Kinh tế xã hội hôm nay

Phiên họp 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến đối với 4 nhóm vấn đề

Ngày 13/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp 46 (diễn ra trong 2 ngày 13-14/7). Tại phiên họp này, UBTVQH tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, cùng đó cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác.

Xem xét cho ý kiến đối với 4 nhóm vấn đề

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 4 nhóm vấn đề. Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất là UBTVQH sẽ xem xét cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội. Nhóm vấn đề thứ 2 là xem xét, thảo luận, cho ý kiến tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ 3 là xem xét, thông qua Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và xem xét công tác nhân sự.

Nhóm vấn đề thứ 4 là xem xét việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc tại phiên họp.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành cao với những nội dung tiếp thu, giải trình; đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các bộ, ngành hữu quan đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9 vừa qua để hoàn thiện Dự án Luật. Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về chính sách của Nhà nước với người lao động theo hợp đồng. “Phiên họp trước, UBTVQH đưa ra tư duy mang tính chất chiến lược, rằng khi đất nước phát triển thì lực lượng lao động cũng phải nâng lên một tầm nào, không phải như cách đây 10-15 năm, thiếu việc làm, bôn ba đi tìm việc. Cần có chính sách đủ mạnh, đủ đúng để nguồn nhân lực đi lao động nước ngoài có trình độ cao hơn”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, luật quy định rất rõ là đối tượng đi làm việc ở nước ngoài “theo hợp đồng” chứ không phải lao động tự do, thăm thân hay du học kết hợp làm việc. Kể cả chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cũng không phải thuộc đối tượng của luật này mà có thể theo nhiều hình thức khác như thực hiện hiệp định giữa Việt Nam với các nước.

Tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra rằng, luật ra đời sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về lao động. Sau khi luật này có hiệu lực sẽ có những vấn đề cần quan tâm như đào tạo, quản lý lao động để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

H. Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/khai-mac-phien-hop-46-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-n177089.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY