Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những thói quen nhỏ bà nội trợ hay mắc phải khiến thực phẩm trở thành “độc dược”

Bên cạnh yếu tố liên quan môi trường ô nhiễm, thức ăn chứa hóa chất... thì những thói quen khi nấu nướng và ăn uống cũng là nguyên nhân gây ngộ độc, khiến thực phẩm trở thành “độc dược” ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của gia đình bạn.

Nấu rau trong nồi đồng

Nhiều người thích luộc rau trong nồi đồng vì như thế rau sẽ mềm và xanh hơn. Nhưng đây là một phương pháp làm mềm rau phản khoa học, bởi lẽ khi làm như vậy, không những sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng của rau mà còn khiến cho rau bị thôi nhiễm đồng dễ gây ra các bệnh tật nguy hiểm cho sức khỏe.

Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng bạn nên sử dụng dụng cụ bằng nhôm hoặc bằng sắt để nấu đồ ăn, tránh dùng nồi đồng.

Để thức ăn chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ

Điều này có thể khiến vi khuẩn tấn công thực phẩm. Vì vậy, tuyệt đối không nên vi phạm quy tắc 2 giờ vì thức ăn ở nhiệt độ phòng sau khoảng thời này là đủ để vi khuẩn tấn công, thậm chí có thể gây ngộ độc. Có một số vi khuẩn, nếu được nhân lên tạo ra độc tố không thể tiêu diệt được bằng cách hâm nóng thức ăn. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị việc thưởng thức bữa ăn ngay sau khi vừa chế biến xong.

 

Không rửa tay hay rửa tay không đúng khi chế biến

Một thói quen dường như khá phổ biến đó là nhiều người vẫn chưa rửa tay đúng cách hoặc thậm chí là không rửa tay nhưng vẫn chế biến thức ăn. Bạn nên nhớ, mình chỉ bỏ ra 20 giây rửa tay với xà phòng và nước là có được bàn tay sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn rồi.

Dùng thức ăn cất nhiều ngày trong tủ lạnh

Ăn lại thức ăn đã nhiều ngày trong tủ lạnh sẽ khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm. Đây chính là việc làm mà gần như chị em nội trợ nào cũng mắc phải. Nhiều người còn gọi đây là tình trạng “lạm dụng tủ lạnh”. Điều này xuất phát từ công việc và nhịp sống bận rộn hiện nay khiến chị em có ít thời gian đi chợ và nấu nướng.

Do vậy, họ thường tích trữ cả thức ăn sống và chín trong tủ lạnh. Phần thức ăn này sẽ được hâm đi hâm lại và sử dụng trong nhiều ngày sau đó. Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm độc, những thực phẩm đã chế biến chỉ nên được lưu lại tối đa là 2 ngày. Sau khoảng thời gian này, chúng có thể đã nhiễm khuẩn và gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, nên bạn phải hạn chế sử dụng, nhất là cho trẻ nhỏ.

Lời khuyên hữu ích nhất cho bạn là nên nấu đủ lượng thức ăn và sử dụng hết trong ngày. Bên cạnh đó, tích cực đi chợ mua đồ tươi sống cũng là một thói quen cần được hình thành để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Không vệ sinh tủ lạnh

Tủ lạnh là nơi lưu giữ các đồ ăn chính, đồ ăn sống, thực phẩm hết hạn sử dụng … Chính bởi vậy, nếu tủ lạnh không được vệ sinh thường xuyên thì chúng chính là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm cho gia đình bạn.

Lưu ý, thực phẩm sống và đồ ăn chín cần được để tách biệt bởi thực phẩm sống sẽ chứa nhiều ký sinh trùng có hại khi chúng xâm nhập vào đồ ăn chín sẽ gây ra tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột … rất nguy hiểm cho sức khỏe. Vệ sinh các ngăn tủ lạnh chứa đồ ăn cần được làm 2 tuần 1 lần. Thêm nữa, bạn cũng lưu ý vệ sinh cả tay cầm tủ lạnh bởi chúng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn.

Gói đồ ăn bằng giấy báo

Những tờ giấy báo đi từ nhà máy sản xuất đến các sạp hàng bán báo đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển. Không chỉ giấy sách, báo mà giấy trắng cũng vô cùng độc hại, bởi trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi việc sử dụng chất tẩy rửa. Chất tẩy rửa này, sau khi tiếp xúc với thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng hóa học, kết quả là những chất gây hại lưu lại trên thực phẩm. Nếu ăn những thực phẩm ấy trong thời gian dài có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy hại đến tính mạng.

 

Để nhiệt độ tủ lạnh không thích hợp

Chuyên gia nói rằng việc đặt tủ lạnh ở nhiệt độ chính xác là rất quan trọng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn đối với thực phẩm và bệnh từ thực phẩm. Nhiệt độ tiêu chuẩn là 4.4 độ C hoặc thấp hơn. Vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm sẽ bắt đầu sinh sôi và nhân lên ở nhiệt độ trên 4.4 độ C.

Chế biến xong không rửa nồi mà tiếp tục nấu món khác

Nhiều người vì tiết kiệm thời gian hoặc thấy nồi còn sạch nên sau khi nấu xong món ăn trước, không rửa sạch nồi mà tiếp tục nấu món khác. Nhìn bằng cảm quan nồi có vẻ sạch nhưng thực tế trên bề mặt còn bám mỡ và thức ăn sót lại.

Mỡ và thức ăn thừa này nếu qua chế biến ở nhiệt độ cao một lần nữa có thể sinh ra benzopyrene là chất gây nên bệnh ung thư và bám vào món ăn của bạn.

Không thay miếng rửa chén bát

Miếng rửa bát được xem là vật dụng bẩn nhất trong nhà bếp. Là nơi sinh ra vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của mọi người. Cách tốt nhất bạn nên vệ sinh miếng rửa bát ít nhất 1 lần/ngày và thay mới sau 1 – 2 tuần sử dụng.

 

Không rửa các loại hoa quả trước khi gọt vỏ

Nhiều chị em nội trợ cho rằng, hoa quả đã gọt vỏ rồi thì không cần phải rửa. Thế nhưng, các loại vi khuẩn điển hình như E. Coli hoàn toàn có thể xâm lấn vào phần thịt quả ngay cả khi bạn đã gọt vỏ. Vì thể, để bảo đảm sức khỏe và tránh ngộ độc thực phẩm, hãy nhớ rửa sạch hoa quả trước khi gọt vỏ.

Ít vệ sinh nhà bếp thường xuyên

Việc lau chùi nhà bếp thường xuyên bằng dung dịch vệ sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong quá trình chế biến thức ăn hàng ngày. Đặc biệt, nên rửa sạch và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời những khăn lau được sử dụng trong bếp.

Ngoài ra, các dụng cụ như máy hút mùi, tường cạnh bếp sau khi rán thức ăn thường để lại những vệt dầu mỡ dính lại. Các bà nội trợ chú ý sử dụng dung dịch vệ sinh để làm sạch từng ngày, tránh trường hợp bị cặn bám lâu ngày rất khó để vệ sinh.

Không bảo quản thức ăn trong hộp kín

Để đảm bảo chất lượng tốt nhất, bạn nên bọc thức ăn thừa trong bao bì kín hoặc tốt nhất là hộp chuyên đựng thức ăn. Điều này giúp ngăn cách vi khuẩn bên ngoài, giữ độ ẩm và ngăn không cho thức ăn thừa bốc mùi sang các thực phẩm khác trong tủ lạnh.

 

Cho tỏi vào nồi quá sớm

Tỏi chín rất nhanh, việc cho tỏi vào quá sớm sẽ khiến tỏi nhanh bị cháy. Khi bạn ướp thịt, không nên băm nhỏ tỏi ra. Dù bạn chế biến bất kì thành món ăn nào thì bạn cũng nên cho tỏi vào sau cùng.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý là để tỏi ở ngoài 10 phút trước khi nấu. Bởi vì các đặc tính chữa bệnh của tỏi chỉ có thể phát huy được tác dụng một cách tối đa bằng cách nghiền, cắt hoặc đập dập nó, sau đó để chúng đủ 10 phút ở ngoài trước khi nấu.

Sử dụng lại giỏ đã đựng thịt sống

Tái sử dụng rổ hoặc giỏ đã đựng thịt sống khiến vi khuẩn lây lan nhanh. Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm bạn nên thường xuyên rửa giỏ dưới nước nóng. Cách tốt nhất là nên cho thịt vào từng bọc riêng, gói trong túi nhựa rồi mới cho vào giỏ.

 

Rán thịt gà quá kĩ

Thịt gà là món ăn rất bổ dưỡng cho sức khỏe, tuy nhiên khi chúng được rán quá kỹ thì rất có thể trở thành món ăn có hại. Khi bị rán lâu trong dầu mỡ, sẽ xảy ra các thay đổi hóa học đối với loại thịt này.

Các a-xít béo thiết yếu thì bị oxy hóa, còn các chất chống oxy hóa như vitamin E thì lại bị hủy hoại, đặc biệt các gốc tự do gây tổn thương tế bào sẽ hình thành. Việc rán kỹ thịt gà cũng tạo nên các a-xít béo chuỗi trans, dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, biến protein trong thịt gà thành acrolein, là một chất gây ung thư.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-thoi-quen-nho-ba-noi-tro-hay-mac-phai-khien-thuc-pham-tro-thanh-doc-duoc-28709/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY