Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhận biết 5 tình trạng đau nhức xương khớp thường gặp ở phụ nữ đang mang thai

Mang thai khiến cho phái nữ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, trong đó có cả tình trạng đau nhức xương khớp. Tuy không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng vẫn sẽ làm không ít mẹ bầu cảm thấy khó chịu. Hiện tượng đau nhức này thường diễn ra dưới 5 tình trạng sau đây.

Hiện tượng xương khớp đau nhức khi mang thai có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phần lớn là do sự rối loạn hormone trong cơ thể người mẹ gây ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp, từ đó khởi phát các cơn đau.

Bên cạnh đó, vị trí nằm của thai nhi, em bé phát triển và lớn dần vô tình tạo áp lực lên các cơ, xương, khớp của người mẹ cũng được xem là một nguyên nhân phổ biến cho tình trạng này.

Trong thời gian đang mang thai, người mẹ tăng cân quá nhanh cũng sẽ khiến cho các hệ khung xương - đặc biệt là vung xương mu, xương hông - bị căng thẳng nghiêm trọng, từ đó gây ra hiện tượng đau nhức xương khớp (Ảnh: Internet)

Sự thay đổi bất thường của cơ thể khi mang thai có thể khiến cơ thể người mẹ gặp nhiều đau nhức, nhưng cơn đau diễn ra nhiều nhất dưới 6 tình trạng sau đây.

1. Đau nhức thắt lưng dưới

Đau nhức vùng thắt lưng dưới được xem là dấu hiệu xương khớp phổ biến nhất mà các mẹ bầu thường hay trải qua. Đấy là khi em bé lớn dần, trọng tâm cơ thể người mẹ sẽ thay đổi (thường là thẳng lưng và ngả ra phía sau), phần lưng dưới sẽ phải chịu nhiều áp lực nhất dẫn đến các cơn đau nhức tại vùng này.

Ngoài ra, trong thai kỳ thì cơ thể người mẹ sẽ tiết ra nhiều hormone relaxin - có chức năng mở rộng khung vùng chậu để thai nhi đi qua dễ dàng hơn, nhưng lại vô tình làm mềm các dây chằng từ đó gây ra các cơn đau.

Tình trạng đau vùng thắt lưng dưới sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào 3 tháng cuối thai kỳ. Vì thế, các mẹ bầu hãy thường xuyên tập luyện các bài tập nhẹ nhàng, tăng cường sức mạnh ở lưng trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai để hạn chế cơn đau ở giai đoạn cuối. Tình trạng đau nhức này sẽ thuyên giảm sau khi sinh con (Ảnh: Internet)

2. Đau nhức ống cổ tay

Các sản phụ cũng sẽ cảm thấy bị đau nhức ống cổ tay liên tục khi mang thai, đì kèm với hiện tượng ngứa ran hoặc tê bì, đó là do các dây thần kinh giữa các ngón tay bị chèn ép quá mức. Tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn ở các những người bị tăng cân quá nhanh, hoặc do cơ thể giữ nước trong 3 tháng giữa thai kỳ. Tình trạng này cũng sẽ giảm đi sau khi sinh con. Nhưng nếu cảm thấy quá đau, mẹ bầu có thể điều trị bằng nẹp, chườm đá và hoặc tiêm cortisone theo chỉ định của bác sĩ.

3. Đau đùi dị cảm

Đau đùi dị cảm là cảm giác xuất hiện khi dây thần kinh bì đùi ngoài bị chèn ép gây ra các triệu chứng đặc trưng gồm ngứa ran, đau châm chích, tê bì đùi và cảm giác nóng rát ở má đùi ngoài. Khi mang thai, đa số mẹ bầu đều sẽ gặp phải tình trạng này. Đó là vì sự phát triển của thai nhi làm gia tăng áp lực lên dây thần kinh ở đùi. Giống như các bệnh xương khớp kể trên, chứng dị cảm cơ đùi thường sẽ tự khỏi sau sinh.

Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người mẹ có thể yêu cầu được tiêm cortisone để giúp giảm đau và viêm tạm thời (Ảnh: Internet)

4. Đau khớp xương chậu

Cũng giống như tình trạng đau thắt lưng dưới, khi cơ thể sản xuất một loại hormone có tên là relaxin sẽ làm các dây chằng vùng chậu mềm và giãn ra. Đây là một quá trình sinh lý bình thường, là sự chuẩn bị của cơ thể cho quá trình chuyển dạ sau này. Tuy nhiên, nó làm cho các khớp ở khung chậu mất ổn định, chuyển động không đồng đều. Thêm vào đó, thai nhi lớn dần lên trong tử cung, cùng với sự thay đổi tư thế đi đứng, càng tăng thêm áp lực lên khung chậu, gây ra đau xương chậu khi mang thai.

Đau xương chậu khi mang thai hoàn toàn có thể điều trị được, và mẹ bầu nên điều trị càng sớm càng tốt. Các biện pháp điều trị đau xương chậu khi mang thai có hiệu quả bao gồm vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, châm cứu, sử dụng đai hỗ trợ,... Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp mẹ bầu đạt kết quả tốt hơn.

5. Viêm xương mu

Xương mu là bộ phận kết nối với hai bên xương chậu. Xương này có thể bị viêm trong thai kỳ do sự tăng lên về kích thước và trọng lượng của thai nhi. Các dây chằng ở quanh khu vực này cũng có thể bị ảnh hưởng và gây đau bởi nội tiết tố thay đổi khiến cho các dây chằng giãn ra để chuẩn bị cho quá trình sinh nở thành công. Chườm đá, chườm nóng có thể giảm đáng kể tình trạng đau và viêm ở xương mu.

Nhìn chung, tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm. Khi cảm thấy quá đau, mẹ có thể liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ tiêm giảm đau. Tuy vậy, mẹ không nên chủ quan mà cần lắng nghe cơ thể. Nếu có bất kỳ điều gì bất thường, thai phụ cần đi khám bác sĩ nhanh chóng để đảm bảo sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé.

Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhan-biet-5-tinh-trang-dau-nhuc-xuong-khop-thuong-gap-o-phu-nu-dang-mang-thai-35460/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY