Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhịp tim đập quá nhanh hoặc quá chậm - đều là dấu hiệu bất thường cần phải cảnh giác

Các chuyên gia về tim mạch cho biết, nhịp tim đập từ 60 - 100 nhịp/ phút được đánh giá là ổn định. Vì thế, nếu nhịp tim của bạn bỗng đập quá nhanh như trên 120 nhịp/ phút hoặc quá chậm như dưới 50 nhịp/ phút, chứng tỏ sức khoẻ của bạn đang bất ổn, cần phải đề phòng.

Cụ thể, chúng ta sẽ đo lường được nhịp tim nhờ vào số lần co bóp hoặc đập của tim mỗi phút. Các chuyên gia tim mạch cũng chia sẻ thêm, dù nhịp tim của mỗi người là khác nhau do tác động của nhiều yếu tố như: thể chất, tinh thần, hoặc tình trạng sức khoẻ. Tuy nhiên, sự khác biệt ấy giữa những người bình thường sẽ không có sai lệch quá lớn so với mức tim đập tiêu chuẩn. 

Bên cạnh đó, việc đo lường nhịp tim tuy không phải là yếu tố duy nhất giúp ta “bắt bệnh”, nhưng được xem là cơ sở để nhận định và phát hiện nhanh những bất thường trong cơ thể. Ví dụ, khi nhịp tim của bạn vốn đang đập bình thường bỗng dưng lại xuất hiện tình trạng đập quá nhanh hoặc quá chậm, chứng minh sức khoẻ và cơ thể đang có dấu hiệu bất ổn, có thể là dấu hiệu của nhiều dạng bệnh lý khác nhau.

Các bệnh lý có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh

1. Nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch

Nếu bạn phát hiện tình trạng tim đập nhanh kèm theo các triệu chứng khác như đau tức ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, thường có cảm giác hồi hộp thì rất có tể đó là dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch như thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, hoặc nguy hiểm hơn là suy tim.

Tình trạng này dễ thấy nhất ở những người đang mắc các bệnh lý mãn tính, hoặc đang trong tình trạng thừa cân, stress, rối loạn lo âu, và có thói quen ăn uống - sinh hoạt thiếu lành mạnh. Mọi yếu tố trên có thể khiến việc co bóp tim bị mất ổn định vì nguy cơ tắc nghẽn mạch máu khiến lưu lượng máu đến tim bị giảm, và tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp tống máu. Từ đó làm giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cơ tim, nhiều trường hợp dẫn đến loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. 

Nếu bạn đã cố gắng ổn định nhịp tim nhưng tình trạng vẫn không thay đổi trong một thời gian dài, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời (Ảnh: Internet)

2. Cường giáp

Cường giáp là dạng bệnh về nội tiết khá phổ biến và thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp ở cổ tăng cường hoạt động quá mức cần thiết. Một khi nồng độ các hormone giáp tăng cao sẽ khiến nhịp tim đập nhanh kể cả lúc nghỉ, nhịp đập có thể lên đến 110 - 120 nhịp/ phút.

Bên cạnh triệu chứng tim đập nhanh, bạn có thể xác định bệnh cường giáp thông qua các triệu chứng khác bao gồm đổ mồ hôi, mệt mỏi, sút cân, thường xuyên đi tiêu phân lỏng, có thể có bướu cổ, lồi mắt.

3. Căng thẳng kéo dài , rối loạn lo âu

Khi cảm thấy lo lắng hay hoảng loạn, tim sẽ đập nhanh hơn để bơm máu nhiều hơn cho cơ thể. Đây được xem là cơ chế giúp cơ thể phản ứng nhanh và chiến đấu chống lại mối đe dọa.

Tuy nhiên, nếu tình trạng hồi hộp, tim đập nhanh kéo dài vô cớ, kèm theo lo lắng dễ giật mình, luôn cảm thấy bất an và thường có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, có thể bạn đang bị tình trạng rối loạn lo âu (Ảnh: Internet)

Các bệnh lý có thể gây ra tình trạng tim đập chậm

1. Bệnh mạch vành

Tổn thương mạch vành có thể khiến lượng máu cung cấp cho nút xoang nhĩ không đủ, làm chức năng của nút xoang nhĩ bị thoái hóa, gây tắc nghẽn dẫn truyền máu và làm tim đập chậm lại. Ngoài ra, lượng máu cung cấp đến các nhánh nút nhĩ thất không đủ cũng có thể khiến tim đập chậm.

2. Suy giáp

Ngược lại với tình trạng cường giáp, suy giáp khởi phát khi cơ thể bị thiếu hụt hormone tuyến giáp. Bạn có thể chẩn đoán bệnh cường giáp bằng các đặc điểm lâm sàng như giọng nói chậm khàn, da khô và nồng độ các hormone tuyến giáp thấp.

Và một trong những triệu chứng về tim phổ biến nhất của bệnh suy giáp là nhịp tim chậm, vì nhịp tim được điều biến bởi hormone tuyến giáp, do đó trong bệnh suy giáp, nhịp tim thường chậm hơn 10-20 nhịp mỗi phút so với bình thường.

3. Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng này sẽ gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ bằng việc gây ra những đợt ngưng thở từ 10 - 30 giây trong khi ngủ, có thể kéo dài tới hơn 1 phút khiến hạ huyết áp. Khi này, não và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận được đủ máu và oxy để hoạt động bình thường và gây ra một số triệu chứng bất ổn, trong đó có nhịp tim đập chậm. 

Để chống lại tình trạng này, cơ thể lúc này sẽ phản ứng với tình trạng giảm đột ngột độ bão hòa oxy bằng những cơn thức giấc ngắn để bệnh nhân có thể thở trở lại giúp nhịp tim đập nhanh hơn, gia tăng huyết áp (Ảnh: Internet)

Nhìn chung, tình trạng tim đập nhanh hoặc chậm bất thường đều có thể dấu hiệu, và cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, ta cần kiểm tra kịp thời để phát hiện ra vấn đề và điều trị càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, muốn có một trái tim khỏe mạnh, hãy ổn định cảm xúc, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý. Duy trì nhịp tim trong phạm vi bình thường có thể phòng tránh nguy cơ bị đột tử một cách hiệu quả.

Xem thêm: Rùng mình ớn lạnh bất kể thời tiết ấm áp, hãy cẩn thận với 6 nguyên do sau đây

                              Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhip-tim-dap-qua-nhanh-hoac-qua-cham--deu-la-dau-hieu-bat-thuong-can-phai-canh-giac-35083/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY