Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Nỗi ám ảnh mang tên Tâm thần phân liệt

Có thể bạn chưa biết, mỗi năm thế giới ghi nhận 1,5 triệu ca tự sát, và 42,9% trong số đó là người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Vậy tâm thần phân liệt là bệnh gì, triệu chứng của bệnh ra sao, cách điều trị như thế nào

1. Tâm thần phân liệt là bệnh gì?

Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn tâm thần - (Ảnh: Internet).

Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, đặc trưng bởi các biểu hiện như ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ và hành vi cực kỳ rối loạn. Bệnh nhân sẽ có ý nghĩ sai lệch, không phù hợp, người khác không thể giải thích cho bệnh nhân hiểu thế nào là đúng, sai. Do đó, người bệnh thường có những hành động lạ lùng, kỳ dị do hoang tưởng gây ra. Bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, nhiều người có biểu hiện bệnh từ rất sớm nhưng không phát hiện ra, đến khi bệnh nặng để lại di chứng suốt đời.

Tâm thần phân liệt là bệnh lý mạn tính, cần điều trị suốt đời. Điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trước khi các biến chứng nghiêm trọng phát triển và có thể giúp cải thiện triển vọng lâu dài.

2. Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt

Người mắc tâm thần phân liệt hay xuất hiện ảo giác - (Ảnh: Internet).

Tâm thần phân liệt liên quan đến một loạt các vấn đề về suy nghĩ (nhận thức), hành vi và cảm xúc. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau, nhưng thường liên quan đến ảo tưởng, ảo giác hoặc lời nói vô tổ chức và phản ánh khả năng hoạt động bị suy giảm. Các triệu chứng có thể bao gồm:

- Ảo tưởng: Người mắc thường có những ý tưởng sai lầm và không phù hợp với thực tế. Ví dụ, bạn nghĩ rằng bạn đang bị làm hại hoặc quấy rối; cử chỉ hoặc nhận xét nào đó hướng vào bạn; bạn có khả năng hoặc sự nổi tiếng đặc biệt; một người khác đang yêu bạn; hoặc một thảm họa lớn sắp xảy ra.

- Ảo giác: Những điều này thường liên quan đến việc nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không tồn tại. Ảo giác có thể ở bất kỳ giác quan nào, nhưng ảo thanh là phổ biến nhất. Bệnh nhân nghe giọng nói, âm thanh vang lên trong đầu hay vang bên tai. Ảo thanh thường mang tính tiêu cực như đe dọa buộc tội, chửi bới hay cười nhạo bệnh nhân,... Khi nghe thấy ảo thanh, bệnh nhân tâm thần phân liệt cũng sẽ có một số phản ứng lại tùy theo nội dung của ảo thanh. Ví dụ như bệnh nhân sẽ bịt tai lại, sợ hãi ngồi thu mình, phản ứng lại hoặc nổi điên,...

- Rối loạn khả năng suy nghĩ (lời nói): Triệu chứng này được biểu hiện bằng những lời nói vô cùng khó hiểu. Hiệu quả giao tiếp có thể bị suy giảm và thậm chí bệnh nhân nói lung tung, lộn xộn đến nỗi người nghe không thể hiểu nổi bệnh nhân muốn nói gì..

- Hành vi vận động bất thường: Điều này có thể thể hiện theo một số cách, từ sự ngốc nghếch của trẻ nhỏ đến sự kích động bất thường. Bệnh nhân có các hành vi ngược với bình thường như tư thế không phù hợp hoặc kỳ quái, hoàn toàn thiếu phản ứng hoặc vận động quá mức và vô ích.

- Mất đi ý muốn làm việc: Bệnh nhân mất dần ý muốn làm việc, thẫn thờ, tình trạng này hoàn toàn không phải do bệnh nhân lười biếng. Bệnh nhân sẽ không thể tiếp tục làm việc tốt tại cơ quan hay học tập ở trường. Nếu tình trạng nặng hơn, bệnh nhân thậm chí không làm tốt được các công việc đơn giản hằng ngày như làm việc nhà, giặt giũ, nấu ăn ... Nặng nhất, bệnh nhân sẽ không còn chú ý đến vệ sinh cá nhân, không tắm rửa, ăn uống kém,..

- Giảm sự biểu lộ tình cảm: Bệnh nhân sẽ không phản ứng trước các sự kiện vui buồn, mất cảm xúc, không có biểu lộ tình cảm nhiều. Một số trường hợp có thể phản ứng ngược lại so với bình thường, như: Với sự kiện vui thì bệnh nhân buồn, đối với sự kiện buồn thì bệnh nhân tỏ ra vui.

- Sự cách ly xã hội: Bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác, ngay cả với những người thân trong gia đình của mình.

- Không nhận thức được rằng bản thân mình đang bị bệnh: Thông thường nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không nghĩ rằng mình bị bệnh, do đó họ có thể sẽ từ chối việc đi đến bác sĩ để chữa bệnh hoặc thậm chí nổi giận với những ai nghĩ họ có bệnh tâm thần.

Các triệu chứng có thể khác nhau về loại và mức độ nghiêm trọng theo thời gian, với các giai đoạn xấu đi hoặc thuyên giảm các triệu chứng.

Ở nam giới, các triệu chứng tâm thần phân liệt thường bắt đầu từ nhỏ đến giữa những năm 20 tuổi. Ở phụ nữ, các triệu chứng thường bắt đầu vào cuối những năm 20 tuổi.

Các triệu chứng ở thanh thiếu niên

Các triệu chứng tâm thần phân liệt ở thanh thiếu niên tương tự như ở người lớn, nhưng tình trạng bệnh có thể khó nhận biết hơn. Điều này một phần có thể là do một số triệu chứng ban đầu của bệnh tâm thần phân liệt ở thanh thiếu niên giống với các triệu chứng của trẻ bình thường, chẳng hạn như:

- Ăn cắp tiền từ bạn bè và gia đình

- Thành tích học tập ở trường sa sút

- Khó ngủ

- Tâm trạng khó chịu hoặc chán nản

- Thiếu động lực

Ngoài ra, việc sử dụng cấc chất gây nghiện, chẳng hạn như cần sa, methamphetamines hoặc LSD, đôi khi có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự.

So với các triệu chứng tâm thần phân liệt ở người lớn, thanh thiếu niên ít có khả năng bị ảo tưởng, nhưng lại có nhiều khả năng bị ảo giác thị giác.

3. Nguyên nhân gây tâm thần phân liệt

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt, nhưng có bằng chứng cho rằng sự kết hợp giữa di truyền, hóa học não và môi trường góp phần vào sự phát triển của chứng rối loạn này.

Các vấn đề với một số chất hóa học tự nhiên trong não, bao gồm chất dẫn truyền thần kinh được gọi là dopamine và glutamate, có thể góp phần gây ra bệnh tâm thần phân liệt.

4. Những ai thường mắc phải tâm thần phân liệt?

Trên toàn thế giới, tỷ lệ hiện mắc của tâm thần phân liệt là khoảng 1%, tức là cứ 100 người thì có 1 người bị tâm thần phân liệt. Tuổi khởi phát trung bình là từ những năm đầu đến giữa tuổi 20 ở nữ giới và sớm hơn một chút ở nam giới; khoảng 40% nam giới khởi phát giai đoạn đầu tiên trước 20 tuổi. Khởi phát hiếm khi xuất hiện ở thời thơ ấu, nhưng khởi phát ở tuổi vị thành niên sớm hoặc khởi phát muộn (khi đó đôi khi được gọi là hoang tưởng kỳ quái) có thể xảy ra.

Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh tâm thần phân liệt không được biết đến, nhưng một số yếu tố dường như làm tăng nguy cơ phát triển hoặc kích hoạt bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm:

- Yếu tố di truyền

Bản chất bệnh tâm thần phân liệt có thể lưu truyền trong gia đình. Trong dân số chung, chỉ có một phần trăm dân số mắc phải chứng bệnh này trong quãng đời của họ, tuy nhiên nếu một người cha hay mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt thì con cái có nguy cơ bị mắc chứng này là 10%.

- Yếu tố sinh hóa

Người ta tin rằng một vài chất sinh hóa trong não cũng liên can đến bệnh tâm thần phân liệt, đặc biệt là một chất dẫn truyền xung động thần kinh có tên là dopamine. Một nguyên do khả dĩ gây ra việc mất quân bình hóa chất này là đặc tính di truyền của người đó đối với căn bệnh này. Những tai biến trong lúc mang thai hay khi sinh nở làm tổn thương cấu trúc của não bộ cũng liên can tới bệnh này.

- Quan hệ trong gia đình

Các nhà khoa học không tìm ra được bằng chứng các mối quan hệ trong gia đình gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, một số bệnh nhân tâm thần phân liệt dễ nhạy cảm với các căng thẳng trong gia đình, mà theo họ thì việc này có thể có liên quan đến các cơn bệnh tái diễn.

- Căng thẳng tinh thần

Căng thẳng tinh thần có thể là một yếu tố khởi bệnh tâm thần phân liệt - (Ảnh:Internet).

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng các vụ căng thẳng tinh thần thường là tiền đề cho việc khởi phát bệnh tâm thần phân liệt. Những vụ việc này có thể đóng vai trò như những biến cố thúc đẩy ở những người dễ mắc bệnh. Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường trở nên lo âu, cáu kỉnh và không thể tập trung tư tưởng trước khi bất kỳ các triệu chứng cấp tính nào hiện rõ. Điều này có thể gây rắc rối cho công việc hay học hành và làm cho các mối quan hệ bị suy tàn dần. Lúc đó người ta thường đổ lỗi cho những yếu tố này là căn nguyên của việc khởi phát bệnh, trong khi thực ra là chính căn bệnh này đã gây ra biến cố căng thẳng ấy. Do vậy, không phải lúc nào căng thẳng tinh thần cũng luôn rõ ràng là một nguyên do hay là một hậu quả của bệnh tâm thần phân liệt.

- Dùng rượu và chất ma túy khác

Dùng rượu và chất ma túy độc hại khác, đặc biệt là dùng cần sa và amphetamine, có thể khơi dậy chứng loạn tâm thần ở những người dễ bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Mặc dù dùng chất ma túy không gây ra bệnh tâm thần phân liệt, việc sử dụng có liên quan mạnh mẽ đến việc tái phát bệnh. Bệnh nhân tâm thần phân liệt dễ dùng rượu và chất ma túy khác hơn là quảng đại quần chúng, và việc dùng này có hại cho việc chữa trị. Một phần đáng kể những bệnh nhân tâm thần phân liệt có hút thuốc lá, và việc này góp phần làm suy yếu sức khỏe.

5. Các biến chứng của tâm thần phân liệt

Nếu không được điều trị, tâm thần phân liệt có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Các biến chứng mà tâm thần phân liệt có thể gây ra hoặc liên quan bao gồm:

- Tự tử, cố gắng tự tử và ý nghĩ tự tử

- Rối loạn lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

- Phiền muộn

- Lạm dụng rượu hoặc các loại thuốc khác, bao gồm cả nicotine

- Không có khả năng đi làm hoặc đi học

- Vấn đề tài chính và tình trạng vô gia cư

- Cách ly xã hội

- Các vấn đề sức khỏe và y tế

- Xuất hiện các hành vi hung hăng, mặc dù nó không phổ biến.

Mặc dù chưa có cách chữa dứt bệnh tâm thần phân liệt, phương pháp chữa trị hiệu nghiệm nhất là thuốc men, chữa trị tâm lý và hỗ trợ bằng cách xử trí những ảnh hưởng của bệnh trong cuộc sống hàng ngày. Giáo dục về căn bệnh và biết cách đối phó hữu hiệu với những dấu hiệu báo động sớm của cơn bệnh là điều quan trọng.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/noi-am-anh-mang-ten-tam-than-phan-liet-31926/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY