Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhiều người vẫn chủ quan với bệnh trào ngược dạ dày - nguồn cơn của ung thư thực quản

Thống kê từ Hội Nội khoa Việt Nam cho biết, đến hiện tại, nước ta có khoảng 7 triệu người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, hơn 60% trường hợp chủ quan không chịu thăm khám sớm, khiến bệnh trở nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Một trong số đó là ung thư thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản được xem là một bệnh lý phổ biến tại Việt Nam, và có tỷ lệ gia tăng hàng năm. Nhiều bác sĩ Nội khoa cho biết, có rất nhiều người thường chủ quan về căn bệnh này, cho rằng đây là một bệnh lý nhẹ nên không thường nắm rõ nguyên nhân, cách để nhận biết các triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh. Lâu dần, không điều trị bệnh kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng về hô hấp, hẹp thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản.

Nguyên nhân và các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Hiện tượng trào ngược dạ dày xảy ra khi dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản, được xem là một hiện tượng sinh lý bình thường sau khi ăn no, và dần trở thành một bệnh lý khi tần suất diễn ra thường xuyên hơn. 

Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng này: một là do cơ thắt thực quản bị suy yếu khiến các hoạt động tiết dịch của thực quản không còn hiệu quả. Hai là do dạ dày quá căng, quá trình làm rỗng dạ dày bị trì trệ hay bị rối loạn chức năng môn vị làm tăng tiết axit không kiểm soát.

Những biểu hiện thường thấy của tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sẽ bao gồm:

- Ợ nóng, ợ chua: đây được xem là triệu chứng chính của trào ngược thực quản. Người bệnh sẽ cảm giác nóng rát khó chịu lan từ vùng thượng vị lên phía sau xương ức, có thể lan ra cổ họng. Cảm giác này ngày càng khó chịu hơn nếu bạn nằm hoặc cúi xuống ngay sau khi ăn. 

Người bệnh còn có thể kèm thêm ợ chua và ợ thức ăn. Đó là lúc dịch dạ dày lên cao hết chiều dài thực quản kèm vị chua trong miệng (Ảnh: Internet)

- Nuốt khó, nuốt đau: Cảm giác thức ăn đang bị kẹt ở thực quản hay có đờm ở cổ. Nguyên nhân do acid dạ dày trào ngược lên nhiều và mạnh gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản.

- Khàn giọng, đau họng: Triệu chứng này dễ khiến chẩn đoán nhầm với viêm họng. Khàn giọng ở bệnh nhân bị trào ngược thực quản thường xảy ra vào sáng sớm, có thể hết vào trưa, chiều.

- Đau và tức vùng ngực: Người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ thường có cảm giác bị đè ép, thắt ở vùng sau xương ức lan ra lưng, cổ, hàm hoặc cánh tay, kéo dài vài phút đến hàng giờ, khiến người mắc thường xuyên cảm thấy bị đau tức vùng ngực.

Triệu chứng này thường xuất hiện sau ăn, nếu bạn stress các cơn đau tức còn nặng hơn. Cơn đau có thể tự hết hoặc dùng thuốc giảm tiết hoặc trung hòa axit (Ảnh: Internet)

- Nước bọt tiết nhiều hơn so với mức bình thường: đây là cách để trung hòa axit trào lên thực quản.

Những biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Khi trào ngược dạ dày xuất hiện với tần suất nhiều hơn và có các dấu hiệu ảnh hưởng sức khoẻ, đó là khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:

1. Có các vấn đề về hô hấp

Lượng axit dạ dày sẽ tràn vào đường hô hấp gây ra tình trạng nghẹt mũi, khàn tiếng, viêm họng ở giai đoạn đầu của bệnh. Nhưng lâu dần, tình trạng nghiêm trọng sẽ khiến người bệnh bị cả viêm xoang, hen suyễn, viêm thanh quản, viêm phế quản hoặc thậm chí là viêm phổi.

2. Hẹp thực quản 

Khi dịch dạ dày tràn lên thực quản nhiều và liên tục sẽ gây ra tình trạng phù nề, tổn thương niêm mạc thực quản, kéo dài dẫn đến loét, hẹp thực quản. Tình trạng này khiến cho người bệnh đau, chảy máu và khó khăn khi nuốt, nuốt đau, tức ngực. Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn gây nôn ói.

3. Barrett thực quản 

Đây là một tình trạng tiền ung thư trong đó lớp niêm mạc thực quản thay đổi, gần giống với lớp lót ruột hơn. Barrett thực quản khi xuất hiện sẽ làm giảm các triệu chứng ợ nóng, nhưng sẽ là nguồn cơn giúp thúc đẩy tình trạng ung thư thực quản diễn ra nhanh hơn.

4. Ung thư thực quản

Đây chính là biến chứng cuối cùng và nguy hiểm nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Ung thư thực quản gây ra nhiều đau đớn, chảy máu thực quản và khiến người bệnh bị sút cân nặng, da sạm và xuất hiện nhiều vết nhăn. 

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 7.000 ca ung thư thực quản. Đáng lo ngại là có nhiều người bệnh thường chủ quan không chịu chữa trị sớm và dứt điểm khiến tình trạng trở nặng, nên tỷ lệ có thể sống thêm 3 năm sau khi phát hiện ung thư là dưới 5% (Ảnh: Internet)

Áp dụng lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để phòng bệnh

Theo GS.TS Đào Văn Phan - nguyên Trưởng bộ môn Dược Lý, Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết, cách tốt nhất để phòng bệnh đó là áp dụng một lối sống lành mạnh, bao gồm:

1. Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc có tính axit.

2. Hạn chế đồ uống có cồn hoặc có gas.

3. Không ăn quá no và vận động ngay sau ăn.

4. Vận động thường xuyên để kiểm soát cân nặng. Đặc biệt, trường hợp thuộc nhóm thừa cân, béo phì phải giảm cân khoa học để phòng bệnh.

5. Bỏ thói quen hút thuốc lá (nếu có). 

6. Với trường hợp những người đang mắc bệnh, ngoài việc thực hiện tốt những điều trên thì cần phải kết hợp các loại thuốc ức chế bơm proton, trợ vận động tiêu hóa, thuốc ngăn ngừa và bảo vệ tổn thương thực quản.

Nhìn chung, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh hoặc chặn đứng các biến chứng nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (nếu đang mắc bệnh), bên cạnh việc áp dụng một lối sống khoa học, mỗi người khi phát hiện những biểu hiện bất thường của cơ thể như ợ chua, ợ nóng, đau rát ở vùng ngực thường xuyên thì hãy đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhieu-nguoi-van-chu-quan-voi-benh-trao-nguoc-da-day--nguon-con-cua-ung-thu-thuc-quan-35492/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY