Chuyên ngành hôm nay

Chuyên ngành

Những lưu ý về bệnh thông liên thất

Thông liên thất là một bệnh lý tim bẩm sinh với sự hình thành 1 lỗ giữa hai buồng tâm thất.

Thông liên thất đơn độc xuất hiện với tần suất khoảng 0,2 - 0,6% những đưa trẻ sinh ra và chiếm khoảng 20% các bệnh tim bẩm sinh. Nó là một trong những bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất.

Thông liên thất thường có thể đơn độc nhưng cũng có thể phối hợp với các tổn thương bẩm sinh khác như Fallot IV, kênh nhĩ thất toàn phần, đảo gốc động mạch lớn... Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến thông liên thất đơn độc. Bệnh lý này cũng được phát hiện từ rất lâu vào năm 1879 bởi BS. Roger nên trong y học vẫn còn sử dụng tên “Bệnh lý của Roger” đặt cho những tổn thương thông liên thất lỗ nhỏ không có triệu chứng. Từ năm 1958, hai tác giả Heath và Edwards đã mô tả 6 loại thay đổi dựa trên bệnh lý trên phổi của tổn thương thông liên thất để đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh và tiêu chuẩn này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Triệu chứng của bệnh lý này phụ thuộc rất nhiều vào kích thước và lưu lượng dòng chảy từ trái sang phải và ngược lại cũng như phụ thuộc vào mức độ trở kháng của mạch phổi. Tại Việt Nam, từ nhiều năm trước phẫu thuật vá lỗ thông liên thất đã giúp chữa khỏi cho khá nhiều bệnh nhân. Nhưng 15 năm trở lại đây, bít lỗ thông liên thất bằng dụng cụ đã trở nên phổ biến. Kỹ thuật bít thông liên thất mang thương hiệu Việt Nam cũng rất nổi tiếng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thông liên thất là bệnh lý tim bẩm sinh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của thông liên thất nặng thường xuất hiện ngay những tháng đầu, thậm chí trong những ngày đầu của trẻ mới sinh. Các triệu chứng thường thấy ở trẻ là khó thở hoặc thở nhanh, trẻ bỏ ăn hoặc ăn kém, trẻ nhanh mệt. Trẻ rất hay bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Nếu trẻ có những triệu chứng này, bạn nên cho trẻ đến khám bác sĩ.

Tuy nhiên, rất nhiều trẻ sẽ không có triệu chứng gì mà phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe. Một số chỉ phát hiện khi đã trưởng thành.

Thông liên thất thường gây ra tiếng thổi ở tim và khi đi khám bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện ra khi nghe tiếng thổi này. Khi phát hiện tiếng thổi, các bác sĩ sẽ thường gửi đi làm các xét nghiệm để chẩn đoán như điện tâm đồ, siêu âm tim, Xquang tim phổi, đo độ bão hòa ôxy, một số trường hợp có thể phải làm thông tim để chẩn đoán. Thông tim cũng có thể mang lại những thông tin quyết định việc có hay không phẫu thuật bít lỗ thông liên thất.

Bình thường, tâm thất trái sẽ chỉ bơm máu đi nuôi cơ thể còn tâm thất phải sẽ chỉ bơm máu lên phổi. Khi có một lỗ thông giữa hai tâm thất này (thông liên thất) một số lớn lượng máu mang ôxy sẽ từ bên trái chạy qua bên phải. Lượng máu lớn từ trái sang bên phải sẽ làm cho quả tim phải bóp mạnh hơn làm giãn các buồng tim trái như nhĩ trái và tâm thất trái. Lượng máu lớn hơn lên phổi qua thời gian cũng làm cho tăng áp động mạch phổi.

Một số trường hợp lỗ thông liên thất nằm ngay dưới van động mạch chủ sẽ làm cho van này bị yếu. Điểm yếu thường nằm ở xoang Valsava của động mạch chủ và có thể gây thủng van này làm bệnh nhân thường phải phẫu thuật cấp cứu.

Lỗ thông liên thất cũng làm cho dễ gây tổn thương nội tâm mạc của tim nên những bệnh nhân này dễ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hơn người bình thường.

Rối loạn nhịp cũng hay gặp trên bệnh nhân có lỗ thông liên thất. Rối loạn này có thể gặp như cơn nhịp nhanh hoặc nhịp tim chậm. Một số bệnh nhân phẫu thuật hoặc can thiệp bít lỗ thông cũng có thể gây ra nhịp chậm.

Nếu lỗ thông liên thất nhỏ, chúng ta sẽ không cần phải điều trị bất cứ Thu*c hay biện pháp gì. Một số trẻ có lỗ thông liên thất nhỏ, có thể tự bít lại khi trẻ lớn dần lên.

Nếu lỗ thông lớn, phẫu thuật có thể chỉ định để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Phẫu thuật có thể phải tiến hành sớm ngay trong vài tháng đầu hoặc có thể trì hoãn tùy thuộc vào triệu chứng của trẻ. Điều này bạn nên nghe theo chỉ định của các bác sĩ. Khi phẫu thuật cho trẻ bị thông liên thất, bác sĩ thường dùng một tấm patch hoặc vá bằng màng tim của trẻ. Phẫu thuật vá lỗ thông liên thất là một phẫu thuật khá an toàn. Một số lỗ thông liên thất có thể bít được qua đường ống thông qua da.

Một số bệnh nhân thông liên thất đến muộn, có thể có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi nhiều, thậm chí có tình trạng đảo chiều dòng máu ngược lại từ phải sang trái sẽ không có chỉ định phẫu thuật hay bít qua ống thông. Những trường hợp này có thể phải dùng Thu*c với tiên lượng hạn chế.

Đa phần thông liên thất lỗ nhỏ hoặc đã phẫu thuật không phải sử dụng Thu*c. Một số trường hợp bệnh nhân bị suy tim hoặc tăng áp động mạch phổi nhiều sẽ phải dùng Thu*c. Những Thu*c hay kê cho bệnh nhân thông liên thất như sau:

Thu*c làm giảm lượng dịch trong hệ tuần hoàn và trong phổi. Thu*c hay dùng là lợi tiểu như furosemide (lasix).

Thu*c làm giảm áp lực động mạch phổi như các Thu*c nhóm nitrat, sildenafil bosentan, ambrisentan, illoprost...

Thu*c làm giảm nhịp tim như chẹn bêta: metoprolol (bêtaloc), propranolol (Inderal); digoxin...

Nếu lỗ thông liên thất nhỏ, có thể tự theo dõi và đến khám bác sĩ 6 tháng/1 lần. Nếu lỗ thông nhỏ hoặc sau phẫu thuật, không cần thiết phải có chú ý gì quá đặc biệt và có thể hoạt động hoàn toàn bình thường. Nếu có suy tim hoặc tăng áp động mạch phổi thời gian đến khám bác sĩ thường sớm hơn.

Do nguy cơ viêm nội tâm mạc nên khi làm các thủ thuật răng miệng nên dùng kháng sinh để dự phòng.

Với phụ nữ lứa tuổi mang thai, nếu lỗ thông liên thất nhỏ và không có tăng áp động mạch phổi, nguy cơ khi mang thai là rất thấp. Kể cả khi có tăng áp động mạch phổi, bệnh nhân thông liên thất khi mang thai có thể mang thai, nhưng trước khi có thai nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ của mẹ và em bé.

TS.BS. Phạm Như Hùng (Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-ve-benh-thong-lien-that-n154177.html)

Chủ đề liên quan:

bệnh thông liên thất

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY