Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT SSC (thứ nhất bên trái) cùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bà con vùng biên giới Tây Nam tại Lễ Khánh thành cầu Kênh 3 Xã, đây là 1 trong 6 chiếc cầu do SSC tài trợ cho Kiến Tường, Long An
Nghị quyết TW2 về “Đi tắt đón đầu khoa học công nghệ” vào những năm 90 của thế kỷ trước đã cụ thể hóa bằng Trung tâm Công nghệ Phần mềm TP. Hồ Chí Minh (Saigon Software Park – SSP, 123 Trương Định, Q. 3), khu phần mềm tập trung đầu tiên của Việt Nam được ra đời nhằm triển khai thí điểm Nghị quyết TW 2 theo sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 1997 – 2014. Cũng từ đó, các dự án như: Đà Nẵng Softech; Cần Thơ Software Park; Huế Software Park; Hải Phòng Software Park, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc … lần lượt ra đời.
Một trong những động thái mang tính mở đường chiến lược cho những Nhịp cầu nối những “bờ công nghệ” phát triển rõ nét nhất, đó là tinh thần hữu nghị hợp tác giữa TP. San Francisco và TP. Hồ Chí Minh theo thỏa thuận kết nghĩa được ký kết vào ngày 10/04/1995 giữa nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang và cựu Thị trưởng thành phố San Francisco Frank Jordan cho đến nay vẫn còn tiếp tục phát huy giá trị và đã trở thành cầu nối đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong kỷ nguyên 4.0 đang bùng nổ mãnh liệt. Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon, một Việt kiều Mỹ là người đặt nền móng để xây dựng chiếc cầu nối đôi bờ công nghệ Việt – Mỹ này và nó đã được ông đặt cho cái tên gắn liền với một thương hiệu mang tính biểu tượng, đó là Saigon Silicon City – SSC.
Đ/c Trương Tấn Sang, nguyên UV BCT, nguyên Chủ tịch Nước cùng Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Saigon Silicon City – SSC về các huyện biên giới Tây Nam khảo sát chương trình an sinh xã hội
Trong kháng chiến, quân thù vẫn ngày đêm dội bom hòng phá hủy những chiếc cầu nối những bờ vui của dân tộc ta, chia cắt đất nước và sự chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Những chiến sỹ và nhân dân ta quyết hy sinh để giữ vững huyết mạch cho đến ngày giành thắng lợi cuối cùng.
Nhớ lắm những ca từ:
“Anh vào bộ đội làm cầu treo qua suối
Anh bắc cầu phao qua khúc sông sâu
Anh nối nhớ thương bằng những nhịp cầu
Và rồi:
Những chiếc cầu ngày đêm bom dội
Vẫn nguyên vẹn đứng bên lửa khói”
Ngày nay, những chiếc cầu thời công nghệ 4.0 cũng khó tránh khỏi là những mục tiêu đang nhắm tới của kẻ thù trong cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của chúng. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cảnh giác cao độ; bằng sự mưu trí sáng tạo và bản lĩnh lãnh đạo tài tình của Đảng ta, nhất định chúng ta sẽ không để mắc mưu kẻ thù, quyết đánh bại và đẩy lùi mọi cuộc tấn công phá hoại nhiều mặt của địch dưới mọi hình thức nhằm giữ vững và toàn vẹn những chiếc cầu nối những “bờ công nghệ” thời 4.0 như những chiếc cầu huyết mạch trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập tự do của dân tộc.