Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những sai lầm khi dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản đồ ăn thừa trong dịp Tết

Để hạn chế những tác hại không đáng có mà màng bọc thực phẩm có thể mang lại cho sức khỏe, ngoài việc lựa chọn sản phẩm uy tín, bạn cần lưu ý tránh những điều sau đây:

Bọc thức ăn cho vào trong lò vi sóng

Hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng là một sai lầm tai hại. Bởi màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hóa học như Phthalates và DEHA khi gặp nhiệt độ cao sẽ khiến chúng tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm.

Dùng bọc thực phẩm với đồ ăn nóng, nhiều dầu mỡ

Một sai lầm nữa khi dùng màng bọc thực phẩm đó là bọc đồ ăn chín, đồ ăn nóng và những thực phẩm chứa dầu mỡ vì sau khi tiếp xúc với những thực phẩm này, thành phần hoá học chứa trong màng bọc sẽ dễ dàng phát huy, thâm nhập vào thực phẩm, gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dạ dày.

Dùng màng bọc thực phẩm bảo quản cà rốt, dưa leo, đậu đũa

Một nghiên cứu đã đưa ra thông tin: khi sử dụng màng bọc thực phẩm bảo quản cà rốt, dưa leo và đậu đũa sẽ làm chúng giảm lượng lớn Vitamin C.

Báo Gia Đình đưa tin sử dụng màng bọc thực phẩm sau 1 ngày, 100gram cà rốt giảm 3,4mg Vitamin C, đậu đũa 3,8mg, hàm lượng Vitamin C của dưa leo giảm tương đương với 5 quả táo tàu.

Tốt nhất, với các loại rau củ này, bạn không nên bọc bằng màng bọc thực phẩm, nếu có dùng thì nên chế biến càng sớm càng tốt để tránh hao hụt Vitamin C.

Dùng bảo quản thịt luộc và đồ ăn thừa

Những thực phẩm đã qua chế biến, có chứa hàm lượng mỡ, nhiều gia vị khi tiếp xúc với màng bảo quản thực phẩm sẽ khiến những thành phần hóa học từ màng bọc thẩm thấu vào thức ăn, tạo ra các phản ứng hóa học gây hại cho sức khỏe của bạn.

Cách bảo quản thực phẩm tươi ngon không dùng màng bọc:

Thực tế, khá nhiều người có thói quen dự trữ thực phẩm trong thủ lạnh và để quá lâu, ngoài việc không đảm bảo còn là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đồ ăn khác.

Để tránh trường hợp trên, nên tập thói quen xếp thực phẩm theo thứ tự thời gian dự trữ. Đồ ăn cũ hơn đem ra ngoài, đồ ăn mới đặt vào bên trong, hoặc nếu không nhớ được thời gian đặt thực phẩm vào tủ lạnh, bạn có thể dán một mảnh giấy nhỏ ghi lại thời gian trên vỏ hộp đựng.

Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, không nên để thức ăn dù đã nấu chín hay chưa nấu chín quá 4 ngày trong ngăn mát tủ lạnh, kể cả các loại trái cây và rau củ tươi sống. Đối với thức ăn để trong tủ đông thì phần lớn không nên để quá 3 tháng.

Lưu ý khi chọn màng bọc thực phẩm:

Việc lựa chọn và sử dụng đúng cách màng bọc thực phẩm để bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Điểm quan trọng nhất là người mua cần chú ý đến hướng dẫn sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất.

Khảo sát tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội có thể thấy mặt hàng màng bọc thực phẩm rất đa dạng, trong đó có một số loại được cảnh báo rõ trên bao bì là không sử dụng với lò vi sóng hoặc sản phẩm có chất béo trên bề mặt… Bao bì của những loại màng bọc thực phẩm này đều ghi rõ sản phẩm làm từ nhựa PE hay PVC.

Người tiêu dùng cũng nên chú trọng chọn loại màng bọc thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng có tên, địa chỉ của nhà sản xuất, đã được cơ quan chức năng chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm.

Theo Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, trên thị trường hiện nay có nhiều loại màng bọc thực phẩm với các chất liệu nhựa chủ yếu từ PVC và PE. Dấu hiệu chủ yếu để phân biệt một số loại màng bọc thực phẩm từ các vật liệu như sau:

(i) Màng PVC: có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc.

(ii) Màng PE: có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy.

Tại một số chợ đầu mối và chợ cóc, có những loại màng bọc thực phẩm được bán với kích thước lớn, giá rẻ nhưng không rõ nguồn gốc do vậy người mua nên cẩn trọng khi sử dụng loại màng bọc này.

Ngoài ra, người sử dụng có nhiều lựa chọn tin tưởng hơn nếu cảm thấy chưa tin tưởng màng bọc thực phẩm, đó là bọc thực phẩm sáp ong, nắp silicon, lọ thủy tinh… Đây là những giải pháp thay thế được đánh giá vừa an toàn vừa thân thiện với môi trường.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-sai-lam-khi-dung-mang-boc-thuc-pham-de-bao-quan-do-an-thua-trong-dip-tet-28563/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY