Càng “độc” càng yêu
“Tha con chuột về nhà với giá hơn 100 nghìn, gần 300 nghìn tiền chuồng, lại còn siro, bánh quy, các loại hạt cho nó ăn. Chưa kể, khệ nệ ôm về 100 nghìn tiền rơm cho chuột có cái... mài răng. Giá mà con gái cũng chăm bố nó được như thế!”. Đây là lời phàn nàn pha chút bức xúc của một ông bố có cô con gái mê hamster (một loại chuột cảnh ngoại nhập).
Với giới trẻ ngày nay, thú cưng không chỉ quanh quẩn với chó, mèo, chim, cá, mà cả kiến, rùa, nhím, nhện, thậm chí kỳ nhông, cá ngựa… đều có thể trở thành vật nuôi trong nhà. Các cô, cậu chủ thì không ngại chăm lo cho chúng từ A-Z, ôm ấp, vuốt ve, ăn ngủ cùng thú cưng. Điển hình là phong trào nuôi hamster trong giới trẻ rộ lên cách đây hơn hai năm.
Điều đáng nói là hầu hết những loại vật nuôi lạ này đều được nhập khẩu theo con đường không chính thống và chưa được kiểm dịch của các cơ quan thú y. Vì vậy không ai dám chắc những con vật này có chứa mầm bệnh và liệu chúng có thực sự an toàn đối với người nuôi hay không.
Chưa kể, giá một con vật nuôi như vậy không hề rẻ (hamster: 90-120.000 đồng/con, kỳ nhông Nam Mỹ 5 triệu/con, nhện cảnh Tarantula Amazon có giá 5 trăm nghìn/con, nhím cảnh 1-2 triệu đồng/cặp…)
Càng yêu càng hại
Hơn 150 loại bệnh có thể lây nhiễm từ thú cưng là số liệu mà các nhà nghiên cứu hiểm họa từ vật nuôi trường Đại học Utah State (Mỹ) cho biết. Mối nguy hiểm này đôi khi bắt nguồn từ những hành động tưởng như rất bình thường của bất cứ ai khi thể hiện tình cảm với thú cưng của mình (ôm hôn, chơi đùa, vuốt ve…).
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, chỉ riêng loài chuột (không ngoại trừ chuột cảnh) có thể gây nên 35 loại bệnh khác nhau, nguy hiểm nhất là dịch hạch. Mặc dù đã được cảnh báo về khả năng truyền dịch và gây bệnh từ những con vật nuôi chưa được kiểm dịch nhưng hình như điều đó không mảy may làm giảm sút tình yêu họ dành cho thú cưng...
Viêm màng não vì chuột cảnh
Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhân dân 115 (Tp.HCM) đã tiếp nhận một ca cấp cứu, bệnh nhân (26 tuổi) nhập viện trong tình trạng khó thở, nổi chấm đỏ, sốt cao, xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu.
Các bác sĩ ở đây cho biết, nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là hantavirus có trong phân, nước tiểu, nước bọt của các loại chuột (kể cả hamster, chuột lang). Khi chết, xác chuột vẫn phóng ra virus và lây sang người qua đường hô hấp. Khi bị nhiễm virus này, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng giống như bệnh lý về tim, phổi nên rất dễ chẩn đoán sai. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tụt huyết áp, khó thở, viêm cơ tim, phù phổi và tử vong.
Vật nuôi trong nhà thường sạch sẽ hơn so với các động vật cùng loại sống hoang dã. Nhưng không vì thế mà chúng ta cho phép mình chủ quan với những nguy cơ gây bệnh từ chúng.
Theo các chuyên gia, tất cả các loài gặm nhấm đều có khả năng truyền bệnh dại và uốn ván cho con người. Riêng loài chuột còn có thể truyền ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis gây viêm màng não ở người. Ngoài ra, thói quen ôm ấp, vuốt ve thú cưng có thể khiến cho bạn bị nhiễm virus từ mô hạch của thú.
Rùa cũng có thể truyền bệnh
Những con rùa nhỏ vẫn nằm ngoan ngoãn trong cặp sách đến trường hay nằm gọn trong lòng bàn tay để nhận những cái hôn từ các cô, cậu chủ vốn rất hiền lành nhưng lại có thể là nguyên nhân của những bệnh dịch lớn.
Các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra, những chú rùa nuôi chính là thủ phạm của dịch bệnh lớn nhất do khuẩn salmonella khiến 107 người ở 34 bang nhiễm bệnh. Họ cho biết, rùa và các loài bò sát là ổ chứa khuẩn salmonella, 60% bệnh nhân cho biết đã tiếp xúc với rùa trong tuần trước khi họ mắc bệnh.
“Hung thủ” gây dị ứng
Từ ngày được bà ngoại tặng cho một chú cún con xinh xắn, bé Thành ngoan hẳn, suốt ngày bế bồng, chơi đùa cùng “bạn cún”. Nhưng cũng từ ngày có “bạn” mới, chị Hà thấy con thường xuyên bị hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè dù thời tiết ấm áp. Đưa con đi khám, kết quả kiểm tra cho thấy bé bị dị ứng với lông chó, mèo.
Các trường hợp dị ứng với vật nuôi như bé Thành không phải là hiếm. Theo các bác sĩ Khoa Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, có khoảng 5-7% dân số dị ứng với lông chó, mèo. Thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng như hen, viêm mũi xoang dị ứng, chàm, viêm kết mạc mùa xuân, nổi mề đay… Lông, vảy, da tróc, nước bọt, chất bài tiết của vật nuôi là ác mộng đối với họ. Các bác sĩ khuyến cáo những người bị hen suyễn cần phải cẩn thận khi nuôi thú cưng trong nhà.
Ngoài ra, thú cưng có thể là vật trung gian lây truyền các loài giun, sán sống kí sinh trên cơ thể vật nuôi. Trứng giun, sán bài tiết qua phân chó, mèo tồn tại rất lâu trong môi trường. Khi vào cơ thể người, trứng nở thành ấu trùng sẽ theo đường máu đến gan, phổi, mắt, não và nhiều bộ phận khác gây sốt, gan to, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm tuỵ, viêm thận, viêm thần kinh mắt, mù mắt…
Để không nhiễm bệnh từ thú cưng
- Đối với các loại vật nuôi ngoại nhập cần được cơ quan y tế kiểm dịch và đảm bảo an toàn.
- Cần thăm khám định kỳ cho thú nuôi ở phòng khám thú y. Vật nuôi cũng cần được tẩy giun thường xuyên.
- Rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với động vật, các chất bẩn hay khi dọn chuồng cho vật nuôi.
- Vệ sinh thú nuôi (tắm rửa, diệt các loại ký sinh trùng trên vật nuôi), chuồng, chỗ ở của thú nuôi thường xuyên .
- Hạn chế ôm hôn, ẵm bồng, ngủ cùng vật nuôi.
- Tiêm ngừa bệnh dại cho vật nuôi.
- Không cho vật nuôi ăn thịt sống.
Hà Linh
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: