Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những phương pháp đơn giản giúp giảm sưng đau, trung hòa nọc độc khi bị ong đốt

Khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người.

Nọc độc của ong có thể gây chết người

Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này có nghĩa là chỉ một con ong cũng có thể làm chết người.

Sau khi bị ong đốt, người bệnh có thể có các biểu hiện: Đầu tiên, bệnh nhân nổi mề đay, ngứa, sau đó là sốc phản vệ, khó thở, phù nề thanh quản, đớ lưỡi; Tiếp theo, có thể suy hô hấp, phù nề các phế nang, nôn, tụt huyết áp, tiêu chảy. Do không đi tiểu được nên cơ thể bị ứ nước, urê không thải ra ngoài và thận không làm việc dẫn đến suy thận cấp.

Trong các loại nọc ong, nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất. Sau khi đốt xong, chúng không để lại vòi như ong mật nên không chết ngay mà có thể đốt thêm nhiều người nữa.

Nhiều trường hợp đi nương hoặc ở nhà đột nhiên do vô tình bị ong đốt, trong trường hợp này, chớ chủ quan xem thường. Không hiếm trường hợp do bị ong đốt không xử lý kịp thời và đúng cách dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng, nhất là với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa.

Khi bị ong đốt, chúng ta có thể tự sơ cứu tại nhà trước khi đến cơ sở y tế:

Đá lạnh

Bỏ viên đá vào khăn hoặc miếng vải, chườm lên vết sưng ít nhất 20 phút. Điều này sẽ làm giảm lưu lượng máu và sưng, đồng thời đá lạnh sẽ làm tê khu vực bị đốt giúp bạn cảm thấy ít đau hơn.

Kem đánh răng

Khi bị ong đốt, bôi kem đánh răng lên vết đốt sẽ ngay lập tức làm dịu cơn đau và sưng. Bên cạnh đó, nó giúp trung hòa nọc độc của ngòi ong. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn hãy giữ kem đánh răng lên vết thương trong gần 30 phút.

Mật ong

Bôi mật ong trong 30 phút sẽ giúp làm giảm cơn đau và khiến cơ thể cảm thấy nhẹ nhõm. Tuy nhiên, không sử dụng mật ong nếu bạn bị dị ứng.

Tinh dầu oải hương

Thoa một vài giọt tinh dầu hoa oải hương lên vùng da bị ong chích giúp ngăn chặn vết thương sưng tấy, giảm đau nhức. Nếu không có tinh dầu hoa oải hương, bạn có thể pha loãng bất cứ loại tinh dầu trung tính nào đó và bôi vào da tương tự.

Baking soda

Một ít bột nở (baking soda) với nước giúp trung hòa nọc độc của ong và giảm đau, ngứa, sưng. Thoa một lớp dày bột nở lên vùng bị ong đốt và băng lại. Để vậy trong vòng 15 phút.

Hoặc có thể sử dụng hỗn hợp với baking soda và giấm, bôi hỗn hơp này lên vết thương và để trong vòng 30 phút. Cách làm này ngoài việc giảm sưng tấy thì còn giúp trung hòa các chất axit trong nọc ong.

Sử dụng một số phương pháp dân gian sau đây:

- Lấy 1 đóa hoa tươi (bất kể hoa gì) xát vào chỗ bị đốt giúp cho giảm sưng ngay.

- Lấy rau dền vò nát xát vào chỗ ong đốt sẽ làm dịu đau buốt rất nhanh.

- Lấy lá hẹ giã nát đắp vào chỗ ong đốt giúp giảm sưng nề.

- Lấy 15 gram lá phù dung tươi, cho thêm 1 ít muối giã nát đắp vào vết ong đốt…

(lưu ý: các loại lá, hoa sử dụng phải rửa thật sạch để tránh bị nhiễm trùng)


Sau đây là một số cách phòng chống ong đốt hiệu quả, các bạn tham khảo nhé:

Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.

Không nên coi ong vào nhà hoặc làm tổ trong nhà là báo hiệu điều tốt lành.

Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc phòng. Vì ong dễ đến làm tổ.

Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình.

Nên phá ngay khi tổ ong mới xây, còn nhỏ, thường tháng thứ 3 – 4.

Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong, vì như vậy sẽ làm tiết ra chất báo động đàn ong bay tới. Cũng không nên chọc phá tổ ong nếu thấy không cần thiết và không đảm bảo an toàn.

Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động. Vì ong sẽ không nhìn thấy nữa.

Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng).

Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt. Nên đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín nếu có thể.

Uống chất kẽm: Những người hay bị ong hoặc muỗi chích thường không có đủ chất kẽm trong cơ thể. Bác sĩ George, chuyên khoa về dị ứng, xác nhận chuyện đó. Ông khuyên những người này nên uống chừng 60 mg chất kẽm (zinc) mỗi ngày, và tiếp tục không ngừng nếu không muốn bị ong hay muỗi chích.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-phuong-phap-don-gian-giup-giam-sung-dau-trung-hoa-noc-doc-khi-bi-ong-dot-27071/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY