Thời tiết nắng nóng oi bức là điều kiện tốt cho các vi sinh vật trong thực phẩm phát triển mạnh. Vì vậy, do chủ quan và bất cẩn, nhiều người đã sử dụng các thức ăn để lâu bên ngoài, thực phẩm nấu chín để qua ngày không bảo đảm nguy cơ bị ngộ độc, tiêu chảy sẽ rất cao.
Các chuyên gia khuyên rằng nên quản thực phẩm đúng cách sẽ giảm thiểu nguy cơ ngộ độc và mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt đối hệ tiêu hóa yếu hơn ở trẻ nhỏ:
1. Bảo quản thực phẩm tươi sống
Không dự trữ quá nhiều thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh cùng một lúc, do tủ lạnh có thể bị bịt kín luồng lưu thông khí lạnh khiến nhiệt độ bảo quản không đạt yêu cầu, thực phẩm sẽ dễ bị hư hỏng.
Để tiết kiệm thời gian, các bà nội trợ thường mua một lượng lớn thức ăn đủ cho vài ngày. Tuy nhiên việc phân loại, cất giữ lượng thực phẩm lớn lại không thể bảo đảm.
Vậy nên, cách tốt nhất là dành ra ít thời gian đi chợ để mua thức ăn đủ dùng trong ngày. Thực phẩm trong ngày vừa đảm bảo giá trị dinh dưỡng, lại vừa an toàn cho sức khỏe gia đình.
Thực phẩm tươi đều có hạn sử dụng nhất định, bạn sẽ biết được hạn sử dụng chính xác của sản phẩm nếu mua ở những cửa hàng lớn hoặc siêu thị.
- Với các loại rau quả tối đa chúng ta chỉ có thể bảo quản được từ 3-5 ngày. Việc chọn mua những thực phẩm tươi, có nhãn mác rõ ràng sẽ khiến thực phẩm được bảo quản an toàn hơn.
- Đối với thịt cá, sau khi mua về cần sơ chế, chia thịt, cá ra thành các phần vừa ăn để tiện cho việc bảo quản và rã đông sử dụng. Nếu cần, sau khi rửa sạch, tẩm ướp và cho vào ngăn tủ lạnh.
- Đối với các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc... chỉ nên chọn loại còn sống, được chế biến ngay sau khi mua về từ 3-5 giờ đồng hồ và dùng trong ngày.
- Hoa quả cần được bảo quản cẩn thận nếu không rất dễ bị hỏng, đối với 1 số loại quả không thể để lâu khi bảo quản trong tủ lạnh như: chuối, cà chua, bơ... Đối với những quả to như dưa hấu, dưa gang... khi đã gọt vỏ cần được bảo quản và bọc túi nilong để hoa quả không bị vi khuẩn xâm nhập và nhiễm mùi tủ lạnh.
2. Bảo quản thực phẩm nấu chín
Thực phẩm đã nấu chín thường dễ bị hỏng hơn vào mùa hè nắng nóng, do vậy cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau để bảo quản thực phẩm chín:
- Nếu muốn để thức ăn chín qua đêm, nên đun lại cho kỹ và để nguội, sau đó cho vào xoong sạch, đậy kín vung và đặt vào trong một chiếc xoong to hơn chứa nước sạch.
- Những món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ trong tủ lạnh.
- Các món kho, mặn không nên để quá ba ngày và bảo quản ở vị trí lạnh nhất trong tủ lạnh.
- Không nên để thức ăn đã qua chế biến quá hai giờ dưới nhiệt độ bình thường. Tốt nhất nên nấu sôi, để nguội và cất vào tủ lạnh ngay sau khi vừa sử dụng xong.
- Thức ăn thừa nên được đậy kín khi cho vào tủ lạnh để tránh mùi tủ lạnh. Và nên sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống, phía dưới sẽ là những đồ ăn lâu ngày hơn để phân biệt và ghi nhớ.
Lưu ý, nguyên tắc vàng đó là không nên để lẫn lộn thức ăn chín và tươi sống trong tủ lạnh.
3. Bảo quản thực phẩm đông lạnh
Có rất nhiều thực phẩm đông lạnh được bày bán ở siêu thị, cửa hàng và có thời gian bảo quản khá lâu. Tuy nhiên, vì thời gian bảo quản được lâu nên thực phẩm ít được chú ý tới hạn sử dụng.
Về nguyên tắc, thực phẩm tươi sống có thể để được đến một năm nếu được cấp đông từ -180 độ đến -300 độ, cấp đông với nhiệt độ -360 độ thì bảo quản được đến 18 tháng. Tuy nhiên, các bác sĩ dinh dưỡng đã nghiên cứu chỉ ra rằng khi để lâu thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan…
Do vậy, thời gian bảo quản tối đa trong ngăn đá đối với thịt bò, cừu, dê là từ bảy đến 10 ngày; thịt heo, gà, vịt khoảng bảy ngày. Riêng với cá, nên sử dụng trong vòng ba ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi ngon hơn.
Thu Hương
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: