Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những loại thực phẩm chứa độc tố mà bạn nên cẩn trọng khi chế biến

Có rất nhiều loại thực phẩm mà hằng ngày chúng ta vẫn đang vô tư sử dụng mà quên đi rằng, những thực phẩm này cũng chứa độc tố, thậm chí có thể có khả năng gây tử vong.

Độc tố từ mật cá trắm

Mật cá trắm với lời đồn truyền miệng rằng uống sống sẽ tăng cường sức khỏe, thế là có người uống.

Khỏe đâu chưa thấy nhưng người uống có thể phải đưa đi cấp cứu. Trong mật cá có một chất alcol steroid là 5 a cyprinol, chất này sau khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận gây ra suy gan và suy thận cấp.

Triệu chứng xuất hiện 1 - 2 giờ sau khi uống mật cá: người bệnh thấy khó chịu, đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy, 1 ngày sau thấy đái ít dần rồi vô niệu, có thể phù hai chân, đau đầu, tăng huyết áp, vàng da nhẹ, dần tới suy thận, suy gan và có thể tử vong nếu không đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện để lọc máu.

Vậy từ nay, bạn nhớ rằng không bao giờ uống hoặc để cho người thân của bạn uống mật cá trắm.

Độc tố có trong nấm

Trên thực tế, có rất nhiều loại nấm: có loại nấm lành và có loại độc, ai không may ăn phải nấm độc sẽ phải học bài học cuối cùng. Nấm độc thường có ở rừng bắt đầu vào mùa mưa hoặc nấm dại mọc ở ven đường.

Nấm độc được chia làm 2 nhóm: nhóm nấm xuất hiện triệu chứng ngộ độc sớm trước 6 giờ sau khi ăn, điển hình là nấm amanita muscaria, anipantherina, nấm đỏ hay nấm mặt trời.

Người bị ngộ độc có triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật cơ, đau cơ, ảo giác… thường không gây tử vong. Nhóm nấm độc lực cao, gây tử vong cao, điển hình là nấm amanita phalloides, A. ocreata, A. verna...

Người bị ngộ độc có các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi ăn nấm từ 6 - 24 giờ hoặc 48 giờ sau với các biều hiện: buồn nôn, nôn, cơn đau quặn bụng, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu vàng thẫm, vàng mắt, suy gan và suy thận cấp. Nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vì vậy, bạn chỉ nên mua và ăn những loại nấm mà bạn biết chắc chắn là ăn được. Không bao giờ bạn mua hay ăn nấm lạ để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.

Khoai tây mọc mầm

Khoai tây mọc mầm chứa solanine, một loại glyco-alkaloid đắng và độc, có tính gây mê.

Ngoài ra, lá và thân cây khoai tây có hàm lượng glycoalkaloid tự nhiên cao. Khi khoai tây có màu xanh tức là hàm lượng solanine đạt mức có nguy cơ gây nguy hiểm. Vì vậy, không nên ăn phần củ có màu xanh. Solanine cũng tạo vị đắng cho khoai tây sau khi nấu chín.

Ăn với lượng ít, solanine và alpha-chaconine trong khoai tây gây những vấn đề ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngộ độc nặng hơn, bạn mê sảng, tê liệt, chậm chạp, đau bụng, giảm khả năng nhìn và nôn. Hàm lượng lớn solanine trong cơ thể có thể dẫn đến tử vong.

Cà chua xanh

Giống như khoai tây, cà chua xanh chứa chất độc solanine, gây ngộ độc. Các triệu chứng phổ biến sau khi ăn cà chua xanh là đau đầu chóng mặt, nôn ói... Các chuyên gia khuyến cáo nên bỏ hạt cà chua khi chế biến. Ăn cà chua sống không tốt cho sức khỏe.

Độc tố trong măng

Xyanua là chất gây độc trong măng. Một nghiên cứu trên 3 loại măng cho thấy: măng trắng (được bào từ củ măng), măng trắng ngâm nước nửa ngày, khi đó, măng đã ra nước hơi chua và măng vàng là măng đã qua luộc và ngâm nước bán trên thị trường đều có hàm lượng xyanua rất đáng lo ngại.

Chất xyanua có sẵn trong măng sẽ giảm dần khi tiếp xúc với nước. Nhưng đối với măng chua, trong quá trình ngâm, chất xyanua có thể kết hợp với một số enzym hoặc kết hợp với một số chất trong ruột người gây ngộ độc cấp tính. Do đó, khi chế biến măng, bạn nên làm theo kinh nghiệm dân gian là rửa kỹ, ngâm măng trong nước nhiều giờ và luộc qua 1 - 2 lần trước khi ăn để tránh bị ngộ độc.

Củ ấu

Củ ấu tàu, còn gọi là củ gấu tàu, là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam.Ô đầu được xếp vào loại thuốc rất độc (bảng A).Độc tố có trong ô đầu là aconitin. Độc tính của aconitin rất mạnh, chỉ cần một liều từ 0,02 - 0,05mg cho 1kg thể trọng là có thể gây tử vong.

Trong Đông y, ấu tầu được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức, tê mỏi chân tay. Thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, theo chỉ định và có sự theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Tây y dùng làm thuốc ho, chữa chứng ra mồ hôi nhiều.

Nguy cơ bị ngộ độc khi uống rượu ngâm củ ấu tầu (chỉ dùng để xoa bóp), khi dùng quá liều chỉ định của thầy thuốc, khi ăn những thức ăn có củ ấu tầu chế biến chưa đúng cách.

Sau khi ăn, aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng như tê miệng lưỡi, nói khó, tê mỏi chân tay, chuột rút, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn,tiêu chảy, nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim và nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.

Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tầu, có thể gây nôn nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi xử trí. Tuyệt đối không nên giữ bệnh nhân ở nhà điều trị bằng các thuốc chữa rõ nguồn gốc vì như thế rất nguy hiểm do bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do liệt cơ hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

Thịt cóc

Theo quan niệm dân gian, thịt cóc rất bổ dưỡng, được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc... Tuy nhiên, trong cơ thể cóc có chứa nhiều chất độc trong đó chất độc chủ yếu là bufotoxin.

Chất này có rất nhiều trong nhựa, da, gan, trứng cóc nên khi làm thịt cóc, chỉ một lượng nhỏ bufotoxin dính vào thịt, người ăn phải là có thể bị ngộ độc. Các biểu hiện của ngộ độc cóc bao gồm khó chịu, mệt mỏi, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn… nhưng nguy hiểm nhất là rối loạn nhịp tim. Nặng hơn nữa bệnh nhân có thể trụy mạch, tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Đề phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc: Tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nhưng nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc.

Củ sắn

Sắn cung cấp nhiều tinh bột, song các chuyên gia cảnh báo nó sẽ gây hại đến sức khỏe nếu không biết cách chế biến. Sắn sống chứa glucosides cyanogenic kích thích sản xuất chất hydrogen cyanide rất độc. Nếu một người ăn 150 đến 300 gram sắn sống, nó có thể gây ngộ độc và thậm chí tử vong.

Trước khi chế biến nên lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt). Khi luộc mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng nên bỏ đi. Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit trong sắn.

Cá nóc

Cá nóc là một loài cá sống nhiều tại vùng biển một số nước như Việt Nam, Nhật Bản… Chất độc chính trong cá nóc là chất tetrodotoxin.Chất này có mặt trong hầu hết các bộ phận của cá nóc nhưng hàm lượng rất cao trong trứng, ruột, gan, phần thịt bụng cá và tetrodotoxin cũng tăng lên gấp nhiều lần vào mùa cá sinh sản. Tetrodotoxin có đặc tính bền vững với nhiệt độ cao nên không bị phân hủy khi nấu chín vì vậy khi ăn cá nóc đã nấu kỹ vẫn có thể bị ngộ độc.

Triệu chứng ngộ độc cá nóc xuất hiện sau khi ăn cá khoảng 2 - 3 giờ, có thể sớm hơn nếu ăn khi dạ dày trống khi đói, ăn một lượng cá lớn có nhiều chất độc hoặc uống kèm rượu bia… Ban đầu, bệnh nhân thấy tê bì miệng, lưỡi, đầu chi, cảm giác kiến bò, dị cảm, buồn nôn, nôn, hoa mắt chóng mặt sau đó xuất hiện đồng tử giãn, yếu cơ, liệt cơ và sẽ tử vong nhanh chóng do chất độc gây liệt cơ hô hấp. Mức độ nặng nhẹ của ngộ độc phụ thuộc lượng độc chất có trong từng loại cá, vào thời điểm ăn cá nóc (cá nóc có nhiều độc tố hơn ở mùa sinh sản), bệnh nhân ăn nhiều hay ít cũng như ăn khi đói, no hoặc có kèm rượu bia hay không.

Hiện việc điều trị ngộ độc cá nóc vẫn chỉ dừng ở mức xử lý triệu chứng, chưa có chất kháng độc đặc hiệu với tetrodotoxin nên để phòng tránh ngộ độc cá nóc tốt nhất là không nên ăn chúng khi chưa rõ độc tính. Trường hợp không may bị ngộ độc, nên tiến hành các biện pháp sơ cứu như gây nôn sau đó chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tích cực.

Rau mầm

Các loại rau mầm có thể chứa vi khuẩn có hại như E. coli, Salmonella và Listeria. Rau mầm được trồng trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp, nơi những vi khuẩn này phát triển mạnh. Vì vậy, nếu ăn rau mầm sống sẽ rất dễ bị ngộ độc.

Nếu bạn ăn rau mầm, hãy chọn những loại rau có nguồn gốc đảm bảo, rửa sạch sẽ và đặc biệt phải nấu chín.

Rau chân vịt

Mọi người đều biết rau chân vịt có chứa rất nhiều axit oxalic. Khi ở trong ruột loại axit này sẽ kết hợp với canxi hình thành oxalat canxi. Nó sẽ gây cản trở việc hấp thụ canxi của cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt canxi.

Do vậy rau chân vịt bắt buộc phải nấu chín để loại bỏ bớt axit oxalic để không cản trở việc hấp thụ canxi. Khi được nấu chín, ăn rau chân vịt sẽ hấp thụ nhiều sắt, canxi và magie hơn.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-loai-thuc-pham-chua-doc-to-ma-ban-nen-can-trong-khi-che-bien-27226/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY