Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nỗi buồn của mẹ khi con hư

(SKGĐ) Xoảng… “Có cái điện thoại mà mẹ cũng tiếc với con à, mẹ có phải là mẹ của con không đấy!

Tiếng chiếc điện thoại rơi xuống nền nhà, tiếng gào của thằng con trai út khiến tôi rùng mình. Tôi không thể tin vào những gì tai mình vừa nghe. Đứa con trai tôi cưng chiều nhất, dồn mọi tâm huyết, cùng tình yêu thương vô bờ bến, chỉ vì không được cho tiền đổi điện thoại mới mà sẵn sàng quăng chiếc điện thoại xuống trước mặt mẹ của nó rồi thản nhiên bỏ đi.

Chiều con quá hóa hư

Đó là thái độ của con trai đáp trả khi tôi không đáp ứng yêu cầu của nó. Đây không phải lần đầu tiên con trai tôi có thái độ vô lễ như thế khi không được toại nguyện theo ý mình. Tôi nhớ mãi ngày còn nhỏ có lần tôi đưa con đi dự đám cưới nhà người bạn thân, Hùng nhìn thấy một đứa trẻ có cái xe đồ chơi màu đỏ rất đẹp liền đòi mẹ phải lấy cho bằng được.

Tôi rất xấu hổ khi con lao đến giật chiếc xe trên tay bạn, tôi đã phải lao theo con và cố gắng xoa dịu: “Xe của bạn làm sao lấy được, về nhà mẹ mua cho con cái khác to đẹp hơn”. Chẳng cần biết đang ở chốn đông người xa lạ, Hùng òa khóc, vùng vằng rồi lăn đùng ra đất ăn vạ hét ầm lên làm rất nhiều người trong đám cưới quay ra nhìn và ái ngại lắc đầu. Lúc đó tôi xấu hổ không biết dấu mặt đi đâu đành bế con ra về.

Càng lớn thì Hùng càng có suy nghĩ mình là “một ông vua con” trong gia đình, có quyền đòi hỏi bất cứ thứ gì và mọi người chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là... tuân theo. Tính cách ương bướng ấy của Hùng cũng là do lỗi của tôi. Khi chồng tôi mất trong một tai nạn xe máy cách đây hơn chục năm, lúc ấy con gái lớn 12 tuổi, còn con trai út là Hùng mới 7 tuổi. Thương con từ nhỏ đã thiếu tình cảm của người cha nên tôi luôn cố gắng bù đắp bằng tất cả tình yêu và sự chiều chuộng.

Nhất là với Hùng, ngày chồng tôi mất Hùng còn quá nhỏ để có thể nhớ gương mặt và tình thương của cha. Còn Thùy Linh con gái lớn, tôi tự nhận thấy đôi khi mình bất công trong cách chiều chuộng hai con. Nói thật, trong sâu thẳm tôi có suy nghĩ Linh là chị phải nhường em kể cả tình yêu thương của mẹ. Có lẽ vì luôn được tôi áp đặt cái suy nghĩ ấy mà chính con gái lớn của tôi cũng chẳng ghen tị gì với em trai. Thậm chí cả hai mẹ con dường như có một sự thỏa thuận ngầm phải đáp ứng mọi nhu cầu của Hùng.

Không muốn con ra bước chân ra ngoài phải chịu cảnh thua thiệt, nghèo khó hơn chúng bạn chỉ vì không có bố, tôi đã phải bỏ công việc nhàn nhã trong nhà nước để ra ngoài kinh doanh để kiếm nhiều tiền. Tôi muốn con tôi có mọi điều kiện sống và học tập tốt nhất. Không có thứ gì bạn bè có mà Hùng không có. Khi nhỏ thì là sách vở, truyện tranh, đồ chơi, quần áo, giầy dép...

Đến tuổi đến trường tôi xin cho con vào học những trường danh giá. Hy vọng con được hưởng nền giáo dục tốt nhất để phát triển. Rồi những bữa ăn ngon, quần áo đẹp, đồ dùng hàng hiệu… Con không thiếu thứ gì cả. Dù đầy đủ là vậy, nhưng bao giờ cũng thế chỉ cần không vừa ý điều gì hoặc đòi hỏi của con chưa được đáp ứng, là lập tức giãy nảy rồi lăn đùng ra ăn vạ.

Câu hỏi không lời đáp

Giờ đây con trai tôi 19 tuổi đang học Đại học Quốc tế. Tôi cũng từng trải qua tuổi đó nên tôi hiểu cái tuổi ẩm ương mọi đứa trẻ đều thích thể hiện bản thân, thích sành điệu, kết bạn với toàn những người bạn con nhà giàu ham chơi và đua đòi theo các bạn.… Những báo cáo học tập từ nhà trường gửi về cho thấy, con tôi rất chểnh mảng việc học hành, nhiều lần nhà trường phải gọi Hùng lên lập biên bản và viết cam kết không bỏ học. Nhưng rồi đâu lại vào đó, Hùng vẫn ham chơi hơn ham học.

Chẳng những thế, Hùng ngày càng có những đòi hỏi mà chẳng cần biết mẹ nó có thể đáp ứng được hay không. Hễ không đáp ứng là Hùng dọa bỏ học, dọa bỏ nhà đi bụi. Hễ bạn có xe mới Hùng cũng muốn đổi cho phù hợp khi đi chơi với nhóm bạn, điện thoại thì thay liên tục… Chiếc điện thoại Iphone 6 mới mua hơn tuần Hùng bảo bạn mượn làm mất rồi và thản nhiên xin tiền mẹ để mua cái khác.

Nhưng việc thay điện thoại không phải là chỉ diễn ra một hai lần mà điều này là thường xuyên, kể cả những đồ dùng công nghệ mới ra khác Hùng thường xuyên bảo hỏng, mất hay lý do nọ kia và xin tiền đi đổi. Tiền tiêu thì tôi luôn cho con rất thoải mái, nhưng lúc nào con cũng thiếu tiền và xin xỏ. Thậm chí có lần Hùng còn tiêu hết cả chục triệu chỉ trong vòng một tuần với lý do đi học thêm và sinh nhật bạn bè nhiều.

Hùng không chịu hiểu sự cố gắng đáp ứng những đòi hỏi ngày một cao của con đã làm tôi gần kiệt quệ về tài chính. Nó không nhìn thấy người mẹ đơn thân phải vất vả làm việc thế nào để nuôi nó đầy đủ như ngày hôm nay. Tôi sợ nếu cứ tiếp tục để con dựa dẫm và được đáp ứng mọi yêu cầu sẽ làm nó ỷ lại và hư hỏng nên bắt đầu không đáp ứng tất tần tật các yêu cầu của nó về tiền bạc. Nhưng khi tôi không còn đáp ứng những đòi hỏi đó, nó bắt đầu quay ra hậm hực, vô lễ và chống đối mẹ gay gắt.

Rất nhiều lần Hùng đi chơi với bạn thâu đêm mà không hề xin phép tôi lấy một tiếng. Khi tôi tra hỏi, nó cứ lì mặt ra tỏ vẽ bất cần. Và tôi bắt đầu thấy sợ. Như đêm nay đây, ngồi một mình trong gốc phòng đợi con về nhà, tôi đã không ngừng tự trách mình đã quá nuông chiều con mới ra nông nỗi hôm nay.

Tôi chỉ còn biết hy vọng vào việc Hùng còn trẻ, những hành động suy nghĩ của con chỉ là bồng bột nhất thời chứ bản chất nó là đứa con ngoan biết thương mẹ. Nhưng tôi không biết phải làm thế nào để con tôi nhận ra sự ích kỷ và suy nghĩ sai lầm của con lúc này?

Ý kiến chuyên gia

Theo TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): Thực tế trong xã hội hiện nay không thiếu những trường hợp cha mẹ nuông chiều con cái, khi không đáp ứng những đòi hỏi của con con cái không nghe lời nữa.

Theo tôi mọi sự chiều chuộng đều phải có giới hạn. Nhiều bậc cha mẹ quá thương con nên vô tình làm hại con, tập cho con quen với lối sống muốn gì được nấy, lâu dần thành thói quen và chỉ cần không hài lòng cháu sẽ phản ứng dữ dội bằng những hành động khó chấp nhận.

Nếu sự dạy dỗ nhắc nhở của người mẹ không khiến con trai nghe lời thì người phụ nữ nên nhờ đến sự giúp đỡ của những người đàn ông trong dòng tộc. Những người thật sự có ảnh hưởng với cậu con trai của mình. Bản thân người mẹ cũng phải tự điều chỉnh trong cách giáo dục con. Cởi gỡ dần dần sự phụ thuộc, đòi hỏi của con cái, đó là một quá trình không thể ngay lập tức có thể thay đổi ngay được.

Nếu từ chiều chuộng, người mẹ quay ngoắt một trăm tám mươi độ sang khắc khe tuyệt đối thì dễ khiến đổ vỡ trong quan hệ thân thiết của hai mẹ con. Đứa trẻ có thể bị trầm cảm, bất hợp tác thậm trí phá phách.

M.DH

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/noi-buon-cua-me-khi-con-hu-16826/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY