bàn chân, hầu họng và bộ phận sinh dục).

Ngân Trần

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nguyen-nhan-va-trieu-chung-cua-can-benh-chet-nguoi-mang-ten-soc-phan-ve-23469/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY