Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những dấu hiệu giúp nhận biết cơ thể đang thiếu hụt vitamin, cần bổ sung ngay

Vitamin đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng và các chất thiết yếu, giúp cơ thể phát triển. Nếu một ngày, cơ thể bạn bỗng xuất hiện các dấu hiệu sau đây thì nên chú ý, nó có thể là lời cảnh báo về tình trạng thiếu hụt vitamin nghiêm trọng, cần bổ sung ngay.

Theo y văn, vitamin là những chất hữu cơ giúp duy trì sức khỏe và có vai trò trong việc điều hành chức năng của các cơ quan. Có 13 loại vitamin khác nhau, bao gồm: Vitamin A, C, D, E, K, B1, B2, B3 (PP), B5, B6, B12, Folacin (B9) và biotin (B8).

Các vitamin này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người, từ việc tham gia cấu tạo tế bào, điều hòa hoạt động của tim và hệ thần kinh cho đến các hoạt động như tăng cường thị lực của mắt, tham gia chuyển hóa thức ăn thành năng lượng,... đều có sự có mặt của vitamin. 

Nếu cơ thể bị thiếu vitamin lâu ngày, sức khỏe sẽ suy yếu và phát sinh bệnh tật (Ảnh: Internet)

Bởi vì cơ thể không có cơ chế tự sản sinh và tổng hợp ra các vitamin nên việc bổ sung thông qua các thực phẩm hàng ngày là cực kỳ quan trọng. Khi cơ thể không nhận đủ lượng vitamin như yêu cầu sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo, cụ thể là với các dấu hiệu như dưới đây. 

Những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt vitamin

1. Tình trạng loét, lở miệng

Nếu gặp phải tình trạng nhiệt miệng dẫn đến lở, loét miệng hoặc môi thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu hụt các vitamin nhóm B, cụ thể là B2 và B3. Ngoài ra, khi thiếu các vitamin C thì đề kháng của cơ thể cũng suy yếu, gây mệt mỏi và tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn xâm nhập vào khoang miệng, gây nên một số bệnh về răng miệng và trong đó cũng có tình trạng lở, loét như trên,

Để giải quyết tình trạng này, việc cần làm đó là bổ sung ngày các vitamin còn thiếu thông qua thực phẩm hằng ngày. Bạn có thể tìm thấy dễ dàng các vitamin B2, B3 ở các loại rau màu xanh thẫm, thịt, cá, trứng, hoặc các loại ngũ cốc nguyên cám. Vitamin C thì thường có nhiều trong các loại trái cây có màu sáng, vị chua như: cam, chanh, bưởi, táo,...

2. Cảm thấy chán ăn, mệt mỏi

Bạn bỗng cảm thấy mệt mỏi và chán ăn mà không biết nguyên nhân vì sao, cũng không thấy có biểu hiện của đau ốm gì thì nhiều khả năng là đang thiếu hụt các nhóm vitamin B, phổ biến nhất là B1. Tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra ở trẻ em - nhóm tuổi đang hoàn thiện về thể chất và trí não.

Các loại vitamin nhóm B nói chung đều có tác dụng trong quá trình sản xuất và cung cấp năng lượng cho cơ thể, cũng như giúp trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong tế bào. Không những vậy, các loại vitamin nhóm B còn góp phần vào điều hòa tâm sinh lý, giúp chống lại những tác động tiêu cực tới tâm trạng như: mệt mỏi, ủ rũ, buồn ngủ và căng thẳng.

Do đó, mỗi người - đặc biệt là nhóm trẻ em nếu cảm thấy chán ăn, hay uể oải và ủ rũ thì nên bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin B1, thường được tìm thấy ở các loại thực phẩm như: cá hồi, gan, bánh mì nguyên cám, các loại đậu và hạt,...(Ảnh: Internet)

3. Mụn mọc nhiều

Cơ thể bị thiếu vitamin A được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mụn mọc nhiều, nhất là ở các khu vực như má hoặc cằm. Vì vitamin A có khả năng chống lại những tác động của Propionibacterium acnes (P. acnes) - vi khuẩn gây mụn trứng cá. Sự thiếu hụt loại vitamin này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển trên da của chúng ta, tạo ra mụn.

Do vậy, để phòng ngừa và trị mụn hiệu quả, mỗi người nên bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin A vào chế độ ăn như: gan, các loại cá béo, bông cải xanh, khoai lang, cam, cà rốt, bí đỏ, dưa hấu, mơ, xoài, ngũ cốc, chế phẩm từ sữa,...

4. Ngứa hoặc tê bì các đầu chi

Tình trạng ngứa hoặc tê bì các đầu chi có thể bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu hụt vitamin B12. Khi cơ thể thiếu vitamin B12 sẽ dẫn đến sự suy giảm chất myelin (là một lớp cách điện hình thành xung quanh các dây thần kinh, bao gồm cả những dây thần kinh trong não và tủy sống. Nó được tạo thành từ các chất protein và chất béo). Điều này dẫn đến tổn thương thần kinh và gây ra các vấn đề như bị tê hoặc ngứa ran ở ngón hoặc bàn tay và bàn chân.

Để thoát khỏi tình trạng khó chịu, “ngứa mà chẳng thể gãi” này, bạn nên bổ sung măng tây, rau bina, các loại rau có lá xanh đậm, trứng và hải sản nhiều hơn vào bữa ăn hàng ngày của mình.

5. Rụng tóc

Có nhiều nghiên cứu được tiến hành và nhận thấy rằng, tình trạng rụng tóc xảy ra nhiều hơn ở những người bổ sung vitamin D ít hơn cho cơ thể. Điều này có thể lý giải rằng vitamin D được các tế bào sừng chuyển hóa trong da, mà loại tế bào này có nhiệm vụ xử lý keratin - loại protein có trong tóc, móng tay và da. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin D, các tế bào sừng trong nang tóc sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sự phát triển cũng như sự rụng của tóc.

Để bổ sung vitamin D, bạn có thể tăng cường các loại thực phẩm như sữa, phô mai, sữa chua, dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, quả bơ,…

Ngoài ra, tắm nắng là biện pháp tổng hợp vitamin D hữu hiệu nhờ tác dụng của ánh nắng mặt trời lên da. Vì vậy, mỗi người - đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tắm nắng 10 phút mỗi ngày vào lúc sáng sớm, 2 - 3 lần/ tuần để hấp thu tối đa vitamin D tự nhiên (Ảnh: Internet)

6. Hay chảy máu mũi

Tình trạng chảy máu mũi được xem là dấu hiệu phổ biến ở những người bị thiếu vitamin K. Đơn giản là vì nhóm vitamin này có vai trò đặc biệt trong quá trình điều chỉnh sự đông đặc của máu, rất cần thiết cho sự hỗ trợ đông máu của cơ thể. Bên cạnh đó, vitamin K còn hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong hệ thống mạch máu. Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin K nghiêm trọng, máu sẽ không thể tự đông được, dẫn đến xuất huyết - cụ thể là tình trạng chảy máu cam như trên.

Hãy bổ sung những thực phẩm giàu vitamin K vào thực đơn hằng ngày như: Cải xoăn, cải bó xôi, bông cải xanh,... để giải quyết tình trạng này.

Khi bắt gắp cơ thể bỗng xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị thiếu hụt vitamin như trên, bạn có thể khắc phục bằng cách bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm cần thiết vào bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp chế độ ăn uống không đáp ứng đủ lượng vitamin khiến các hiện tượng trên kéo dài thì bạn nên đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, bạn không nên tự ý bổ sung các loại vitamin tổng hợp mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Xem thêm:  Cánh tay và đùi của những người thiếu ngủ thường béo hơn, đặc biệt là ở phụ nữ

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-dau-hieu-giup-nhan-biet-co-the-dang-thieu-hut-vitamin-can-bo-sung-ngay-35704/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY