Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những điều cần biết để thai kỳ khỏe mạnh

Mang thai là niềm hạnh phúc lớn đối với mọi phụ nữ. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai bạn cũng sẽ gặp phải rất nhiều những khó khăn, đặc biệt là những người mang thai lần đầu. Vậy phải lưu ý những điều gì để có một thai kỳ khỏe mạnh

Một số triệu chứng khi mang thai

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi bạn có thai đó là bị chậm kinh hoặc mất kinh. Khi nhận thấy dấu hiệu này, bạn nên đến nhà thuốc gần nhất và sử dụng que thử thai để xác định có mang thai hay không.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, khi mang thai lần đầu, bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng như cảm xúc thay đổi, hay bị buồn nôn, thèm một số loại đồ ăn nhất định,...

Trong 3 tháng dầu, bạn cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng mất ngủ và những cơn nghén. Lí do khiến bạn mất ngủ là thường xuyên buồn tiểu vào ban đêm, do tử cung chưa được đẩy lên xương chậu nên gây áp lực lên bàng quang. Tình trạng này sẽ biến mất khi bạn bước vào tam cá nguyệt thứ hai.

Một số dấu mốc quan trọng

Khi đã xác định mang thai, bạn nên nắm rõ được một số thông tin cơ bản về thai kỳ để có kế hoạch thăm khám, kiểm tra hợp lý.

Ngày thứ 92: Bạn nên đi siêu âm để thấy được những thay đổi đặc biệt ở xương của bé.

Ngày thứ 93: Đây là thời điểm não của thai nhi phát triển mạnh.

Ngày thứ 94: Tai em của bé đã phát triển hoàn thiện nhưng vẫn chưa nghe được tiếng động.

Ngày thứ 95: Trong giai đoạn này, các chi của em bé đã tạm ổn, nhưng vẫn chưa phân định được giới tính khi siêu âm.

Ngày thứ 96: Đầu em bé đã tròn hơn lúc trước, hàm và cổ bắt đầu dài ra.

Ngày thứ 97: Dây nhau vẫn giữ vị trí thẳng để tránh trường hơp bị rối sẽ dẫn đến tắc nghẽn đường truyển đến em bé.

Ngày thứ 98: Những bộ phận trên cơ thể thai nhi đã gần như hoàn thiện.

Ảnh minh họa

Những điều nên làm

Các mẹ bầu cần phải nắm được những điều cần lưu ý sau khi mang thai nên làm để có được một thai kỳ khỏe mạnh:

1. Dinh dưỡng

Theo các bác sĩ, phụ nữ có thai nên bổ sung 400-800 microgam axit folic mỗi ngày suốt thời kỳ mang thai. Bổ sung đủ axit folic sẽ làm giảm nguy cơ trẻ dị tật bẩm sinh.

Bổ sung đầy đủ các nhóm chất tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất trong quá trình thai kỳ. Một số loại thực phẩm được các bác sĩ khuyên ăn là:

- Bánh mì (loại làm từ bột mì thô), ngô, yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt.

- Thịt bò, cá cung cấp nhiều đạm và omega-3.

- Các loại rau củ quả đặc biệt là rau chân vịt, cải bó xôi, súp lơ xanh chứa nhiều axit folic.

- Các loại trái cây có nhiều múi như cam, quýt, bưởi có hàm lượng lớn vitamin C giúp tăng sức đề kháng, giảm bớt sự khó chịu của những cơn ốm nghén.

Ảnh minh họa

- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc.

Bạn nên lưu ý về việc bổ sung tinh bột, cân bằng lượng tinh bột bổ sung vào cơ thể hằng ngày, bởi vì tinh bột có tốc độ chuyển hóa sang mỡ rất nhanh. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn cá ngừ, cá mập, cá thu lớn, cá kiếm… vì chúng có hàm lượng thủy ngân rất cao, không tốt cho thai nhi.

2. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi và vận động

Khi mang thai, bạn phải lưu ý tránh xa những môi trường độc hại, không làm những việc nặng nhọc đòi hỏi phải cúi nhiều hoặc đứng lâu.

Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và dành khoảng 30 phút cho giấc nghỉ trưa, không thức quá khuya. Khi nằm ngủ, bạn nên nằm ngủ nghiêng về phía bên trái sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng cho bạn cũng như em bé và giúp tránh bị phù nề. Sử dụng gối giữa 2 chân và dưới bụng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Nên vận động thường xuyên, các hoạt động vừa giúp tinh thần thoái mái vừa giúp lưu thông máu. Những bài tập thể dục hợp lý cho bà bầu là bơi lội, đi bộ, yoga,...

3. Kiểm tra sức khỏe

Trong suốt quá trình mang thai, bạn nên gặp các bác sĩ thường xuyên để theo dõi thai kỳ cũng như xác định một số tình huống xấu có thể xảy ra để có biện pháp kịp thời.

Bạn nên hỏi bác sĩ của mình trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc thảo dược, nếu chưa được hướng dẫn rõ ràng đều có thể gây hại cho em bé của bạn.

Với những mẹ bầu mang thai lần đầu nếu mắc một số loại bệnh có thể tác động xấu trực tiếp tới sức thể thể chất và sự phát triển tâm lý của thai nhi. Phụ nữ mang thai thường bị cúm và có thể phải cần đến bệnh viện điều trị, vì thế bạn nên tiêm phòng cúm để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến thai nhi. Không nên tiêm các loại vaccine với virus hay vi khuẩn sống vì có thể không tốt cho sức khỏe cả hai mẹ con.

Nếu bị tiểu đường, bạn nên kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu bạn bị huyết áp cao, phải theo dõi thật chặt chẽ.

Thông thường, nếu mang thai, màu máu kinh nguyệt thường có xu hướng nâu nâu hoặc hồng hơn so với màu đỏ thường thấy.

Cân nặng hợp lý trong thai kỳ phụ thuộc vào chỉ số cơ thể BMI trước khi mang thai. Nếu bạn thừa cân trước khi có thai, thì nên tiêu thụ ít calo mỗi ngày hơn một người bình thường. Phải hiểu đúng những gì em bé cần, không nên mang tâm lý ăn thật nhiều, ăn cho hai người.

4. Một số lưu ý khác

Khi tiếp xúc với thịt sống hoặc đi vệ sinh, bạn nên rửa tay thật kĩ.

Khi đi ô tô, hãy luôn luôn thắt dây an toàn. Nên để dây đeo dưới bụng và trên hông của bạn. Dây đeo vai nên để giữa ngực và vòng sang bên bụng. Đảm bảo rằng nó phải vừa khít.

Những điều không nên làm

Dưới đây là những điều lưu ý khi mang thai mà các mẹ bầu cần phải tránh để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi.

- Đặc biệt tránh xa thuốc lá. Hút thuốc trong thời kỳ mang thai sẽ truyền chất nicotin và chất gây ung thư cho thai nhi. Nó cũng sẽ làm cho bé không hấp thu được các dưỡng chất cần thiết và tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh.

- Không sử dụng rượu và các chất kích thích, gây nghiện trong quá trình mang thai.

- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại và hóa chất, đặc biệt là dung môi tẩy rửa, chì, thủy ngân, một số loại thuốc trừ sâu và sơn.

- Các thực phẩm khi đưa vào cơ thể phải có nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh đúng cách.

- Không nên tắm quá nóng, sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc tắm hơi. Nhiệt độ cao có thể gây hại cho thai nhi.

- Không nên sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm. Phụ nữ mang thai nên tránh dùng bình xịt mùi thơm, dùng băng vệ sinh có mùi thơm và tắm bằng xà phòng bọt. Những sản phẩm này có thể gây kích ứng vùng âm đạo của bạn, và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng nấm men.

- Không thụt rửa âm đạo vì có thể gây kích thích âm đạo, đẩy không khí vào ống sinh và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Tránh tiếp xúc với động vật gặm nhấm, phân, nước tiểu, và vật liệu làm tổ của chúng. Động vật gặm nhấm bao gồm các loài sâu bọ, kí sinh trùng ở trong nhà và các loài động vật gặm nhấm, chẳng hạn chuột nhà và chuột đồng. Những loài gặm nhấm có thể mang vi rút gây hại hoặc thậm chí gây tử vong cho em bé trong bụng bạn.

- Tránh chụp X-quang. Nếu bạn phải khám nha khoa hoặc làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn nên thông báo rằng bạn đang mang thai để nhận sự chăm sóc hỗ trợ.

Hi vọng với các lưu ý trên, bạn sẽ tự tin và dễ dàng hơn trong quá trình chăm sóc thai kỳ và chào đón một em bé khỏe mạnh.

Quỳnh Như

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-dieu-can-biet-de-thai-ky-khoe-manh-24323/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY