Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những phương pháp chữa bệnh không chứng cứ trong nhi khoa

Trong y khoa, chỉ có loại thuốc có hiệu quả và không hiệu quả. Và cách tốt nhất để phân loại chúng là bằng các nghiên cứu khoa học - không phải bằng cách tham gia các diễn đàn trên internet hoặc nói chuyện với bạn bè, Tiến sĩ Paul Offit trong cuốn sách của ông có tên Bạn có tin vào phép màu

Ảnh minh họa

Không nên chữa vàng da bằng cách tắm nắng

Bệnh vàng da rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Vàng da sinh lý thường xuất hiện ngày thứ 2-3 sau sinh, vàng nhạt và không kèm bất kỳ triệu chứng nào khác. Bệnh chỉ thoáng qua rồi tự khỏi (trong vòng một tuần ở trẻ đủ tháng và 2 tuần ở trẻ non tháng).

Trong khi đó, vàng da bệnh lý lại có thể khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, vàng da bệnh lý sẽ được chữa lành hoàn toàn. Chiếu đèn là biện pháp an toàn, hiệu quả, luôn được chọn lựa đầu tiên.

Vậy còn việc phơi nắng thì sao? Đây có phải là liệu pháp tốt cho bệnh vàng da? Trong thông báo "Kiểm soát bệnh vàng da của trẻ sơ sinh, thai nhi 35 tuần hoặc hơn trong thời kỳ thai nghén" của Viện Nhi Khoa Mỹ khẳng định rằng việc phơi nắng là không nên.

Tuy nhiên, kết luận này có vẻ như không cản được một số bác sĩ nhi khoa khuyên phụ huynh dùng liệu pháp đó. Phơi nắng có cơ sở sinh lí học nhất định, tuy nhiên phơi nắng để chữa bệnh vàng da thì lại không có một cơ sở thực tế nào.

Theo Viện nhi khoa của Mỹ: "Khi bạn phơi nắng để chữa bệnh vàng da, cũng có nghĩa là bạn phơi con bạn dưới tia cực tím và tia cực đỏ. Ngay cả khi ngăn cách bởi một lớp cửa cũng không cản được các tia UV có thể gây tổn hại đối với da của con bạn”.

Cho trẻ bú sữa mẹ là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giúp giảm lượng bilirubin trong máu trẻ sơ sinh. Vì trong sữa mẹ có chứa vài loại dưỡng chất quan trọng giúp các cơ quan chức năng của cơ thể trẻ phát triển.

Trong trường hợp trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:

Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.

Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

Ảnh minh họa

Đau bụng ở trẻ sơ sinh

Chứng đau bụng sơ sinh là thuật ngữ y khoa sử dụng khi trẻ khóc nhiều hơn bình thường mà không có lý do rõ ràng trong 3 tháng đầu đời.

Bình thường trẻ sơ sinh khóc khoảng 2 tiếng/ngày. Trẻ bị chứng đau bụng thường khóc nhiều hơn 3 tiếng/ngày và hơn 3 ngày/tuần. Cơn đau bụng thường khởi phát đột ngột và xảy ra vào buổi tối. Lúc đó, bé sẽ có các biểu hiện sau: đột nhiên co chân vào phía bụng, bé cáu gắt, mặt bé tái đi, rồi đột ngột đỏ lên kèm theo tiếng khóc thét. Tuy nhiên, thường tất cả những em bé sẽ vượt qua bệnh đau bụng khi chúng đạt đến độ 3 đến 4 tháng tuổi.

Vì lo lắng, nhiều phụ huynh đã thử từ phương pháp chữa trị này đến phương pháp chữa trị khác, trong đó phổ biến nhất là cho trẻ uống men ruột, nắn xương, massage, đổi sữa bột, kiêng cữ ở bà mẹ đang cho con bú, cho uống trà làm từ cây thì là và hạt thì là.

Một nghiên cứu xuất bản vào năm 2011 đăng trên tờ Pediatrics mang tên "Những chất dinh dưỡng thay thế và những loại thuốc bổ sung cho chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh: Một cái nhìn có hệ thống" đã kết luận rằng: "Bất kì hình thức của thuốc bổ sung hay thay thế cho chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh thường không có bằng chứng từ những cuộc thử nghiệm khoa học”.

Theo Scott Gavura, một nhà dược sĩ học tại Canada, "phương pháp ngăn chặn bệnh đau bụng tốt và hiệu quả nhất vẫn là con đường thời gian". Cũng theo ông, mặc dù đôi khi bệnh đau bụng được đổ lỗi cho vấn đề hệ tiêu hoá hoặc là dị ứng sữa bột, nhưng đa phần nó chỉ là quá trình phát triển bình thường mà một số trẻ phải trải qua. Nhiều chuyên gia mô tả nó như là một cách để trẻ giải toả bớt căng thẳng.

Phương pháp giúp bé thư giãn khi bé quấy dai dẳng là: trò chuyện với bé, hướng mặt của bé vào mặt của mẹ, tiếp đến, có thể ca hát hoặc đu đưa để bé dễ chịu (cho dù chỉ là tạm thời). Nhiều bé bị đau bụng thích được nằm sấp và được cha mẹ massage ở lưng trong một khoảng thời gian ngắn. Âm nhạc êm dịu cũng có tác dụng chốc lát hoặc bạn có thể bế bé đi chơi. Cho bé bú hoặc ngậm núm vú giả. Bế trẻ ở những vị trí yêu thích sẽ làm giảm cơn đau bụng ở trẻ.

Đặc biệt, nếu thấy da và niêm mạc bé tái nhợt, nôn nhiều, nôn ra nước hoặc máu, đau bụng kèm theo sốt, cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Không cho ăn, uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì cho đến khi được khám.

Hạ Uyên

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-phuong-phap-chua-benh-khong-chung-cu-trong-nhi-khoa-21186/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY