Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phân biệt dấu hiệu cảm lạnh và cảm cúm

Mọi người hay nhầm lẫn cảm lạnh và cảm cúm, vì 2 bệnh này có những biểu hiện gần giống nhau. Vậy làm thế nào phân biệt dấu hiệu cảm lạnh và cảm cúm

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thường là đau họng, có thể biến mất sau 1-2 ngày. Sau đó là các biểu hiện ở mũi như: chảy nước mũi, tắc mũi, cộng với ho vào ngày thứ 4 và 5 của bệnh. Người lớn thường không bị sốt nhưng trẻ nhỏ thì có thể bị sốt nhẹ. Trong vài ngày đầu, bạn sẽ thấy chảy nước mũi trong nhiều, sau đó thì nước mũi đặc lại. Đây là chuyện thông thường và điều này không có nghĩa là bạn đã bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn.

Cảm lạnh thường chỉ kéo trong khoảng 1 tuần. Trong 3 ngày đầu tiên bạn có thể lây bệnh cho người khác vì thế hãy ở nhà và nghỉ ngơi. Nếu bệnh không cải thiện sau một tuần, thì có thể là nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, khi đó thì bạn cần uống thuốc kháng sinh.

Trong khi đó, những biểu hiện của bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh và diễn tiến nhanh bao gồm: đau họng, sốt, đau đầu, đau nhức và mỏi cơ, ho... Ngoài ra, trường hợp bị cúm H1N1 đại dịch có thể có thêm biểu hiện buồn nôn và nôn.

Phần lớn những biểu hiện khó chịu này sẽ bớt trong 2-5 ngày, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng khỏi bệnh trong 1 tuần. Biến chứng thường gặp của bệnh là viêm phổi, đặc biệt ở trẻ, người già hoặc người có bệnh phổi, tim. Nếu bạn thấy khó thở hoặc sốt trở lại sau khi đã đỡ 1 hoặc 2 ngày thì hãy đến gặp bác sĩ.

Giống như virus gây cảm lạnh, virus cúm cũng đi vào cơ thể qua các màng nhầy ở mũi, mắt và miệng. Mỗi lần bạn chạm tay lên một vùng này đồng nghĩa với việc bạn đang tự truyền virus cho mình. Vì thế, điều quan trọng là bạn hãy rửa tay sạch sẽ để ngừa bệnh cảm lạnh và cảm cúm.

Cảm cúm và cảm lạnh lây truyền như thế nào?

Cúm mùa và cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm lây từ người này sang người khác, qua đường hô hấp một cách trực tiếp qua dịch tiết như ho, hắt hơi, nói chuyện, đụng chạm, nhất là khi bàn tay trẻ dính chất tiết có virus của người bệnh sau đó trẻ đưa lên miệng, mũi, mắt.

Trẻ cũng có thể lây bệnh do hít phải giọt tiết (nước bọt, nước mũi) của người bệnh có chứa virus lơ lửng ngoài môi trường, hay gián tiếp đụng chạm vào các bề mặt (bàn, đồ chơi…) có dính dịch tiết của người bệnh sau đó trẻ đưa tay lên mũi, miệng, mắt của mình.

Cảm lạnh và cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp hơp cả là vào mùa khô lạnh như mùa đông hay cuối đông đầu xuân.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là các trẻ học mẫu giáo, tiểu học, trẻ sống nơi đông người. Với cảm lạnh thông thường, lứa tuổi trẻ hơn, sơ sinh cũng thường xuyên mắc bệnh.

Thời tiết hiện nay rất dễ mắc các bệnh cảm lạnh và bệnh về hô hấp, để phòng tránh bệnh, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bổ sung dinh dưỡng, luyện tập… chống lại các tác nhân gây bệnh. Thường xuyên rửa tay sạch, vệ sinh răng miệng, mũi họng để đề phòng nguy cơ lây truyền bệnh.

Thanh Quế

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/phan-biet-dau-hieu-cam-lanh-va-cam-cum-24202/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY