Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những thói quen khi ăn cơm đang “giết” sức khỏe nhanh hơn ung thư

Có những thói quen khi ăn cơm tưởng chừng như vô hại nhưng lại đang dần dần “giết” sức khỏe của bạn, mà không phải ai cũng hiểu rõ.

Ăn cơm chan canh

Thực tế, đa số người Việt đều có thói quen ăn cơm chan canh để dễ ăn và dễ nuốt trôi cơm hơn. Tuy nhiên, đây là cách ăn xấu làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.

Theo các chuyên gia, trong bữa cơm cần hạn chế dùng các loại nước canh hay nước lọc, nước ngọt. Bởi, nước canh giúp chúng ta dễ nuốt thức ăn hơn, nhưng nó lại làm cơm và thức ăn trôi tuột vào dạ dày mà chưa được nhai kỹ. Điều này khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn, từ đó làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.

Đồng thời, thức ăn chưa được nghiền nát đang ở dạng cứng trước khi vào dạ dày dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày, về lâu dài sinh ra bệnh đau dạ dày và có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

Ngoài ra, khi chan cơm cùng canh, dịch tiêu hóa bị nước pha loãng khiến quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm, tạo cảm giác nhanh no nhưng lượng dinh dưỡng lại ít. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Ăn cơm chan canh khiến trẻ nhanh no nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng. Lâu dài sẽ tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mọi người nên nhai kỹ thức ăn, cơm trước khi nuốt và chỉ nên uống nước chan canh hay bất kỳ loại nước gì sau cùng.

Ăn bằng đũa sơn

Nhiều gia đình, nhất là ở thành phố thường sử dụng các loại đũa sơn, vì chúng có thẩm mỹ đẹp. Tuy nhiên, sơn lại chứa nhiều chất hóa học có hại cho cơ thể, đặc biệt là thành phần diêm tiêu sau khi ngấm vào đũa thì sẽ cùng với chất nitơ hợp thành một chất gây hại rất mạnh, có thể gây ung thư. Do đó, các bà nội trợ hãy cân nhắc kỹ trước khi chọn đũa sơn để sử dụng trong các bữa cơm của gia đình.

Ăn cơm nguội

Do thói quen tiết kiệm nên nhiều người thường tận dụng cơm nguội, nhất là các bà nội trợ ở nông thôn. Theo các nhà khoa học, khi cơm để quá lâu hoặc bảo quản không đúng cách thì rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Do đó, người ăn phải rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện điển hình là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi…

Ngoài ra, cơm nguội, cơm hấp lại nhiều lần sẽ mất đi rất nhiều dưỡng chất. Không nên hâm nóng cơm quá 2 lần, bởi quá trình hâm nóng sẽ làm mất hết chất trong cơm.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, các quán cơm rang cũng là nơi dễ gây bệnh bởi ăn phải cơm nguội để lâu quá nhiều ngày sẽ rất dễ đưa bệnh vào cơ thể. Bạn chỉ nên ăn cơm nóng hoặc cơm nóng vừa được để nguội. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24 giờ.

Ăn thức ăn trước, ăn cơm sau

Thói quen này khá nhiều người mắc phải, nhất là ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cách ăn này lại gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe lâu dài. Bởi, khi thức ăn trước sau đó mới ăn cơm dễ dẫn đến tình trạng chán cơm, thiếu tinh bột gây suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi đang đói mà bạn nạp thức ăn trước khiến chất đạm trong thức ăn sẽ chuyển ngay thành axit uric bám vào các khớp xương và hình thành nên bệnh gout về sau.

Uống trà sau bữa ăn

Uống trà sau khi ăn là thói quen của rất nhiều người Việt, đặc biệt là cánh mày râu. Bởi nhiều người thường quan niệm rằng uống trà tráng miệng sau mỗi khi ăn cơm sẽ tạo cảm giác ngon miệng, dễ ăn, dễ tiêu hóa...

Tuy nhiên, đây là một việc làm phản khoa học, vì trong lá trà có chứa chất tannin. Khi chất này kết hợp với thức ăn tạo nên những hợp chất có tính loại trừ khiến hệ thống tiêu hóa bị ứ đọng, thức ăn khó được hấp thụ, tăng nguy cơ bị táo bón.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nước trà sẽ khiến cho các chất protein trong thức ăn bị kết tủa lại, làm co niêm mạc dạ dày, loãng dịch vị và gây ra những tác động không tốt đến hệ tiêu hóa của cơ thể đặc biệt là việc hấp thụ sắt khiến cho bạn dễ mắc bệnh đau dạ dày.

Ăn trái cây ngay sau khi ăn cơm

Các chuyên gia cũng không khuyến khích bạn ăn hoa quả ngay sau khi ăn cơm. Bởi, thức ăn sau khi đưa vào dạ dày sẽ phải lưu lại từ 1 đến 2 giờ mới được tiêu hóa hoàn toàn. Khi bạn ăn trái cây ngay sau bữa ăn, hàm lượng đường trong trái cây có thể được lên men với carbohydrate và protein trong thực phẩm. Kết quả là làm chậm quá trình tiêu hóa, tăng áp lực lên tiêu hóa, dẫn đến đau dạ dày và đầy hơn.

Hơn nữa, trái cây có chứa một số lượng lớn các loại axit, đường, glucose, fructose, tinh bột… làm cho hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn.

Uống rượu trong khi ăn

Rất nhiều người thích nhâm nhi vài chén rượu trong lúc ăn cơm, tuy nhiên việc này sẽ làm tổn hại rất lớn đối với dạ dày, dễ gây loét dạ dày và thậm chí phát triển thành ung thư dạ dày.

Một số nghiên cứu cho thấy, uống đồ uống có cồn trước và trong khi ăn sẽ làm cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là canxi.

Ăn gạo trắng, nhìn đẹp mắt

Theo các bác sỹ, hiện trên thị trường bán rất nhiều loại gạo trông rất trắng và đẹp mắt. Tuy nhiên, những loại gạo này do quá trình xay sát kỹ nên đã làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ…

Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người nên chọn các loại gạo không xay sát quá kỹ cho bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, gạo lứt là gạo không bị xay sát kỹ, vẫn còn lớp cám gạo bên ngoài hạt gạo, có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ trong việc kiểm soát đường huyết, để hỗ trợ dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường.

Phong Vũ

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-thoi-quen-khi-an-com-dang-giet-suc-khoe-nhanh-hon-ung-thu-27843/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY