Sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 1982, hai nhà khoa học người Australia là B.J. Marshall và R. Warren đã nhận diện được vi khuẩn Helicobacter Pylori (Hp) và tìm thấy mối liên quan giữa loại vi khuẩn này với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Chính nhờ khám phá này mà hai ông đã được vinh danh bằng giải Nobel Y học năm 2005.
Khám phá quan trọng về khuẩn Hp không chỉ giúp tên tuổi hai nhà khoa học B.J. Marshall và R. Warren trở nên nổi tiếng, mà nó còn là tiền đề để ngành y học thế giới hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị một số bệnh về dạ dày và tá tràng phổ biến.
Ảnh minh họa |
Đường lây và dấu hiệu nhận biết vi khuẩn Hp
Vi khuẩn Hp lây chủ yếu qua 2 đường: Đường phân-miệng và đường miệng- miệng. Ngoài ra, vi khuẩn Hp còn có thể lây truyền từ người này sang người khác qua các dụng cụ y tế không được khử trùng sạch.
Do vậy, tỷ lệ người bị nhiễm vi khuẩn Hp luôn cao ở những nơi có dân cư đông đúc, môi trường sống chật hẹp, gia đình có nhiều thành viên, nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn… Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm Hp sẽ rất cao ở những gia đình có người đã bị viêm loét dạ dày nhiễm Hp...
Khi đã bị nhiễm vi khuẩn Hp, người bệnh sẽ có những biểu hiện liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản... Với các dấu hiệu và triệu chúng như: đau bụng kéo dài, đầy hơi, nôn, buồn nôn chán ăn, khó chịu, tức nặng vùng bụng... Cũng có khi người bệnh được phát hiện bị nhiễm Hp khi có các biến chứng như chảy máu đường tiêu hoá do viêm loét dạ dày, tá tràng, thực quản hoặc thậm chí ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó có rất nhiều trường hợp, người đã bị khi nhiễm vi khuẩn này không có những triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện do tình cờ khi đi thăm khám các bệnh khác.
Phòng khuẩn Hp lây nhiễm
- Cần vệ sinh sạch sẽ đồ dùng sinh hoạt, môi trường sống xung quanh.
- Đảm bảo vệ sinh nguồn nước sinh hoạt. Thức ăn phải được rửa sạch, nấu chín.
- Trong gia đình, nếu có người bị viêm dạ dày do Hp phải điều trị triệt để tránh lây lan cho các thành viên còn lại.
- Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân.
- Bỏ phong tục nhai mớm cơm cho con cháu. Vì nếu người đó mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thì trong nước bọt có chứa vi khuẩn Hp.
Bạn nên biết Để tiệt trừ vi khuẩn Hp, hiện có nhiều loại thuốc rất tốt và việc kết hợp các loại thuốc như amoxilin, clarithromyxin, methronidazole và omeprazole có tác dụng tiệt trừ vi khuẩn Hp cao. Nhưng bạn cần phải uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ điều trị. Vì hiện nay, hiện tượng kháng kháng sinh do dùng thuốc không đúng ngày càng phổ biến và gây khó khăn cho việc điều trị. |
BS CKII. Trần Văn Quang
(Giảng viên Trường Đại Học Y Hà Nội)
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: