Kinh tế xã hội hôm nay

Nhà khảo cổ học người Ý yêu văn hóa Việt

(Tổ Quốc) - Đến Việt Nam vào năm 2003 trong dự án khảo cổ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), nhà khảo cổ học người Ý Federico Barocco sau đó chọn ở lại Hội An. Giờ đây, anh không chỉ nói và viết tiếng Việt thông thạo mà còn tự nhận mình là người Việt.

Với Federico Barocco, Hội An là duyên nợ, là quê hương thứ hai, bởi anh sinh sống ở đây đã hơn 10 năm. Không những thế, hai Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam), cùng với Trường Lũy (tỉnh Quảng Ngãi) còn nối dài giấc mơ khám phá những đền đài, di tích vốn hình thành trong anh từ thơ ấu.

Thành phố Hội An nhìn từ trên cao - nơi mà Federico Barocco xem là quê hương thứ hai.

Mỗi di tích là một kho tàng văn hóa

Người Hội An gọi ông Tây đến từ thủ đô Rome hoa lệ của Ý bằng cái tên thân mật Rico. Họ chỉ cho chúng tôi nhà hàng và cà phê Phố Chợ - Bazar của anh được mở từ năm 2009 trên đường Trần Phú - nơi hội tụ, giao thoa giữa ẩm thực châu Âu và ẩm thực Việt, đồng thời là nơi trưng bày 1.000 tác phẩm nghệ thuật bao gồm đồ nội thất cổ, tác phẩm điêu khắc bằng gỗ và đá, đồ gốm sứ, tranh vẽ, hàng dệt may dân tộc và thủ công mỹ nghệ, thậm chí cả hóa thạch thân cây, mà nhà khảo cổ học sinh năm 1975 này cất công sưu tập trong những năm tháng rong ruổi khắp các tỉnh, thành Việt Nam.

"Trong tiếng Anh, Bazar nghĩa là chợ ở phương Đông. Nhà hàng và cà phê Bazar nằm gần chợ vốn là một tiệm bánh cũ của người Hoa. Phố chợ Hội An có đủ âm thanh và sắc màu, nhưng không ồn ào, không xô bồ, mà luôn mang lại cảm giác yên bình, lắng đọng", Rico lý giải.

Federico Barocco (trái) tập huấn cho các học viên Trung tâm Giáo dục dạy nghề về trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa ở Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) năm 2018.

Hai năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, Rico không tham gia các dự án khảo cổ học nữa nên tập trung xây dựng Bazar thành một không gian trưng bày mà anh gọi nơi đây là "bảo tàng văn hóa", là "bức tranh sống động" của Hội An. Góc này là những hiện vật có từ thời Chămpa; góc kia là tác phẩm gốm sứ gắn với văn hóa của một vùng đất. Ngoài ra còn có cả những chiếc đèn hình lồng gà, lồng chim do chính Rico thiết kế để tạo nên kiểu dáng riêng cho Bazar.

Thật thú vị khi mâm cỗ ngày Tết cổ truyền ở mỗi vùng, miền đều khác nhau và cả phong tục đón năm mới âm lịch cũng có phần khác nhau. Nhưng điểm chung nhất của Tết Việt là sự sum vầy, đoàn viên của các thế hệ trong một gia đình. Đó là nét đẹp cần được gìn giữ trong dòng chảy tiếp biến văn hóa. Tôi yêu nền văn hóa của các bạn và tôi luôn xem mình là một công dân Việt Nam”

Federico Barocco

Rico bày tỏ: "Tôi muốn viết tiếp các dự án khảo cổ học mà mình từng tham gia ở Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Trường Lũy và dinh Đá Tượng (tỉnh Quảng Ngãi), hay các di tích Chăm ở Phú Yên bằng những câu chuyện thông qua các tác phẩm nghệ thuật như thế. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện văn hóa của vùng, miền, cũng như mỗi di tích ở đất nước các bạn là một kho tàng văn hóa cần được khám phá và gìn giữ".

Không những thế, Bazar còn là nơi diễn ra nhiều cuộc triển lãm tranh/ảnh, chương trình hòa nhạc, tạo thành không gian văn hóa dành cho những du khách đam mê hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, khảo cổ; qua đó góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa của Hội An nói riêng và dải đất miền Trung Việt Nam nói chung. Rico nói rằng, anh muốn Bazar là "một trong những gương mặt đẹp nhất của phố Hội".

Federico Barocco làm công tác khảo cổ tại Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Là người châu Âu nhưng trái tim ở Việt Nam

Yêu thích khảo cổ từ nhỏ, rồi tốt nghiệp Đại học Rome về Lịch sử Nghệ thuật và Khảo cổ học châu Á và Viễn Đông, Rico tham gia các dự án khảo cổ của UNESCO tại Lào, Myanmar, sau đó đến Việt Nam. Anh đã ăn, ngủ giữa lòng tháp Mỹ Sơn để cùng các đồng nghiệp khai quật, nghiên cứu những vết tích, di vật và góp phần trùng tu quần thể kiến trúc cổ Chămpa này. Anh say sưa khám phá và thấy thật thú vị khi mỗi đền tháp là một phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Anh nói rằng, công việc của những người làm công tác khảo cổ cũng giống như viết sách lịch sử và văn hóa, nghĩa là ngoài kiến thức thì phải luôn tỉ mỉ để bảo đảm tính chính xác nhất.

Trong những năm làm dự án ở Thánh địa Mỹ Sơn, Rico đã lần theo những dấu tích văn hóa để đến Hội An và yêu sự bình yên, trầm mặc của đô thị cổ này. Anh thích những con phố nho nhỏ, những mái nhà rêu phong, những bức tường vàng cổ kính, nhuốm màu thời gian và những chiếc đèn lồng vốn làm nên thương hiệu Hội An.

"Nhiều khi bạn không thể lý giải được tình yêu của mình dành cho ai đó, hay một điểm đến nào đó. Giờ đây, tôi thành công dân phố Hội rồi. Tôi là người châu Âu nhưng trái tim ở Việt Nam và Hội An. Sẽ mãi yêu Hội An như thế", Rico nói.

Federico Barocco (bìa phải) lý giải về những phát hiện trong quá trình làm công tác khảo cổ tại Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Theo thời gian, Rico có thêm những người bạn Việt Nam và cả những người bạn nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đến Hội An, cùng dành tình yêu đối với Di sản văn hóa thế giới này.

Năm 2015, Rico là một trong số ít người nước ngoài trở thành nhà nghiên cứu và cố vấn cho Viện Khảo cổ học Việt Nam (VAS) và Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ VHTTDL. Tình yêu khảo cổ học cùng văn hóa Việt đã thôi thúc nhà anh tham gia trong việc thành lập Trung tâm Giáo dục dạy nghề về trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa năm 2017, một dự án hợp tác giữa chính phủ Ý và Việt Nam.

Tháng 12/2020, Rico được Tổng thống Ý và Tổng lãnh sự Ý tại TPHCM trao tặng Huân chương tước hiệu Hiệp sĩ Ý vì những đóng góp cho văn hóa ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam.

Giờ đây, Rico thành thạo tiếng Việt nên khoảng cách và sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa với người dân địa phương không còn nữa. Anh có thể chuyện trò hàng giờ đồng hồ về tình yêu dành cho đất nước và con người Việt Nam. Anh còn viết hàng chục bài nghiên cứu bằng tiếng Việt và tiếng Anh về dự án trùng tu tháp G ở Mỹ Sơn, công tác khảo cổ ở Trường Lũy và dinh Đá Tượng, hay các di tích Chăm ở Phú Yên đăng trên các tạp chí của Việt Nam cũng như quốc tế.

Federico Barocco (phải) nhận Huân chương tước hiệu Hiệp sĩ do Tổng thống Ý và Tổng lãnh sự Ý trao tặng vào tháng 12/2020.

Rico hào hứng nói về Tết Việt, rằng anh đã quen thuộc các phong tục của người Việt trong ngày Tết, từ việc tiễn ông Táo lên chầu trời, đến lễ cúng tất niên, giao thừa, cúng đầu năm; làm các món bánh, mứt để chuẩn bị đón năm mới. "Thật thú vị khi mâm cỗ ngày Tết cổ truyền ở mỗi vùng, miền đều khác nhau và cả phong tục đón năm mới âm lịch cũng có phần khác nhau. Nhưng điểm chung nhất của Tết Việt là sự sum vầy, đoàn viên của các thế hệ trong một gia đình. Đó là nét đẹp cần được gìn giữ trong dòng chảy tiếp biến văn hóa. Tôi yêu nền văn hóa của các bạn và tôi luôn xem mình là một công dân Việt Nam", Rico bày tỏ.

Đức Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/nha-khao-co-hoc-nguoi-y-yeu-van-hoa-viet-20220127145624164.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY