Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nóng: Con nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người mà cha mẹ vẫn lầm tưởng mắc quai bị

Tưởng là căn bệnh đã bị lãng quên nhưng thời gian gần đây, nhiễm khuẩn whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) lại tiếp tục bùng phát mạnh và tỷ lệ tử vong đã tăng lên 60%.

Phát hiện 3 cháu bé ở Nghệ An nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”

Khoảng từ tháng 7 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị cho ba trường hợp dương tính với vi khuẩn whitmore.

Bệnh nhi đầu tiên là em Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, ngụ tại Đức Thọ - Hà Tĩnh), điều trị tại viện 50 ngày, đã xuất viện.

Hai bệnh nhi còn lại là em Hoàng Văn Cao (10 tuổi, ngụ tại Thanh ngọc, Thanh Chương) và Nguyễn Công Hào (11 tuổi, ngụ tại Công Thành, Yên Thành). Cả hai trường hợp đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Ba trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Các bác sĩ ghi nhận các bệnh nhi khi đến viện đều trong tình trạng áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai. Tuy nhiên, gia đình cho rằng các em mắc bệnh quai bị nên tự điều trị tại nhà. Khi đến bệnh viện, tình trạng của con đã nặng. Các bác sĩ cấy mủ, xét nghiệm máu phát hiện bệnh nhi dương tính với vi khuẩn whitmore.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, whitmore là bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây nhiễm trùng máu.

Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh whitmore có thể lên đến 50-60%.

Whitmore là loại vi khuẩn như thế nào?

Whitmore do vi khuẩn gram âm B. pseudomallei (hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) gây ra. Khi vào tới cơ thể, loại vi khuẩn này sẽ tấn công nhiều cơ quan, dẫn đến suy đa tạng rồi sốc và tử vong. Những bệnh nhân vốn có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mãn tính... thường có nguy cơ bị tổn thương cơ quan nội tạng cũng có nguy cơ tử vong cao hơn.

Vi khuẩn Whitmore thường sống trong bùn đất và nước.

Whitmore không phải là bệnh mới hay hiếm gặp mà nó đã bị "lãng quên" trong cộng đồng. Bệnh được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1936. Vi khuẩn này thường sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương bị tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Ngoài ra, căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống của bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Con đường lây nhiễm của vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

- Do lây nhiễm qua đường ăn uống (thức ăn bị nhiễm khuẩn).

- Do tiếp xúc trực tiếp với các vết trầy xước da, với đất hoặc nước đã bị nhiễm khuẩn (thời điểm mùa mưa bão).

- Do hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn.

- Do vi khuẩn truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú.

- Do tiếp xúc vết trầy xước da với động vật chết bị nhiễm bệnh whitmore như chó, mèo, bò, dê...

Dấu hiệu nhiễm vi khuẩn Whitmore

Triệu chứng phổ biến nhất của whitmore xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ. Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức các cơ bắp. Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da kèm với sốt và đau cơ.

Vi khuẩn Whitmore thâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với nước hay đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải bụi đất, bùn, nước có chứa loại vi khuẩn này gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân. Thể cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài ngày.

Khi vi khuẩn B.pseudomallei thâm nhập cơ thể người, chúng có thể gây bệnh ngay hoặc “nằm yên” đến vài chục năm, chờ khi thuận lợi vi khuẩn phát triển và gây bệnh, do đó bệnh thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đái tháo đường, suy thận...

Phòng tránh nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”

Những năm gần đây, số ca mắc bệnh whitmore được báo cáo không ngừng tăng, cao điểm thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7 - tháng 11. Vì vậy,

- Những người có vết thương ngoài da và những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi hoặc bệnh thận mãn tính có nguy cơ mắc bệnh melioidosis nên tránh tiếp xúc với đất và nước bẩn.

- Những người bắt buộc làm các việc tiếp xúc với đất nên mang ủng và găng tay bảo hộ để ngăn ngừa nhiễm trùng qua bàn chân và gót chân…

- Nhân viên y tế có thể sử dụng các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc tiêu chuẩn (mặt nạ, găng tay và áo choàng) để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, mỗi người đều phải có ý thức trong việc giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là bàn tay, bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất thì phải đi rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm gì tiếp theo.

Ánh Dương

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nong-con-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-ma-cha-me-van-lam-tuong-mac-quai-bi-27710/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY