Từ xe ngựa đến việc phát minh ra ô tô, tàu thủy và khinh khí cầu, lịch sử cho thấy sự thay đổi trong khả năng di chuyển của con người chỉ xảy ra khoảng một lần trong một thế kỷ. Và khoảng 100 năm sau khi Ford bắt đầu sản xuất hàng loạt mẫu xe Model T đầu tiên, nhân loại sắp chứng kiến một cuộc cách mạng di chuyển khác, theo Tomohiro Fukuzawa, cựu kỹ sư của Toyota và hiện là giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp SkyDrive. Công ty này đang lên kế hoạch triển khai dịch vụ taxi bay thương mại tại Nhật Bản vào năm 2023.
Tomohiro Fukuzawa dự đoán tới năm 2050, mọi người dân Nhật đều có thể bay tới bất kỳ địa điểm nào ở 23 khu phố của thủ đô trong 10 phút. Fukuzawa cho biết, theo nghiên cứu năm 2019 của Morgan Stanley, taxi bay có tiềm năng phát triển vô hạn, với nhu cầu toàn cầu dành cho xe bay cất hạ cánh thẳng đứng chạy điện (eVTOL) sẽ đạt 1,5 nghìn tỉ USD.
Rajeev Lalwani, nhà phân tích hàng đầu của Morgan Stanley về các hãng hàng không và máy bay, nói rằng thị trường cho loại hình phương tiện giao thông này “có thể bắt đầu như một tiện ích bổ sung hữu ích cho cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, tương tự như cách trực thăng hoạt động ngày nay”.
Mặc dù có hơn 100 dự án xe bay trên toàn cầu, bao gồm các công ty quốc tế lớn như Boeing, Airbus và Uber, nhưng phương tiện 2 chỗ ngồi có tên SD-XX của SkyDrive độc đáo ở chỗ nó là xe bay nhỏ nhất thế giới, có thể đậu vừa ở bãi đỗ của hai chiếc xe hơi thông thường. Một nguyên mẫu chạy bằng pin với cánh quạt được lắp đặt ở 4 góc, đã thực hiện chuyến bay có người lái ngoài trời đầu tiên của Nhật Bản hồi tháng 12.2019.
Mẫu eVTOL SD-XX cao 1,5 mét, dài 4 mét và rộng 3,5 mét. Với hình dáng giống máy bay không người lái lớn cỡ xe hơi, chiếc SD-XX sẽ bay thử nghiệm lần đầu tiên trong mùa hè năm nay. Các nhà phát triển cho biết, SD-XX có thể bay 100 km/h và tầm hoạt động vào khoảng vài chục cây số.
Theo Fukuzawa, phải đến cuối năm 2020, công ty mới có thể sản xuất eVTOLs chạy trên đường bình thường với tốc độ lên đến 60 km/h. Nhưng kích thước nhỏ và nhẹ của máy bay chạy bằng pin sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc thiết lập các điểm cất cánh, hạ cánh ở những vị trí thuận tiện.
Dự án này của SkyDrive đã thu hút hơn 100 nhà tài trợ bao gồm NEC, Panasonic và Yazaki để cung cấp tài chính, phụ tùng kỹ thuật và hỗ trợ nguồn nhân lực. SkyDrive đang hướng tới mục tiêu thương mại hóa dịch vụ taxi bay vào năm 2023 và bán một chiếc xe bay hoàn toàn tự hành cho người dân vào năm 2028.
Tomohiro Fukuzawa, giám đốc điều hành (trái) và Nobuo Kishi, giám đốc công nghệ của SkyDrive - Ảnh: The Japan Times
Trong một cuộc phỏng vấn với The Japan Times, Fukuzawa cho biết: “Chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận của chính phủ cho các chuyến bay trong một số trường hợp và địa điểm hạn chế. Trở ngại lớn nhất chính là việc xin cấp chứng chỉ cho các chuyến bay thương mại. Công ty đang xem xét triển khai dịch vụ này ở các thành phố lớn như Osaka hoặc Tokyo, với các chuyến bay đầu tiên trên biển vì sẽ rất rủi ro nếu đột ngột bay qua nhiều người”.
Theo Fukuzawa, mẫu xe đầu tiên sẽ bay tự động nhưng cần có phi công để điều khiển trong trường hợp khẩn cấp. Mục tiêu của công ty là bán ít nhất 100 chiếc xe bay vào năm 2028 với giá bán tương đương xe hơi hạng sang.
“Vì có một phi công nên chỉ một người có thể sử dụng dịch vụ tại một thời điểm. Chúng tôi mong muốn có 1.000 người được tận hưởng chuyến đi của dịch vụ vào năm 2024. Có nhiều dự án tương tự ở châu Âu và Mỹ, nhưng chúng tôi muốn sản xuất một chiếc xe bay mang lại cho người dùng cảm giác thoải mái, với chất lượng “Made in Japan”, Fukuzawa nói thêm.
SkyDrive có nguồn gốc từ Cartivator, một tổ chức được thành lập bởi những người làm việc trong các ngành ô tô và hàng không. Nghiên cứu của họ về ô tô bay bắt đầu vào tháng 1.2014.
Được biết, Nhật Bản đang trợ giúp các dự án ô tô bay và thúc đẩy thương mại hóa chúng. Mục tiêu cuối cùng của chính phủ Nhật Bản là sử dụng các thiết bị này để vận chuyển người dân ở các thành phố lớn, tránh ùn tắc giao thông và cung cấp phương thức vận tải mới cho các vùng núi, hải đảo xa xôi. Ngoài ra, taxi bay cũng có thể sử dụng trong trường hợp thiên tai và các trường hợp khẩn cấp khác.
Chủ đề liên quan: