Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những lưu ý khi dùng nước mát giải nhiệt

Với thời tiết nóng bức và oi ả như hiện nay, được thưởng thức một cốc nước mát có thể nói là một thú vui nhẹ nhàng và là một cách tuyệt vời để bạn giải nhiệt. Tuy nhiên, vẫn có những lưu ý và chống chỉ định cho việc sử dụng loại thức uống có thành phần dược tính này.

Có lẽ nước mát hay loại nước được nấu từ những cây cỏ theo công thức dân gian không còn xa lạ già với người Việt. Và vào những ngày nắng nóng như hiện nay, nhiều người lại càng ưa chuộng loại thức uống ngon ngọt và giải nhiệt này hơn

Nồi nước mát thường gồm những nguyên liệu tươi với 3 khúc mía lau, một ít rễ cỏ tranh, cây ngò già có hạt (cây mùi), lá dứa thơm, râu bắp, mã đề, bọ mắm (thuốc dòi), cây lẻ bạn, đường phèn, một ít muối.

Để nấu nước mát tại nhà, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và ngâm nước, rửa cho sạch đất, cuốn lại thành bó hoặc có thể cắt khúc. Mía lau đập dập. Tất cả cho vào nồi, cho nước, một chút muối, đường phèn và nấu chung với nhau. Đun lửa lớn đến khi sôi thì đun lửa nhỏ trong 20-30 phút. Sau đó lọc bỏ xác, lấy nước dùng uống trong ngày hoặc 1-2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Loại thức uống này phổ biến không chỉ bởi sự vị thanh ngọt mà còn với công dụng tiêu trừ cảm giác bứt rứt trong người, miệng khô, ra mồ hôi trộm, giúp cơ thể tăng lọc, đưa các chất cặn bã có hại ra ngoài, làm mát, lợi tiểu… Những công dụng ấy trong Đông y gọi là thanh nhiệt. Tuy nhiên, vì đây là công thức dân gian và có khá nhiều các nguyên liệu có dược tính, nhiều người chưa hiểu được tác dụng của từng loại cây thuốc nên chế rất dễ mắc những sai lầm trong việc chế biến, dẫn đến giảm công dụng của loại nước này.

1. Cây mía lau

Mía lau là loại thuốc dân gian có thể hỗ trợ trị hôi miệng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, táo bón… trừ những ngươi ho do phong hàn (ho kèm đờm màu trắng) thì không nên dùng mía lau.

Đặc biệt khi chọn mua mía lau, cần lựa chọn mía còn tươi mới, nếu mía mốc, có mùi rượu là mía đã bị axit hóa, nếu ăn vào có thể bị ngộ độc.

2. Rễ cỏ tranh

Rễ cỏ tranh có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thanh phế nhiệt, chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu... Lưu ý vì cây có tính hàn nên người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng.

3. Lá dứa

Là dứa thường được dùng làm chất thơm, chất tạo màu cho thực phẩm như nấu bánh chưng, làm kẹo bánh, làm mứt dừa, rau câu… Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá dứa có khả năng ức chế tế bào ung thư vú.

Tuy nhiên, dùng lượng lớn lá dứa hằng ngày có thể gây hạ đường huyết.

4. Mã đề

Dân gian thường dùng lá mã đề làm rau ăn và thân làm thuốc. Mã đề thường được dùng để chữa tiểu rắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lỵ, nhức mắt, đau mắt đỏ nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu, trị mụn nhọt…

Uống nước sắc mã đề giúp lượng nước tiểu tăng, trong nước tiểu lượng ure, axit uric và muối đều tăng. Nước sắc mã đề có tác dụng trừ đờm, tác dụng này kéo dài 6-7 giờ, mạnh nhất sau khi uống 3-6 giờ. Mã đề còn có tác dụng ức chế đối với một số vi trùng bệnh ngoài da.

5. Râu bắp

Uống nước râu bắp hàng ngày có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột dễ dàng, ngoài ra còn làm hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông.

Sử dụng thường xuyên nước luộc râu bắp cho người sỏi thận hay sỏi bàng quang, niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.

Lưu ý khi uống nước mát

Nước mát có công dụng thanh nhiệt và giải độc cơ thể rất tốt. Tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng có thể sử dụng loại nước này và cũng không nên uống quá nhiều.

Đặc biệt, với những người mắc bệnh mãn tính càng phải cân nhắc hơn trước khi quyết định uống nước mát, do ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược dùng trong các loại nước mát có tác dụng lợi tiểu.

Tác dụng này một mặt hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, làm người dùng thoải mái nhưng mặt khác có thể có khả năng tương tác với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng và làm giảm tác dụng của thuốc đặc trị. Nguy hiểm hơn, nếu dùng nhiều hoặc dùng lâu dài, việc lợi tiểu sẽ gây mất nước và có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như Ca, K…

Những người có bệnh huyết áp, tiểu đường, thận, bệnh lao phổi... hoặc phụ nữ đang có thai, nếu dùng hàng ngày, liên tục, phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Trâm Khanh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-luu-y-khi-dung-nuoc-mat-giai-nhiet-23066/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY