Bệnh giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản là trình trạng giãn không hồi phục một phần cây phế quản, có thể ở phế quản lớn, phế quản nhỏ vẫn bình thường, hoặc phế quản lớn bình thường, phế quản nhỏ bị giãn.
Kèm theo sự rối loạn cấu trúc các lớp phế quản, tăng tiết dịch phế quản và nhiễm khuẩn từng đợt.
Giãn phế quản nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển nặng sang thể bội nhiễm. Khi đó việc chữa trị gặp khó khăn hơn và dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Giãn phế quản là căn bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng |
Nguyên nhân gây giãn phế quản
Có hai loại giãn phế quản, đó là giãn phế quản mắc phải và giãn phế quản bẩm sinh.
Trong đó giãn phế quản mắc phải chiếm tỉ lệ tới 90% các ca bệnh. Chỉ có 10% bệnh nhân bị giãn phế quản bẩm sinh.
Giãn phế quản mắc phải có thể hiểu là do bệnh nhân mắc phải căn bệnh nào đó về đường hô hấp hoặc có liên quan đến đường hô hấp (viêm họng, mũi, thanh quản, viêm xoang...) sau đó biến chứng thành giãn phế quản.
Các bệnh viêm đường hô hấp có thể gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau, nhưng phần lớn là do do virus (Herpes), vi khuẩn (H.influenzae, S.pneumoniae, M.catarrhalis, S. pyogens, Staphylococcus, vi khuẩn lao hoặc vi nấm).
Các loại virus, vi khuẩn này tấn công vào hệ hô hấp qua nhiều con đường khác nhau, gây tình trạng viêm long phế quản, ứ đọng dịch nhầy khiến bệnh nhân bị ho và làm tăng áp lực trong lòng phế quản, hậu quả là làm giãn phế quản nếu để bệnh kéo dài không điều trị.
Đặc biệt là bệnh lao phổi sẽ làm xơ hóa phế quản, tổ chức phổi gây biến dạng phế quản, chít hẹp phế quản làm ứ đọng, cản trở hô hấp, từ đó phế quản bị giãn ra.
Đồng thời, khi các chất ứ đọng càng nhiều thì càng kích thích gây ho làm tăng áp lực trong lòng phế quản càng làm giãn phế quản.
Ngoài ra, polyp phế quản, lao hạch gây chèn ép phế quản hoặc do tiếp xúc hóa chất độc hại lâu ngày, nghiện thuốc lá, thuốc lào cũng làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, nhất là niêm mạc các phế quản gây giãn phế quản.
Xơ nang chiếm khoảng 50% trong các nguyên nhân giãn phế quản. Tổn thương xơ quanh phế quản co kéo do lao xơ phổi, lao xơ hang, áp-xe phổi mãn tính.
Các hội chứng như Kartagener: giãn phế quản kèm polip mũi và viêm xoang, đảo lộn phủ tạng; hội chứng Mounier-Kuhn: giãn phế quản kèm viêm xương sàng.
Chít hẹp phế quản do u, dị vật, phía dưới chỗ chít hẹp dễ bị nhiễm khuẩn đồng thời nội áp lực phế quản tăng gây giãn phế quản.
Suy giảm miễn dịch, thiếu hụt alpha1antiprotease do hút thuốc lá, rối loạn thanh thải nhầy lông, các bệnh thấp.
Các trường hợp suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến giãn phế quản gồm: thiếu hụt toàn thể gamma globulin mắc phải, suy giảm miễn dịch thông thường; thiếu hụt chọn lựa các nhóm IgA, IgM và IgG; suy giảm miễn dịch mắc phải do điều trị độc hại tới gan.
Giãn phế quản bẩm sinh chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 10%), thường gặp ở tuổi còn trẻ, phổi có hiện tượng “phổi đa nang” và có thể có các bẩm sinh khác kèm theo.
Bệnh giãn phế quản do viêm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp tái đi tái lại gây hoại tử thành phế quản, thường xảy ra sau khi mắc các bệnh cúm, sởi, ho gà, phế quản phế viêm.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây giãn phế quản. (Ảhh minh họa) |
Biểu hiện của bệnh giãn phế quản
Bệnh nhân giãn phế quản thường có dấu hiệu bị sốt trong giai đoạn có nhiều chất nhầy và mủ ứ đọng trong phế quản.
Tình trạng sốt có thể lên tới hơn 38 độ C, kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp điển hình như ho kéo dài, nhiều đờm và mủ.
Ho, khạc đờm dai dẳng, khạc đờm là chủ yếu, thường khạc đờm vào sáng sớm, số lượng nhiều có thể tới 300ml/24 giờ.
Dịch đờm thường có 3 lớp khá rõ: lớp trên là bọt, lớp giữa là chất nhầy và lớp dưới cùng là mủ đặc quánh. Mùi của dịch đờm, mủ rất hôi khi người bệnh khạc ra.
Một số người bệnh khạc ra đờm, dịch có lẫn máu do các mao mạch ở thành phế quản chịu áp lực mạnh khi người bệnh ho, khạc làm cho niêm mạc của phế quản bị tổn thương gây chảy máu (trừ trường hợp lao phổi, khạc máu do tổn thương ở tổ chức phổi).
Cơn ho do giãn phế quản thường tạo thành từng cơn và ho nhiều vào sáng sớm khi vừa thức dậy. Người bệnh cao tuổi thường ho vào ban đêm, đặc biệt là mùa rét.
Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể, mất ngủ do ho kéo dài.
Người mắc giãn phế quản cũng có thể bị biến dạng lồng ngực, bên có phế quản bị giãn thường bé hơn so với bên con lại.
Hiện tượng đau tức ngực và khó thở cũng diễn ra thường xuyên ở bệnh nhân giãn phế quản. Trong đó tình trạng tức ngực phổ biến và có tỉ lệ cao hơn là triệu chứng khó thở.
Cũng có nhiều trường hợp cùng lúc có cả hai triệu chứng tức ngực và khó thở diễn ra song song, khiến bệnh nhân vô cùng mệt mỏi và khó chịu.
Một dấu hiệu điển hình có thể gặp ở một số người bệnh giãn phế quản là móng tay hình mặt đồng hồ (hình vòm) hoặc phía cuối của đốt cuối ngón tay có hiện tượng to ra (ngón tay dùi trống).
Xét nghiệm và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh giãn phế quản (chụp Xquang phổi, chụp phế quản có cản quang, soi phế quản hoặc đo khí máu...), kèm theo xét nghiệm đờm.
Phân loại giãn phế quản
- Theo nguyên nhân: giãn phế quản bẩm sinh và giãn phế quản mắc phải.
- Theo lâm sàng:
+ Giãn phế quản thể khô (thường bị ở thùy trên, ho khạc ra máu, ít đờm)
+ Giãn phế quản thể ướt (bị ở thùy dưới hoặc lan tỏa ra 2 phổi, ho khạc nhiều đờm. có các đợt bội nhiễm vi khuẩn)
+ Giãn phế quản hỗn hợp vừa khạc đờm nhiều vừa ho ra máu.
- Theo xquang giãn phế quản: Hình trụ, hình túi, hình tràng hạt và thể hỗn hợp
- giải phẫu: Giãn phế quản cục bộ và giãn phế quản lan tỏa.
+ Giãn phế quản cục bộ thường mắc phải, các ổ giãn khu trú, ít khạc đờm.
+ Giãn phế quản lan tỏa thường bị từ trẻ, ho khạc đờm nhiều, khó thở, suy hô hấp, tâm phế mãn xuất hiện sớm.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh giãn phế quản
Biến chứng nguy hiểm của bệnh giãn phế quản có thể gây ổ giãn phế quản lan rộng, bội nhiễm tái phát, áp xe phổi, mủ phổi, khí phế thũng, ho lẫn máu, ộc ra máu gây tắc nghẽn đường thở, suy tim trầm trọng làm người bệnh khó thở dẫn tới tử vong nhanh.
Điều trị bệnh giãn phế quản
Hiện nay có hai phương pháp điều trị giãn phế quản phổ biến là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Sử dụng kháng sinh kết hợp liệu pháp lồng ngực hàng ngày với dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực, hít thở các thuốc giãn phế quản.
Việc dùng kháng sinh cần dựa trên kháng sinh đồ hoặc dùng gentamyxin phối hợp với nhóm cephalosporin, điều trị cho đến khi hết đờm mủ, thường phải dùng từ 2-4 tuần.
Soi phế quản cần để lượng định ho ra máu, hút các xuất tiết ứ đọng, loại trừ các tổn thương đường thở tắc nghẽn.
Chọn tư thế thích hợp để dẫn lưu đờm kết hợp với vỗ rung cho bệnh nhân ho khạc đờm mủ ra ngoài.
Nếu bệnh nhân khó khạc đờm thì cho các thuốc long đờm như: natribenzoat 5%, mucomyst, mucitux, phun mù nước muối ấm, cho uống nhiều nước, cho alpha chymotripsin.
Trái lại nếu đờm nhiều loãng, đờm trong không có mủ thì cho giảm tiết bằng atropin hoặc phun atrovent.
Điều trị cầm máu nếu ho ra máu. Nếu bệnh nhân khó thở thì cho theophylin, salbutamol, thở oxy ngắt quãng.
Lưu ý: Khi phát hiện mắc bệnh giãn phế quản, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị mà các bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh hay các loại thuốc khác để điều trị.
Không tự ý tăng, giảm liều hoặc dừng thuốc trước khi có chỉ định của bác sĩ để tránh gây phản ứng thuốc, kháng kháng sinh hoặc các biến chứng khó lường khác.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa là biện pháp hữu hiệu nhất nếu điều trị nội khoa không hiệu quả. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt thùy hoặc phân thùy phổi.
Điều trị ngoại khoa thường được chỉ định trong các trường hợp giãn phế quản khu trú; ho ra máu nặng đe doạ tính mạng, hoặc dai dẳng, chức năng phổi đảm bảo, điều trị bảo tồn thất bại.
Lời khuyên của bác sĩ
Khi có các dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp không nên chủ quan mà cần đi khám càng sớm càng tốt để điều trị dứt điểm.
Chú ý giữ vệ sinh đường hô hấp trên (họng, hầu, răng, miệng...) sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ và súc họng nước muối nhạt.
Đối với trẻ sơ sinh và những người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao, cần được tiêm phòng vaccin phòng lao.
Chú ý nâng cao sức khỏe và khả năng đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với tập luyện thể dục thể, thể thao đều đặn để hệ hô hấp hoạt động tốt, tránh cảm lạnh đột ngột.
Giãn phế quản có thể dẫn tới những biến chứng khó lường và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Do đó, nếu nghi ngờ bị giãn phế quản cần đi khám sớm và tuyệt đối tuân thủ theo hướng điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Như Quỳnh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: