Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phòng chống COVID-19: Cách chọn nước rửa tay khô an toàn, tránh mua phải hàng kém chất lượng

Lợi dụng dịch COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất đã làm giả, làm nhái các loại dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay khô để bán ra thị trường nhằm trục lợi. Dưới đây là những lưu ý giúp người tiêu dùng chọn mua được nước rửa tay an toàn, tránh những hệ quả không mong muốn.

Cồn như ethanol đã được khuyên dùng để rửa tay giúp chống lại vi trùng từ năm 1888. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa các sản phẩm nước rửa tay dựa trên cồn bây giờ là "chế phẩm chứa cồn (dạng chất lỏng, gel hoặc bọt) được thiết kế áp dụng cho tay để vô hiệu hóa vi sinh vật, hoặc tạm thời ngăn chặn sự phát triển của chúng. Các chế phẩm như vậy có thể chứa một hoặc nhiều loại hóa chất gốc cồn và các loại hóa chất khác với tác dược và chất làm ẩm".

Đối với virus corona mới, nó có một điểm yếu "chết người" để có thể bị bất hoạt khi tiếp xúc với các chất cồn. Đó là vỏ bọc nhân (E). Cồn có thể phá vỡ lớp vỏ bọc này, phơi bày vật liệu di truyền của virus (RNA) và khiến nó bị bất hoạt khi không còn được bảo vệ và không còn các thụ thể dạng gai (S) để lây nhiễm tế bào.

Hiệu ứng này khiến cồn trở thành một chất bất hoạt mầm bệnh hiệu quả để đối phó với họ virus corona, bao gồm cả virus SARS-CoV gây ra dịch SARS năm 2003 và virus MERS gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông vào năm 2015.

Đây cũng chính là lý do tại sao trong dịch Covid-19 lần này, nước rửa tay khô chứa cồn được khuyến cáo sử dụng.

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhiều cơ sở kinh doanh đã sản xuất gel rửa tay khô không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những chai gel diệt khuẩn với cái tên lạ đi kèm lời quảng cáo có cánh của một số cửa hàng online như “bảo đảm tiêu diệt được Covid-19”… khiến nhiều người tiêu dùng lầm tin và chọn mua, có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng dung dịch sát khuẩn kém chất lượng sẽ tiềm ẩn hai nguy cơ lớn. Thứ nhất, sản phẩm mang mác “sát khuẩn” nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Thứ hai, chúng có thể gây ra phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng hoặc gây độc hại khi dung dịch vào mắt, mũi, miệng, thức ăn.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn mua, sử dụng những sản phẩm được sản xuất bởi những đơn vị có uy tín, có địa chỉ, nguồn gốc, tem, nhãn mác rõ ràng, được kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế để nâng cao hiệu quả phòng bệnh cũng như tránh rước họa vào người.

Cách nhận diện hàng giả, hàng kém chất lượng

- Dung dịch sát khuẩn đảm bảo tiêu chuẩn là loại được các doanh nghiệp, cơ sở uy tín sản xuất, trên bao bì sản phẩm có địa chỉ, nguồn gốc, tem, nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng, được kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế.

- Các sản phẩm chính hãng sẽ diệt được đa số vi khuẩn bám trên bề mặt da, hạn chế thấp nhất viêm da, kích ứng đỏ, ngứa da khi sử dụng. Một số sản phẩm còn có tác dụng làm mềm da.

- Ngược lại, loại dung dịch sát khuẩn giả hoặc kém chất lượng thường in thông tin sơ sài trên sản phẩm. Đôi khi, không rõ thành phần, cơ sở sản xuất và đơn vị phân phối. Không có mã vạch hoặc mã vạch mờ, lem mực. Khi check mã vạch không hiển thị được thông tin của sản phẩm.

- Ngoài ra, bạn nên tránh chọn các sản phẩm nước rửa tay khô chứa những hóa chất không an toàn. Từ năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (CDC) đã ban hành một quy định cấm sử dụng 28 chất trong sản phẩm nước rửa tay khô bán dưới dạng không kê đơn, trong đó có triclosan và benzethonium chloride thường dùng để diệt khuẩn. Danh sách đầy đủ bao gồm:

  • Benzethonium chloride, Chloroxylenol, Chlorhexidine gluconate,
  • Cloflucarban, Fluorosalan, Hexachlorophene, Hexylresorcinol,
  • Iodine complex (ammonium ether sulfate và polyoxyethylene sorbitan monolaurate),
  • Iodine complex (phosphate ester của alkylaryloxy polyethylene glycol),
  • Methylbenzethonium chloride, Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine,
  • Phenol (quanh ngưỡng 1.5%), Poloxamer iodine complex, Povidone-iodine 5-10%,
  • Secondary amyltricresols, Sodium oxychlorosene, Tribromsalan, Triclocarban,
  • Triclosan, Triple dye, Undecoylium chloride iodine complex,
  • Polyhexamethylene biguanide, Benzalkonium cetyl phosphate,
  • Cetylpyridinium chloride, Salicylic acid, Sodium hypochlorite,
  • Tea tree oil (dầu tràm trà),
  • Hỗn hợp potassium vegetable oil, phosphate sequestering agent và triethanolamine.

Cách rửa tay với nước rửa tay khô

Theo tiêu chuẩn Châu Âu áp dụng cho biện pháp rửa tay hợp vệ sinh, European Norm 1500, mỗi lần rửa tay với nước rửa tay khô, bạn cần xịt ra tay mình khoảng 3 ml, và chà tay trong ít nhất 30 giây để bao phủ toàn bộ lòng, mu bàn tay và kẽ tay hiệu quả.

Dưới con mắt trực quan, 3 ml tương đương hơn một nửa muỗng cà phê, hoặc khi đổ ra tay, nó có kích thước cỡ một đồng xu. Một cách nữa để ước tính xem bạn có xịt ra tay đủ nước rửa tay chưa là đếm số lần bạn dùng hết một chai 60 ml. Nếu bạn rửa được trên 20 lần, thì đó là bạn chưa xịt đủ.

Một lưu ý cuối cùng khi sử dụng nước rửa tay khô chứa cồn trong dịch Covid-19, đó là bạn không nên sử dụng nó khi tay dính bẩn rõ rệt. Nếu tay bạn dính dầu mỡ, đất cát hoặc bất kỳ vết bẩn có thể nhìn thấy nào, tốt nhất hãy rửa chúng bằng xà phòng và nước sạch. Sát khuẩn bằng cồn trong trường hợp này là không đủ để loại bỏ và bất hoạt hết mầm bệnh có trên tay bạn.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/phong-chong-covid-19-cach-chon-nuoc-rua-tay-kho-an-toan-tranh-mua-phai-hang-kem-chat-luong-28892/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY