Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phát hiện sốc: ung thư dạ dày đang tấn công nhóm nữ giới tuổi đời còn rất trẻ

Theo một thống kê mới nhất, thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã phẫu thuật cho các bệnh nhân nữ bị ung thư dạ dày có tuổi đời còn rất trẻ. Các bệnh nhân nữ chỉ trên dưới 20 tuổi.

Ung thư dạ dày bất ngờ xuất hiện ở nhóm nữ giới trẻ tuổi

Hiện nay, ung thư dạ dày khá phổ biến, nằm trong số 10 loại ung thư thường gặp nhất. Riêng tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi, thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và cổ tử cung. Khoảng 2/3 người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, khối u đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.

Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước, ung thư dạ dày xảy ra chủ yếu ở nam giới, trong độ tuổi từ 40-60.

Tuy nhiên theo một thống kê mới nhất, thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã phẫu thuật cho các bệnh nhân nữ bị ung thư dạ dày có tuổi đời còn rất trẻ. Các bệnh nhân nữ chỉ trên dưới 20 tuổi.

Cụ thể, theo Tuổi Trẻ Online thông tin, trong hai tháng vừa qua, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2) đã điều trị hai bệnh nhân nữ 18 tuổi và 23 tuổi.

Bệnh nhân nữ (23 tuổi, ở TP.HCM) vào viện khám vì đau âm ỉ trên rốn. Tiền căn không ghi nhận bệnh gì trước đây. Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện tổn thương nhiễm cứng dạ dày vùng hang vị.

Một trường hợp khác, bệnh nhân nữ (18 tuổi, ở Lâm Đồng) có dấu hiệu đau bụng thỉnh thoảng, tự mua thuốc uống suốt 6 tháng. Gần một tháng nay, bệnh nhân có triệu chứng đầy bụng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, sụt khoảng 5 cân, đi tiêu phân đen.

Qua thăm khám, nội soi dạ dày, thực hiện sinh thiết tổn thương cho bệnh nhân, bác sĩ kết luận ung thư tuyến biệt hóa kém dạng tế bào nhẫn của dạ dày và tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ không thể phẫu thuật cắt được dạ dày do ung thư đã di căn đến ổ bụng. Bệnh nhân được chỉ định hóa trị triệu chứng.

Hai bệnh nhân nêu trên có chung các đặc điểm chính là nữ, trẻ (từ 18-23 tuổi) và ung thư dạ dày biệt hóa kém dạng tế bào nhẫn (nghĩa là ung thư có mức độ ác tính cao, khả năng phẫu thuật cắt dạ dày triệt căn thấp và thời gian sống sau mổ ngắn).

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày chủ yếu có liên quan đến lối sinh hoạt của con ngườ, cụ thể:

Chế độ dinh dưỡng của đa số mọi người không được coi trọng, đặc biệt là dân văn phòng, những người có công việc bận rộn. Họ thường xuyên ăn những đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các món cay, nóng… Thói quen ăn uống này ảnh hưởng không tốt tới dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Do sở thích ăn những món ăn vặt ở các quán xá vỉa hè. Những thực phẩm chưa được chế biến chín kỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh… khiến cơ thể dễ nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày.

Thói quen tụ tập bạn bè uống rượu bia. Thống kê trong 5 năm, Việt Nam tiêu thụ thêm hơn 1 tỉ lít bia, 10 triệu lít rượu. Việc lạm dụng bia rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, tim mạch và các bệnh ở đường tiêu hóa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa.

Thó quen ăn uống của đa số người dân Việt Nam ăn chung bát nước chấm, uống chung chén, gắp thức ăn cho nhau hoặc mớm cơm cho trẻ… Thói quen ăn uống này là nguồn lây nhiễm vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây bệnh ở dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Không có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Nhiều người còn chủ quan với các biểu hiện sức khỏe không tốt như đau bụng, ợ hơi, ợ chua hoặc giảm cân… mà không biết rằng những triệu chứng ấy cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có liên quan tới ung thư.

Căn bệnh này có những triệu chứng đôi khi tưởng như không đáng lo, hoặc đôi khi không hề có bất cứ triệu chứng báo trước nào.

Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo sớm ung thư dạ dày bạn có thể tham khảo:

1. Xuất hiện máu trong phân

Máu xuất hiện trong phân có thể do rất nhiều vấn đề sức khỏe không liên quan tới ung thư. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày.

Trong trường hợp này, máu xuất hiện do bệnh ung thư gây viêm loét. Máu thường xuất hiện vào những giai đoạn muộn hơn của căn bệnh, nhưng cũng có thể xuất hiện từ sớm.

2. Thường xuyên đau bụng

Theo các bác sĩ, các cơn đau bụng của bệnh nhân thường xảy ra ở vùng thượng vị - khu vực nằm ở giữa ngay dưới đáy xương sườn. Hiện tượng đau này có thể do khối ung thư phát triển trong dạ dày gây ra. Trong các trường hợp khác, hiện tượng đau có thể bởi khó tiêu, viêm túi thừa hoặc sỏi thận.

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu những cơn đau bụng dữ dội dai dẳng lặp lại nhiều lần.

3. Chán ăn, ăn không ngon

Bạn cảm thấy rất đói nhưng chỉ mới ăn được một ít thì cảm giác đói và thèm ăn mất hẳn. GS, TS. Umut Sarpel, bác sĩ giải phẫu chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York thì đây là chứng "no sớm", một trong những dấu hiệu của ung thư dạ dày.

Đặc biệt, nếu bạn ăn ít nhưng vẫn cảm thấy nhanh no hơn trước đây thì cần đi khám chứ không nên chủ quan bỏ qua.

4. Đau dạ dày dai dẳng

Khi dạ dày bị viêm loét thì sẽ bắt đầu xuất hiện các cơn đau. Tuy nhiên, những cơn đau này thường không liên tục, lúc có lúc không và chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn vài giờ.

Thế nhưng, nếu nó là dấu hiệu ung thư dạ dày thì cơn đau thường xuyên và dai dẳng hơn. Các cơn đau cũng trở nên quặn thắt, dữ dội chứ không âm ỉ như lúc đầu. Khi cảm thấy cơ thể có dấu hiệu này thì bạn cũng không nên chủ quan mà cần đi khám ngay nhé.

5. Sụt cân bất thường

Bạn không ăn kiêng nhưng cân nặng vẫn giảm bất thường thì cần nên lưu ý. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 1, bệnh suy tuyến thượng thận... và ung thư dạ dày cũng nằm trong số đó.

Tuy nhiên, quá trình sụt cân này diễn ra từ từ chứ không đột ngột nên nhiều người thường bỏ qua đến khi bệnh chuyển nặng thì rất khó chữa trị. Do đó, nếu cân nặng cứ sụt đều đặn mỗi tháng một ít thì bạn cũng nên đi khám để ngăn chặn bệnh kịp thời.

6. Ợ nóng, khó tiêu, chướng bụng

Theo Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas thì một trong những biểu hiện sớm của ung thư dạ dày là thường xuyên bị ợ nóng, khó tiêu, chướng bụng.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Sarpel cũng nhấn mạnh những triệu chứng này có khi liên quan đến căn bệnh khác chứ chưa hẳn là ung thư dạ dày. Thế nhưng, tốt hơn hết là bạn nên đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời sẽ không nguy hại cho sức khỏe.

Phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả bằng các cách sau:

1. Ăn uống điều độ, đúng giờ

Lời khuyên này là một thông điệp đã quá cũ, nhưng thực tế thì có rất nhiều người đang không tuân theo được với nhiều lý do khác nhau. Đôi khi, bạn cảm thấy không muốn ăn sẽ không ăn, có người vì bận cũng không ăn, người lại muốn giảm cân nên không ăn, hoặc ăn uống thất thường là một thói quen khá phổ biến.

Ngược lại, có những người ăn uống vô độ, ăn quá nhiều và nhậu suốt ngày. Đây đều là những lý do khiến dạ dày bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhẹ thì đau, nặng hơn thì xói mòn, viêm loét, nặng nữa là ung thư.

Do đó, để ngăn ngừa ung thư dạ dày, trước tiên chúng ta phải làm tốt điều này và phát triển thói quen ăn uống tốt. Ba bữa ăn phải được thực hiện đúng giờ, đúng lượng.

2. Hạn chế ăn hoặc ăn ít các đồ ăn muối

Trong các loại rau muối có chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp, dưới tác động của vi khuẩn hoặc độ axit thích hợp trong dạ dày có thể hợp thành hợp chất Nitrosamines, loại hợp chất này là chất gây ung thư rất mạnh. Vì vậy để phòng ngừa ung thư dạ dày, chúng ta nên hạn chế những thực phẩm này.

3. Nên ăn nhiều rau quả tươi

Không ăn đủ trái cây tươi và rau quả có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Trong khi đó một chế độ ăn uống giàu thực vật, với các loại rau quả chứa nhiều vitamin C và beta-carotene lại có thể hạn chế rủi ro phát triển bệnh ung thư dạ dày. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng các loại ngũ cốc nguyên hạt, trà xanh và chất dinh dưỡng có trong tỏi có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó một chế độ ăn với hàm lượng muối cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

4. Không ăn những thực phẩm nấm mốc

Một số loại thực phẩm dễ mốc như gạo, ngô, đậu phộng có thể chứa loại chứa chất gây ung thư cực độc. Vì vậy, ngay khi phát hiện ra chúng bị mốc bạn không nên sử dụng nữa mà cần loại bỏ ngay.

5. Không ăn hoặc hạn chế ăn các thực phẩm hun khói và dầu mỡ

Trong cá hun khói và thịt hun khói, những thực phẩm chiên rán, sấy, nướng, xào và những thực phẩm dùng dầu nóng nấu đi nấu lại có chứa nhiều chất gây ung thư như benzopyrene. Do đó chúng ta cần hạn chế những thực phẩm này để phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả.

6. Tránh hút thuốc và uống rượu

Nhiều người, mặc dù biết rằng bản thân đang tiếp xúc với hai chất này làkhông tốt cho bản thân. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ hút thuốc và uống rượu vì một số lý do, chẳng hạn như khi bị căng thẳng, muốn giải tỏa cảm xúc, giải trí…

Một số người nghĩ rằng hút thuốc lá có hại cho phổi, uống rượu hại gan, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dạ dày. Trên thực tế, các chất có hại trong khói thuốc, chẳng hạn như hydrocarbon thơm đa vòng, cũng đi vào hệ thống tiêu hóa của cơ thể người, gây kích thích niêm mạc dạ dày, gây loét dạ dày.

Rượu mặc dù không trực tiếp gây ung thư, nhưng nó dễ làm hỏng mô niêm mạc dạ dày, do đó sẽ tạo điều kiện cho chất gây ung thư dễ hấp thu hơn. Vì vậy tốt nhất không nên hút thuốc và uống rượu, đặc biệt là người nào đang sử dụng cả hai thứ này cùng lúc.

Quỳnh Hoa (T/H)

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/phat-hien-soc-ung-thu-da-day-dang-tan-cong-nhom-nu-gioi-tuoi-doi-con-rat-tre-26940/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY