Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Ô nhiễm không khí có thể làm giảm kỹ năng tư duy của con trẻ khi lớn lên

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em sinh ra và lớn lên trong một môi trường ô nhiễm nặng nề có khả năng bị suy giảm nhận thức nhiều hơn về sau này so với các bạn cùng lứa tuổi ở những nơi ít ô nhiễm hơn.

Theo tổ chức y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 90% trẻ em trên thế giới đang phải hít thở không khí độc hại mỗi ngày. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hô hấp, ô nhiễm không khí còn gây hại cho da và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Trẻ em tiếp xúc với ô nhiễm không khí làm giảm khả năng tư duy khi trưởng thành

Một nghiên cứu được công bố gần đây đã cảnh báo rằng, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí làm giảm kỹ năng tư duy của trẻ sau này khi lớn lên. Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu từ đại học Edinburgh (Anh) đã chỉ ra tác động của việc tiếp xúc nhiều hơn với ô nhiễm không khí khi còn trẻ có ảnh hưởng đến não nhiều năm sau đó. Phát hiện này có thể giúp đưa ra các biện pháp để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ cho các thế hệ tương lai.

Trẻ nhỏ tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhiều có thể dẫn đến giảm khả năng tư duy khi lớn lên.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã kiểm tra trí thông minh của hơn 500 người bằng một bài kiểm tra mà tất cả họ đã hoàn thành khi 11 tuổi. Thử nghiệm được lặp lại ở độ tuổi 76 và 79. Để ước tính mức độ ô nhiễm không khí mà họ đã trải qua thời thơ ấu, các nhà nghiên cứu đã đánh giá về nơi sinh sống của từng người tham gia trong suốt cuộc đời.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong giai đoạn đầu đời có mối liên quan với sự thay đổi nhận thức tồi tệ hơn trong độ tuổi từ 11 đến 70 tuổi.

Tại sao trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn?

Theo các chuyên gia, một lý do cho điều này là trẻ em thở gấp hơn người lớn, đồng nghĩa với việc chúng sẽ hấp thụ nhiều chất ô nhiễm hơn. Một số chất ô nhiễm đạt đến nồng độ cao nhất gần với mặt đất và những chất này có thể ảnh hưởng đến não và cơ thể đang phát triển của trẻ em khi chúng hoạt động gần mặt đất hơn do giới hạn về chiều cao.

Theo Tổ chức y tế thế giới, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng dễ bị ô nhiễm không khí trong gia đình do nấu nướng, sưởi ấm và các hóa chất độc hại.

Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm.

Ảnh hưởng sức khỏe lâu dài liên quan đến ô nhiễm không khí

Nhiều chất gây ô nhiễm không khí có vai trò chính gây ra các bệnh ảnh hưởng đến con người. Trong số đó, vật chất dạng hạt bụi mịn (PM) có hại cho sức khỏe con người nhất. Các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn (PM 2.5) có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp và dẫn đến các bệnh về hô hấp và tim mạch, rối loạn chức năng sinh sản và hệ thần kinh trung ương.

Ngoài ra, tiếp xúc nhiều hơn với các chất ô nhiễm không khí có liên quan đến các vấn đề hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn, viêm tiểu phế quản và ung thư phổi.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/o-nhiem-khong-khi-co-the-lam-giam-ky-nang-tu-duy-cua-con-tre-khi-lon-len-30109/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY