Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhảy việc - bỗng dưng thấy… oải

Hết quay trái lại quay phải, hết nhìn sang ngang lại nhìn lên, công ty nào Lan cũng thấy hơn công ty mình, để rồi nhảy mãi mà cô vẫn thấy... sao “núi” mình thấp thế!

Ngày được nhận vào làm ở công ty truyền thông Lan phơi phới niềm vui và thấy mình thật may mắn. Nhưng sau khi có được vị trí có thể tạm “yên vị”, Lan bắt đầu thăm dò tình hình. Ngay cùng công ty, học cùng khoa với cô, ra trường cùng cô, trông chỉ được cái dễ nhìn hơn chút, vào công ty này sớm hơn cô hai tháng, vậy mà chả hiểu sao Nhung được cất nhắc làm thư ký của sếp. Lương thì cao gần gấp đôi cô, mà điều đáng nói là cô chả thấy nó làm được cái việc gì cho ra việc. Trong khi, Lan thì năng lực đâu đến nỗi, mới vào được hai tháng nhưng nhiều sự kiện cô được sếp khen vậy mà lương thì thấp, lại hay bị giao những việc lặt vặt.

Không những thế, đi cà phê cùng bạn bè, thấy mấy đứa kể chuyện công việc lương lậu bên công ty nó, Lan lại thấy thèm thuồng. Chả cần biết bạn bè làm cụ thể việc gì, chả cần biết công việc có vất vả hay không cứ nghe đến lương cao, chế độ tốt là cô đã thấy đáng mơ lắm rồi. Nhất là như cái Hương học cùng đại học với cô, ra trường Hương xin vào công ty xây dựng làm trái nghề, công việc không phải quá vất vả mà lương thì cứ gọi là gấp đôi gấp ba lương của cô.

Ảnh minh họa

Xôi hỏng, bỏng không

Trông đi lại trông lại, Lan bắt đầu thấy ngán ngẩm với công việc của mình, nhiệt huyết ban đầu chả biết đi đâu hết, trong đầu cô chỉ toàn là lương ai cao hơn, chế độ chỗ nào thoáng hơn. Theo cái đà ấy, Lan bắt đầu chểnh mảng công việc. Hàng ngày lên công ty cô chỉ chăm chăm kế hoạch săn các công ty “ngon nghẻ” hơn. Lan không biết, trong khi cô mải mê tìm kiếm, thì đồng nghiệp của cô đã “bỏ xa” cô từ lúc nào. Bởi tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” nên ở đâu Lan cũng không “trụ” được lâu.

Khi chưa vào được công ty nọ thì cô luôn thấy nó “bằng phẳng”, nó đáng để cô phấn đấu còn khi vào rồi chả mấy chốc cô lại thấy nó sao mà nhiều chỗ “lồi lõm” đến thế. Kết quả sau thời gian dài nhảy việc đến bốn, năm công ty, Lan chỉ có cái “quá trình công tác” ấn tượng, “phong phú” còn năng lực thì vẫn “dậm chân tại chỗ” và kinh nghiệm thì vẫn chỉ như thời cô mới ra trường.

Thành công hơn Lan, Huyền vốn đang là một tư vấn viên rất được ưu ái ở một văn phòng luật sư khá nổi tiếng nhưng cũng cố lo lót bằng được để có một chân trong phòng Tổ chức trên Tổng cục khá to ở Hà Nội. Những tưởng vào được cơ quan nhà nước vừa có chức có quyền lại có cơ hội thăng tiến nhưng có vào rồi mới biết.

Công việc ổn định thì có, lương cũng không quá tệ nhưng chuyện thăng tiến không đơn giản chỉ dựa vào năng lực như cơ chế ở văn phòng cũ của cô. Nếu ở văn phòng cũ chỉ với một lần “ghi điểm ngoạn mục” là cô có thể được thưởng đột xuất, được giao luôn vị trí quan trọng thì ở đây người ta có vẻ như chỉ cần người ngoan ngoãn, biết nghe lời chứ không cần phải giỏi.

Mà dù có năng lực tốt, nhưng thâm niên ít, bằng cấp mới thì cơ hội cũng còn ở xa. Nếu nó ở gần mà không “khéo” cư xử thì việc được cất nhắc cũng vẫn nằm trong “diện xem xét.” Vậy nên Huyền mới tiếc ngẩn ngơ, bởi sau một năm làm ở Tổng cục thì cô vẫn mới chỉ là công chức bình thường như bao nhân viên khác, chuyên môn, nghiệp vụ thì không tiến bộ được trong khi đồng nghiệp cũ của cô ở văn phòng luật sư đã lên chức trưởng, phó phòng.

Cảm ơn đã đến nhưng không hẹn gặp lại

Nhảy việc đang trở thành xu hướng chung của xã hội nhưng không phải ai cũng “nhảy trúng”, “nhảy đúng” như những gì họ nghĩ. Đại đa số người lao động nhảy việc thất bại bởi tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Họ thường chỉ chăm chăm nhìn vào mức lương cao mà không nghĩ cùng với mức lương ấy là công việc có thể có nhiều áp lực hơn, môi trường cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Hơn nữa, sai lầm ở chỗ họ đang bằng mọi cách để bỏ công ty cũ mà quên mất việc người tuyển dụng ở chỗ mới sẽ nghĩ gì về họ.

Thực tế cho thấy, nhà tuyển dụng sẽ không mấy “mặn mà” với những người đã từng nhảy đến ba, bốn công ty trong một năm hoặc nếu có thì vị trí bạn đảm nhận cũng không được như bạn mong muốn. Bởi, dù bạn có cầu tiến thì tinh thần ấy cũng dễ lung lay, dù bạn có nhiều kinh nghiệm nhưng lại là những kinh nghiệm chắp vá, không hoàn chỉnh, và dù bạn có nhiều thành tích thì họ cũng không thể không nghĩ đến cảnh một ngày kia bạn lại rời họ mà đi đến những chỗ cao sang hơn, hậu hĩnh hơn. Bạn nên nhớ, trong lúc bạn còn ngắm đi ngắm lại xem núi nào cao hơn thì nhà tuyển dụng đã biết có nên tin cậy và thu nhận bạn hay không rồi. Câu trả lời thường thấy của họ là: Cảm ơn đã đến nhưng không hẹn gặp lại.

Hãy cứ so sánh, hãy cứ kiếm tìm, hãy cứ tham vọng nhưng trước khi nghĩ đến những điều tốt đẹp ở “núi khác” bạn hãy quý trọng những cái tốt đẹp mà mình đang có để sau này ít nhất bạn cũng không phải trông lại chính cái “núi” mà mình đã từng tìm mọi cách để bỏ đi.

An Giang

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhay-viec--bong-dung-thay-oai-22460/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY