Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhận biết bệnh viêm phổi, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ

Viêm phổi là căn bệnh phổ biến rất thường gặp ở trẻ em. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng bệnh lý xảy ra khi bên trong phổi xuất hiện tình trạng nhiễm trùng, do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập sâu vào bên trong phổi, chúng sinh sôi, nảy nở và tạo thành các ổ nhiễm trùng.

Viêm phổi là tình trạng xuất hiện các ổ nhiễm trùng bên trong phổi

Đa số các trường hợp viêm phổi đều do virus gây ra, một số ít trường hợp do vi khuẩn hay các loại kí sinh trùng gây nên. Viêm phổi do virus gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu dựa vào chăm sóc và điều trị triệu chứng.

Vì thế cần phát hiện kịp thời và xử lý đúng cách để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh. Tránh tình trạng phát hiện muộn có thể dẫn tới những biến chứng rất nguy hiểm.

2. Vì sao trẻ bị viêm phổi?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ bị viêm phổi. Trong đó thường gặp nhất là do virus.

Những loại virus phổ biến gây viêm phổi là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, á cúm, Adenovirus.

Thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường là yếu tố thuận lợi để các loại virus sinh sôi và phát triển, vì thế đó cũng là lúc bệnh viêm phổi dễ bùng phát nhất.

Ngoài ra có nhiều loại vi khuẩn khác cũng gây viêm phổi. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn.

Bệnh viêm phổi cũng có thể xuất hiện sau một đợt ho hoặc cảm cúm. Khi đó, dịch nhầy tiết ra trong phổi vô tình trở thành nguồn dinh dưỡng hữu ích cho vi trùng.

Chỉ sau vài ngày, chúng có thể sinh sôi nhanh chóng, tấn công sâu vào phổi, tạo thành những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn, dẫn tới viêm phổi.

Bên cạnh đó, một số loại ký sinh trùng, nấm thường gặp là nấm Candida albicans gây tưa miệng cũng có thể gây viêm phế quản phổi.

3. Nhận biết những dấu hiệu viêm phổi ở trẻ

Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận thấy ở trẻ là tình trạng ho. Trẻ có thể ho vừa đến ho nặng, thường là ho nặng tiếng.

Để ý tới hơi thở của con, bạn sẽ thấy trẻ thở nhanh liên tục. Điều này khác với thở nhanh trong chốc lát khi trẻ sốt cao.

Nếu cảm giác con đang thở nhanh hơn, hãy đặt bé nằm yên trên giường, dùng một chiếc đồng hồ bấm giờ để đếm số nhịp thở của con trong một phút.

Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu trẻ thở trên 60 lần/phút là thở nhanh. Trẻ 2 tháng – 1 tuổi, trên 50 lần/phút và trẻ từ 1 tuổi trở lên trên 40 lần/phút.

Trẻ bị viêm phổi cũng có biểu hiện thở gắng sức. Có thể nhận biết thông qua quan sát. Cánh mũi trẻ phập phồng, khi thở có tiếng rên khẽ, co kéo cơ liên sườn, co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.

Rút lõm lồng ngực là biểu hiện khi trẻ hít vào phần lồng ngực không phình ra mà lại bị lõm vào . Nguyên nhân là do cơ hoành phân cách ổ bụng và lồng ngực cũng tham gia vào quá trình thở.

Nếu trẻ có biểu hiện thở nhanh, thở gắng sức thì đó là phản ứng bù trừ của cơ thể do phổi hoạt động kém.

Tuy nhiên, cơ thể trẻ không thể gắng gượng được lâu, vì thế cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện để điều trị. Nếu không chữa trị kịp thời, có thể dẫn tới trẻ bị suy hô hấp, kiệt sức, thậm chí là ngừng thở.

Ho kèm theo sốt và thở nhanh là những biểu hiện chính của viêm phổi

Bên cạnh đó, trẻ bị viêm phổi cũng có những dấu hiệu khác như:

- Sốt vừa đến sốt cao

- Trẻ kêu đau ngực hoặc có biểu hiện vỗ tay vào ngực không chỉ khi ho mà cả giữa các cơn ho.

- Buồn nồn và nôn

- Môi và mặt tím tái do thiếu oxi

- Đôi khi trẻ có thể thở rít.

4. Làm sao để biết trẻ có bị viêm phổi không?

Để biết bé có bị viêm phổi không, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ những biểu hiện của con. Nếu bé có tất cả những biểu hiện trên thì khả năng rất cao là con đã bị viêm phổi và cần được điều trị sớm.

Nếu bé chỉ có 1 hoặc 2 biểu hiện thì nhiều khả năng trẻ không bị viêm phổi mà đang gặp một vấn đề khác.

Nếu trẻ có 3 dấu hiệu quan trọng nhất là ho, sốt, thở nhanh hoặc thở gắng sức thì khả năng trẻ bị viêm phổi cũng rất cao.

5. Khi nào trẻ cần đến gặp bác sĩ khẩn cấp

Nếu trẻ có tất cả các biểu hiện viêm phổi kể trên thì cần đưa con tới bệnh viện ngay trong ngày để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Trường hợp thấy bé có những biểu hiện viêm phổi kèm theo tím tái ở môi và mặt thì bé đang bị thiếu ôxy và cần phải cấp cứu ngay.

Trong mọi tình huống, cha mẹ đều cần theo dõi chặt chẽ biểu hiện của con để ứng phó kịp thời. Bởi bệnh viêm phổi ở trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ có diễn tiến bệnh rất nhanh. Nếu chậm trễ có thể dẫn tới nguy hiểm.

Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để điều trị kịp thời

6. Điều trị viêm phổi cho trẻ

- Sử dụng kháng sinh:

Trong những trường hợp viêm phổi do vi khuẩn gây nên, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, kháng sinh không có tác dụng nếu viêm phổi do virus gây ra.

Vì thế, cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh cho con. Cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế để nắm rõ nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ. Từ đó có cách điều trị phù hợp nhất.

- Thuốc ho:

Ban ngày nếu trẻ không ho quá nhiều và không có biểu hiện mệt mỏi vì ho nhiều thì không cần thiết phải sử dụng thuốc ức chế cơn ho. Bởi ho cũng là phản xạ của cơ thể để đẩy dịch đờm bật ra ngoài. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê thêm thuốc long đờm để giúp làm loãng dịch nhầy kẹt lại trong phổi.

Ban đêm nếu trẻ ho quá nhiều, có thể dùng kết hợp thuốc ức chế cơn ho và thuốc long đờm. Trường hợp bé ho ít hoặc chỉ ho mức độ vừa phải thì cố gắng không dùng thuốc chống ho để đẩy nhanh dịch đờm ra khỏi phổi.

7. Chăm sóc cho trẻ bị viêm phổi

Để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, ngoài việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, thì cha mẹ có thể áp dụng thêm một số cách chăm sóc hỗ trợ cho bé.

- Hạ sốt cho trẻ:

Khi trẻ bị viêm phổi sẽ có biểu hiện sốt. Có thể sốt vừa đến sốt cao. Đây là một biểu hiện của cơ thể để kháng lại sự tấn công của virus, vi khuẩn.

Cha mẹ có thể hạ sốt cho con bằng cách chườm ấm tích cực. Thử nhiệt độ của nước chườm bằng cách nhúng cùi chỏ người lớn vào chậu nước, nếu cảm thấy đủ ấm là được.

Thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ thì sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

- Vỗ lưng long đờm cho trẻ:

Phương pháp vỗ lưng long đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, hỗ trợ làm long đờm trong phế quản và đào thải dịch đờm ra ngoài.

Việc thực hiện vỗ lưng nên tiến hành tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn ít nhất 1 giờ để tránh gây nôn.

Khi vỗ lưng, làm động tác khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép chặt vào ngón trỏ, vỗ vào bên trải rồi sang bên phải, mỗi khu vực vỗ từ 3-5 phút. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.

- Vệ sinh cho trẻ:

Giữ vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng cách sử dụng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn giấy ngay khi sử dụng.

Nếu dùng khăn xô để lau mũi cho trẻ thì cần chú ý giữ vệ sinh khăn xô, giặt khăn xô thường xuyên. Tránh dùng đi dùng lại khăn đã nhiễm bẩn để tránh virus, vi khuẩn từ khăn quay lại tấn công cơ thể bé.

Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Bên cạnh đó người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho bé.

- Chế độ ăn uống:

Cho trẻ ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu như cháo, súp...

Cho trẻ ăn theo nhu cầu, không ép trẻ ăn quá nhiều mà nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.

Có thể giảm ho cho trẻ bằng một số bài thuốc tự nhiên như quất hấp mật ong, lê hấp đường phèn, gừng, chanh đào mật ong...

8. Phòng tránh viêm phổi cho trẻ

- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ.

- Hạn chế đưa trẻ tới nơi tụ tập đông người, không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh để tránh lây bệnh.

- Nếu sử dụng điều hòa trong phòng không nên để nhiệt độ quá thấp để cơ thể trẻ thích ứng được.

- Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin như bạch hầu - ho gà - uốn ván, Hemophilus influenzae typ B (Hib), phế cầu, cúm…

- Phát hiện sớm các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở… và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân… để chăm sóc và điều trị kịp thời.

- Đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, đảm bảo thai nhi phát triển tốt, có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng như protid, lipid, các loại vitamin, muối khoáng…

Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhan-biet-benh-viem-phoi-nguyen-nhan-hang-dau-gay-tu-vong-o-tre-25593/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY